Sau gần một tháng nhập học, nhiều tân sinh viên tỏ ra hụt hẫng, chán nản với ngành học mình lỡ trúng tuyển.
2 tuần trước, em Nguyễn Khánh Huyền (Thái Bình) nhập học ngành Văn hoá học tại một trường đại học ở Hà Nội. Không khí ngày đầu chào đón tân sinh viên diễn ra rộn ràng, sôi động, các anh chị tình nguyện viên nhiệt tình hướng dẫn, bạn bè đồng trang lứa háo hức làm quen… Riêng bản thân Huyền lại không thấy thoải mái, bởi đây không phải là ngành học mà nữ sinh mơ ước.
Từ nhỏ, cô nàng đã ấp ủ ước mơ trở thành giáo viên, vì vậy trong đợt đăng ký xét tuyển đại học vừa qua, đã dành trọn 3 nguyện vọng đầu vào các ngành Giáo dục Công dân, Giáo dục Tiểu học và Sư phạm Ngữ văn của trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thế nhưng với tổng điểm xét tuyển 27, trong khi điểm chuẩn các ngành đều cao hơn con số này, 10X không đỗ bất kỳ nguyện vọng nào. Cuối cùng, Huyền đỗ ngành Văn hoá học, nguyện vọng 4 mà cô nàng chỉ đăng ký để chống trượt.
''Lúc biết trượt cả 3 nguyện vọng đầu tiên, em khá sốc và buồn. Đây không chỉ là ước mơ của cá nhân em mà còn liên quan đến vấn đề kinh tế gia đình trong suốt 4 năm em học đại học. Bởi nếu vào được sư phạm, em không chỉ được miễn học phí mà còn được hỗ trợ thêm tiền sinh hoạt phí'', Huyền nói trong hụt hẫng.
Từ hôm nhập học đến nay, nữ sinh Thái Bình luôn trong trạng thái chán nản, không có hứng thú học tập. Nữ sinh cũng bày tỏ sự mông lung về việc có nên theo đuổi tiếp ngành học mà mình đã lỡ trúng tuyển hay không.
Cùng chung nỗi niềm với Huyền, Bùi Tiến Ngọc (Hà Nội) không thấy vui khi đỗ vào ngành Quản trị kinh doanh. Đạt 26 điểm thi tốt nghiệp khối A00 (Toán, Lý, Hóa), Ngọc đặt hy vọng ngành Luật của trường Đại học Luật Hà Nội, nhưng may mắn lại không mỉm cười khi thiếu 0,15 điểm.
''Khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, em đã nghĩ đây là số điểm an toàn, đủ trúng tuyển nguyện vọng đầu. Nhưng rốt cuộc lại trúng ngay ngành ''chọn bừa'', nam sinh bày tỏ sự thất vọng.
Trước sự đã rồi, gia đình động viên Ngọc hãy "mở lòng" với ngành học trúng tuyển. Thế nhưng sau gần một tháng nhập học, nam sinh luôn trong trạng thái mất phương hướng, không chút động lực cố gắng, dẫn đến việc không thể theo kịp chương trình học.
Thực tế, việc phải học ngành không mong muốn khiến nhiều sinh viên rơi vào tình cảnh chật vật. Có những sinh viên quyết tâm xin thôi học và thi lại để vào đúng chuyên ngành yêu thích, số khác lại chấp nhận ở lại học để lấy tấm bằng cử nhân rồi "tính tiếp" vì sợ tốn kém tiền bạc, thời gian.
Từng trải qua tình cảnh tương tự, Nguyễn Thị Ngọc Anh, sinh viên năm 4 Học viện Báo chí tuyên truyền cho rằng, các bạn tân sinh nên dành thêm thời gian cho ngành học hiện tại để hiểu rõ hơn và đánh giá mức độ phù hợp. Bởi không phải tất cả những gì chúng ta cảm nhận và hình dung về ngành học ban đầu đều đúng.
''Trước đây báo chí không phải lựa chọn hàng đầu, vì mình luôn cho rằng đây là một nghề khó và vất vả. Nhưng sau 3 năm học tập và rèn luyện tại học viện, cơ hội tiếp xúc với môi trường báo chí chuyên nghiệp dần giúp mình nhận ra, đây là ngành phù hợp, bởi những kiến thức xã hội và cơ hội trải nghiệm mà nó mang lại'', Ngọc Anh nói và cho biết, cố gắng tìm hiểu ngành học mới cũng là cách cô nàng chuyển từ buồn chán sang yêu.
Nữ sinh khuyên các tân sinh viên hãy bình tĩnh, đừng vội thất vọng hay buông bỏ ngành học trúng tuyển quá sớm. Bởi biết đâu, trải nghiệm rồi mới nhận ra đây chính là ngành nghề có nhiều ưu điểm giúp bản thân phát triển.
Theo Kim Anh
VTC News
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC