Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) vừa cho biết, một số điểm mới dự kiến trong dự thảo thông tư mới về quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Thay đổi cách xét công nhận tốt nghiệp THPT
Điểm mới đáng chú ý là trong xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT dự kiến tăng tỷ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của kỳ thi như đã công bố.
Thời gian tổ chức thi rút ngắn từ 4 buổi thi hiện nay xuống còn 3 buổi. Về môn thi, bổ sung thêm môn Tin học, Công nghệ (Công nghiệp, Nông nghiệp). Đây là những môn thi lần đầu tiên được tổ chức thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đề thi bổ sung thêm một số dạng thức câu hỏi thi mới đối với các môn thi trắc nghiệm (trước đây chỉ có một dạng thức câu hỏi thi trắc nghiệm chọn một trong bốn phương án, điểm số bằng nhau giữa các câu hỏi trắc nghiệm). Cùng đó đề thi sẽ được tăng cường tính phân hóa ở tất cả các môn để đạt được các mục tiêu của kỳ thi.
Bộ GDĐT sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số mạnh hơn trong công tác tổ chức thi.
Theo đó, tất cả các đối tượng tham dự kỳ thi đều có thể đăng ký dự thi theo hình thức trực tuyến (giai đoạn trước đây, thí sinh tự do phải nộp hồ sơ theo hình thức trực tiếp), xác thực thông tin cá nhân và các ưu tiên cộng điểm kỳ thi qua cơ sở dữ liệu số; truyền tải đề thi (số hóa) có thêm phương thức mới là qua hệ thống của Ban Cơ yếu Chính phủ bảo đảm nhanh, bảo mật, tiết kiệm thời gian và chi phí.
Các điểm thi, phòng thi được sắp xếp theo nguyên tắc hỗ trợ tối đa cho thí sinh không phải di chuyển phòng thi. Cụ thể, cho phép trộn học sinh ở các cơ sở giáo dục gần nhau để tổ chức các điểm thi tiện ích cho thí sinh; thí sinh chỉ dự thi tại một phòng thi duy nhất trong suốt kỳ thi; ưu tiên sắp xếp theo cùng bài thi của hai môn tự chọn.
Bộ GDĐT cũng dự kiến, bổ sung quy định để thí điểm thi trên máy tính khi có đủ điều kiện theo lộ trình như đã công bố trong phương án thi, thí điểm dần từ năm 2027 và khi đủ điều kiện triển khai đại trà sau năm 2030.
Không quy đổi điểm 10 tiếng Anh
Một trong những nội dung của dự thảo được nhiều người quan tâm là thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ đáp ứng theo quy định được miễn thi môn Ngoại ngữ, nhưng không quy thành 10 điểm trong xét công nhận tốt nghiệp THPT như quy định hiện nay.
Theo quy chế hiện hành, thí sinh được miễn thi môn Ngoại ngữ (Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc, Đức, Nhật) và tính 10 điểm khi xét công nhận tốt nghiệp THPT nếu có chứng chỉ hợp lệ (có quy chuẩn cụ thể của Bộ GDĐT). Cụ thể, nếu thí sinh đạt IELTS 4.0 trở lên được tính điểm 10 môn tiếng Anh.
Mỗi năm, hàng chục nghìn thí sinh được miễn thi tốt nghiệp THPT nhờ chứng chỉ ngoại ngữ. Trong đó, phần lớn có chứng chỉ IELTS. Năm 2024, cả nước có gần 67.000 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, việc IELTS 4.0 và các chứng chỉ tương đương được tính điểm 10 và miễn thi tốt nghiệp môn Tiếng Anh từng gây nhiều tranh cãi.
Nhiều giáo viên, học sinh, phụ huynh cho rằng việc miễn thi Ngoại ngữ nếu có chứng chỉ IELTS 4.0 và quy đổi thành điểm 10 là không chính xác và không công bằng.
Cô Nguyễn Thị Huyên, giáo viên Tiếng Anh, Trường THPT Lê Lợi (quận Hà Đông, Hà Nội) cho rằng, cần cân nhắc lại việc tính 10 điểm cho thí sinh có IELTS 4.0. Theo đó, việc quy đổi là không tương đương và không hoàn toàn chính xác vì bài thi IELTS kiểm tra 4 kỹ năng (thực hành), còn thi tốt nghiệp chú trọng ngữ pháp, từ vựng (lý thuyết). Những giáo viên khác cùng chung quan điểm, bởi nhiều học sinh thi IELTS đạt 7.0-7.5 nhưng thi Tiếng Anh tốt nghiệp THPT chỉ trên 9, chứ không thể đạt 10.
(*) Mời các bạn xem VTV tư vấn chọn ngành học, chọn trường phù hợp tại đây!
Theo Vi Cầm
VTC News
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC