Tại sao có trường ĐH xếp hạng cao nhưng điểm tuyển sinh thấp?

Chủ nhật - 29/10/2023 07:59:04


"Xếp hạng mang đến nhiều danh tiếng cho nhà trường nhưng thí sinh nên quan sát đa dạng hơn các tiêu chí của trường đó trước khi đăng ký xét tuyển".

tại sao


Tại "Diễn đàn Hà Nội về Khoa học Giáo dục và Sư phạm" năm 2023 diễn ra ngày 27/10 tại Hà Nội, ông Ngô Tiến Nhật, nghiên cứu viên - Viện Đảm bảo chất lượng, Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ như vậy khi được hỏi vì sao một số trường được xếp hạng cao nhưng điểm đầu vào thấp. 

Xếp hạng đại học chỉ là phương pháp đối sánh chất lượng giáo dục, từ đó các trường biết mình đang đứng ở đâu. Việc chạy đua, phát triển nóng để lọt top sẽ đem lại nhiều hệ lụy lâu dài.

Xếp hạng cao, điểm tuyển sinh chỉ 14

Trong kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng vừa qua, có những trường đứng thứ hạng cao trong bảng xếp hạng nhưng điểm xét tuyển bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT từ 14 điểm (điểm sàn).

Mức 14 điểm là tổng điểm xét tuyển của 3 môn trong tổ hợp dự thi và cộng thêm điểm ưu tiên (nếu có). Như vậy, thí sinh cần chưa tới 5 điểm/môn đã có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào trường này. 

Trả lời câu hỏi của phóng viên Dân trí về điều này, ông Nhật cho rằng, với người làm tư vấn tuyển sinh, xếp hạng chỉ là một kênh tham khảo để sinh viên lựa chọn trường. 

Xếp hạng chỉ là một phương pháp để đối sánh chất lượng giáo dục, từ đó các trường biết mình đang đứng ở đâu. Việc chạy đua, phát triển nóng để lọt top sẽ đem lại nhiều hệ lụy lâu dài.

Rõ ràng xếp hạng mang đến nhiều danh tiếng cho nhà trường nhưng thí sinh hãy là những người "thông thái", muốn nhập học hoặc đăng ký tuyển sinh của một trường, nên quan sát đa dạng hơn các tiêu chí của trường đó.

Các em nên dành thời gian đọc kỹ trước khi chọn trường. Chẳng hạn, tại sao vị trí xếp hạng cao nhưng vị trí xếp hạng giảng dạy lại như vậy.

"Tôi không đánh giá gì về những trường xếp hạng cao nhưng điểm tuyển sinh thấp.

Tôi chỉ có thể nói rằng, một số trường phát triển nóng, sẽ có hệ lụy về lâu dài. Cụ thể, phát triển nóng cần có đầu tư, nếu không đủ lượng nguồn vốn, chắc chắn cơ sở đó sẽ có độ hẫng, thành vết gợn trong quá trình phát triển của nhà trường.

Xếp hạng là cuộc đua để các trường thể hiện năng lực đến đâu. Trong cuộc đua này, ai cũng muốn đứng ở vị trí cao như cuộc đua marathon.

Vì vậy, các trường nên tham gia để thấy năng lực thực tế của mình đang ở đâu, đang yếu ở điểm nào", ông Nhật nói.

Ai cũng muốn đứng đầu

Theo ông Nhật, năm 2018-2019, các trường đại học Việt Nam bắt đầu tham gia bảng xếp hạng thế giới dưới hình thức đăng ký nhưng số lượng đại học tham gia không nhiều, chỉ khoảng 5-6 trường.

Trong cả 3 bảng, nước ta có chưa tới 10 trường đại học được xếp hạng. Nhìn các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, Thái Lan…, số lượng trường xếp hạng khá lớn.

Với các quốc gia này, xếp hạng không chỉ là xu thế mà còn là hình thức để các trường giải trình với xã hội rằng, họ đang đứng ở đâu trong khu vực và thế giới.

Trở lại với việc xếp hạng của các trường đại học ở Việt Nam, năm 2022 có 5 đại diện của nước ta lọt vào bảng xếp hạng của tạp chí Times Higher Education (THE), gồm Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách Khoa Hà Nội; ĐH Quốc gia TPHCM.

Tháng 9/2023 THE công bố bảng xếp hạng đại học (ĐH) thế giới 2024. Việt Nam tiếp tục có 6 đại diện được xếp hạng, đó là ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TPHCM, ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân và Trường ĐH Tôn Đức Thắng. 

Theo chuyên gia này, việc xếp hạng đại học giúp giải trình xã hội, qua đó tạo dựng uy tín, danh tiếng và thu hút nguồn lực, người học, đồng thời so sánh với các đơn vị khác hoặc với bộ quy chuẩn sẵn có.

Điểm sáng của giáo dục đại học Việt Nam là uy tín tuyển dụng được đánh giá cao. Điển hình hai Đại học Quốc gia vốn có truyền thống lâu đời, đều có uy tín học thuật và mạng lưới nghiên cứu quốc tế tốt.

"Mặc dù vậy, trong số các trường đại học Việt Nam được xếp hạng, điểm đánh giá tỷ lệ giảng viên/sinh viên ở hầu hết các trường đều đang thấp hơn so với nhóm xếp hạng.

Các trường được xếp hạng của Việt Nam đều quy mô lớn, trên 12.000 người học, nên việc cân đối tỷ lệ này khó hơn so với các trường quy mô nhỏ.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người học quốc tế của Việt Nam cũng thuộc top dưới, thấp hơn nhiều so với nhóm trong khu vực.

Nguyên nhân một phần đặc thù các chương trình học của Việt Nam vốn dùng Tiếng Việt nên khó thu hút sinh viên nước ngoài", ông Nhật nói.


Theo Mỹ Hà
Dân trí

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây