Những ngành 'khát' nhân lực nhưng khó tuyển sinh

Chủ nhật - 12/03/2023 09:31:12


Dù “khát” nhân lực nhưng 3 năm liên tiếp, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản vẫn đứng đầu danh sách những ngành tuyển sinh kém nhất.

Những ngành 'khát'


Các chuyên gia cho rằng, cần phân tích đúng và trúng nguyên nhân để có giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Thiếu hụt nhân lực

ThS Phạm Văn Thuận – Trưởng phòng Truyền thông và Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Tây Nguyên - cho biết, mấy năm nay, một số ngành thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khó tuyển sinh nên không đủ chỉ tiêu. Nhiều công ty, doanh nghiệp về trường để tuyển dụng việc làm, với mức lương khởi điểm là 8 - 15 triệu đồng/tháng (tùy từng vị trí việc làm).

Có công ty về trường tuyển dụng 400 lao động nhưng nhà trường không đủ sinh viên để đáp ứng chỉ tiêu. “Có thể nói, ngành Nông, Lâm nghiệp và Thủy sản rất “khát” nhân lực, sinh viên ra trường “đắt như tôm tươi”. Tiếc là, nhiều gia đình, học sinh không mặn mà với lĩnh vực truyền thống này”, ThS Phạm Văn Thuận trăn trở.

Tại Học viện Nông nghiệp Việt Nam, dù được hỗ trợ từ cơ sở đào tạo, doanh nghiệp nhưng một số ngành như: Công nghệ sau thu hoạch, thú y… vẫn khó tuyển sinh. Theo GS.TS Phạm Văn Cường - Phó Giám đốc Học viện, thông qua ngày hội việc làm cho thấy, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp rất lớn đối với những ngành này. Thực tế, không chỉ doanh nghiệp mà xã hội và đất nước cũng cần nhân lực cho lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Hiện nay, lực lượng lao động trong ngành nông nghiệp chiếm khoảng 30% lực lượng lao động cả nước. Tuy nhiên, theo ông Vũ Anh Tài – Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), sinh viên đăng ký học ngành nông nghiệp chiếm chưa đến 2% tổng sinh viên nhập học hàng năm.

Theo kết quả thống kê từ các trường của Bộ, giai đoạn 2016 - 2020, học sinh, sinh viên đăng ký các ngành, lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy lợi và thủy sản giảm trên 30% so với giai đoạn 2011 - 2015. Những năm gần đây, một số ngành nông nghiệp truyền thống có ít, thậm chí không có sinh viên đăng ký học.

Lực lượng lao động suy giảm nhanh và trình độ đào tạo thấp ảnh hưởng tới giải quyết các thách thức toàn cầu về lương thực và môi trường; khiến sức cạnh tranh của nhiều sản phẩm nông nghiệp thấp. Kéo theo đó, thu nhập và điều kiện sống nhiều nơi, nhất là vùng sâu, xa, đồng bào dân tộc thiểu số chậm được cải thiện. Ngoài ra, khả năng thích ứng biến động của thị trường và công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường của người dân còn hạn chế.

Ông Tài cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất xây dựng đề án với cơ chế đặc thù cho sinh viên đăng ký học các ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; trong đó có chính sách miễn giảm học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên theo học.

Giải pháp “đòn bẩy”

Tại Hội nghị tuyển sinh năm 2023, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) - chỉ ra, các cơ sở đào tạo tuyển sinh kém chủ yếu bởi nguyên nhân chưa đủ uy tín, thương hiệu hấp dẫn thí sinh. Ngoài ra, do vị trí địa lý, sự cạnh tranh khi chỉ tiêu hàng năm tăng, lĩnh vực đào tạo thí sinh ít có nhu cầu theo trào lưu xã hội. Cũng có thể bởi ngành đào tạo hẹp, mới thí điểm, thiếu hấp dẫn về cơ hội việc làm và phát triển nghề nghiệp.

Nhìn nhận về danh mục các ngành đào tạo hiện nay, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho hay, lĩnh vực nông nghiệp có sự chuyển biến liên tục. Do đó cần rà soát lại để ngành nào có thể đặt hàng, giao nhiệm vụ đào tạo thì tiến hành theo quy định. “Chúng tôi đã tham mưu với Bộ trưởng về việc cần thiết xây dựng Nghị quyết liên quan đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho nông nghiệp và phát triển nông thôn”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam thông tin.

Tại buổi làm việc giữa Bộ GD&ĐT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện Bộ Tài chính; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ủng hộ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án riêng để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút sinh viên lĩnh vực này.

Thứ trưởng lưu ý, hướng tiếp cận tổng thể và hợp tác chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương để tránh trùng lặp các đề án khác. Đề án cần xác định rõ mục tiêu, phạm vi và có trọng tâm, trọng điểm, chiến lược phát triển tập trung vào một số ngành để tạo “đòn bẩy”. Đặc biệt, đề án phải phân tích kỹ bối cảnh thực trạng, nguyên nhân, xác định rõ nhu cầu, đưa ra dự báo bám sát chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và chiến lược tổng thể đến năm 2030.

Chia sẻ về kết quả tuyển sinh thấp ở một số ngành thuộc lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn đặt vấn đề, cần xác định nguồn nhân lực những ngành này thiếu bao nhiêu, thiếu ở đâu, thiếu thế nào để đưa ra phương án khả thi, tháo gỡ. Tình trạng việc làm của sinh viên sau khi ra trường cần có đánh giá bài bản. Nếu sinh viên có việc làm, thu nhập tốt mà vẫn không tuyển sinh được thì cần đánh giá trúng nguyên nhân, chất lượng đào tạo, công tác truyền thông, tuyên truyền, gắn kết nhà trường - doanh nghiệp - xã hội hay học phí để đưa ra giải pháp tổng thể, thấu đáo.

 

Theo Minh Phong
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây