Sáng tạo, chủ động có cần phải bỏ ‘tiên học lễ, hậu học văn’?

Chủ nhật - 28/11/2021 10:57:51

Tại hội thảo Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT diễn ra tuần qua, GS Trần Ngọc Thêm (Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn TP.HCM) đề nghị dừng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để tăng tư duy phản biện.
 
Sáng tạo

Theo GS Trần Ngọc Thêm, một trong những lý do ngừng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' vì xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo trước hết phải có con người chủ động.

Đây là một quan điểm cần được xem xét thấu đáo nhằm làm rõ vai trò sứ mệnh giáo dục của nhà trường.

Vậy cần phải làm gì để xây dựng xã hội phát triển để có con người chủ động nhưng vẫn giữ được văn hóa “Tiên học lễ hậu học văn” trong tình hình nạn bạo lực học đường vẫn còn diễn ra?

Thứ nhất, để học sinh năng động sáng tạo, trước hết thầy cô phải là những người năng động, sáng tạo trong việc dạy - học, truyền thụ kiến thức cho học sinh, phải thay đổi cách dạy và học, cách kiểm tra thi cử. Không thể dạy theo kiểu nhồi nhét kiến thức, kiểm tra học thuộc lòng; thầy thuyết giảng trò nghe, rồi đọc chép; hay chiếu chép. Như vậy học sinh không có cơ hội trao đổi, thắc mắc mà gần như chỉ nghe và làm theo thầy một cách thụ động.

Thứ hai, thầy cô cần dạy cho học sinh tính phản biện, tranh luận. Việc tranh luận phản biện đúng sai không quan trọng mà mục đích là phát huy vai trò cá thể trong tập thể, không nên lấy số đông để áp đặt, mặc định.

Ví dụ khi dạy Bài 23: Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 và sự thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Lịch sử 9) tôi có đưa vấn đề cho học sinh tranh luận: Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 có phải là “một sự ăn may”?. Có em ý kiến cho rằng: “ Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi là do phát xít Nhật đầu hàng phe đồng minh là chính”. Đây là một cách giúp học sinh chủ động, sáng tạo, biết phản biện hay hơn cách dạy yêu cầu các em nêu “Ý nghĩa lịch sử và nguyên nhân thành công của cách mạng tháng Tám”.

Thứ ba, Bộ GD-ĐT cần “cởi trói” cho thầy cô khỏi vấn nạn “hồ sơ sổ sách”, giáo án mẫu, văn mẫu, đề thi mẫu, hệ thống chỉ tiêu thi đua và vô số phong trào như viết sáng kiến kinh nghiệm, hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi…. Thay vào đó tạo điều kiện cho thầy cô tích cực, chủ động sáng tạo tập trung cho chuyên môn chính giảng dạy.

Vậy nên, muốn khuyến khích học sinh năng động sáng tạo, biết phản biện, thì phải thay đổi phương pháp dạy học từ người thầy và Bộ GD-ĐT cần cởi trói cho giáo viên.

Còn việc nên duy trì hay không triết lý giáo dục “Tiên học lễ hậu học văn” cần có sự tổng kết đánh giá thực tế của cơ quan văn hóa chủ quản, Ban tuyên giáo trung ương để định hướng giáo dục trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT, hơn là việc chúng ta chỉ nêu quan điểm đơn lẻ của từng cá nhân.

 
Theo Nguyễn Văn Lực - (Giáo viên Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây