Nên xem kỳ thi quốc gia chỉ là cuộc thử sức

Thứ tư - 03/07/2019 09:50:38

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã kết thúc, được Bộ GD-ĐT đánh giá "nghiêm túc và nhẹ nhàng". Nhưng cũng có ý kiến kỳ thi này căng thẳng, tốn kém, và liệu có thực sự cần thiết phải tổ chức coi thi một cách rình rang và tốn kém như hiện nay?

thiTHPT
 

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - nói:

- Thực tế vẫn còn không ít thí sinh và cả phụ huynh lo lắng trong suốt kỳ thi. Đến nay thì đã thi xong, chờ chấm điểm nhưng vẫn lo lắng tiếp. Tôi đồng cảm với tâm trạng này của họ. Có thể khẳng định đây là kỳ thi quan trọng nhất đời học sinh nhưng cần nhìn vào cuộc thử sức của chính các bạn trẻ nhiều hơn. 

Đặc biệt với các bạn trẻ, nên suy nghĩ rằng có nhiều thử thách và thử thách này liệu có quá sức hay không? Phải chăng đây là "chốt chặn" cuộc đời hay chỉ là cuộc sát hạch chính thức năng lực của bản thân?

* Dù kỳ thi này luôn được cải tiến nhưng hằng năm không chỉ ngành giáo dục mà cả xã hội đều vào cuộc lo cho kỳ thi, có cần phải vậy không, thưa ông?

- Với tiêu chí nghiêm túc thì sự quan tâm, giám sát, kiểm tra cũng như việc thực hiện một quy trình thi, đánh giá sao cho hiệu quả là điều rất cần. Với một vài biểu hiện tiêu cực, hạn chế nhất định trong các kỳ thi thì việc cải tiến là cần thiết. 

Những cải tiến này đặt trong bối cảnh đất nước đang phát triển, quan điểm của phụ huynh, những cái vênh nhất định của dư luận xã hội như: sự kỳ vọng quá lớn của phụ huynh, mục tiêu định hướng của cá nhân với mong đợi hình mẫu của xã hội (phải vào ĐH), một số cá nhân vẫn còn muốn đặt để thành tích của con cái bằng con đường này khác... nên tạo ra những điểm tối trong mô thức đánh giá thi.

* Hầu hết thí sinh đều dự thi tại địa phương, thậm chí thi ngay tại trường mình đang học. Nhưng thực tế không ít phụ huynh vẫn "đi thi cùng con", xin nghỉ làm để đưa con đến điểm thi và ngồi chờ đợi trước cổng trường... Hình ảnh này khiến mọi người cảm giác kỳ thi nặng nề, căng thẳng.

- Có lẽ đó cũng là cảm xúc và cả suy nghĩ của nhiều người, nhưng xin được lật vấn đề ở góc độ khác: nếu con cái cảm thấy tự tin và hạnh phúc thì sao? Tuy nhiên, cũng cần lý trí và thích ứng với cuộc sống. 

Vài câu hỏi cần ngẫm nghĩ để thay đổi: Liệu rằng con cái có thể tự lập để đi thi không trễ, không xuống tinh thần? Sự xuất hiện của phụ huynh có làm cho con mình tự tin, thành công hơn khi thi? 

Việc đồng hành sát cánh, kiểm tra - giám sát kiểu từng phút giây của cha mẹ có làm con căng thẳng, mệt mỏi? Liệu phụ huynh có vô tình gây những nguy hại cho con về cả tâm lý lẫn hành vi thi cử?... Thực tế có trường hợp con trốn cả cha mẹ đi thi cùng vì làm bài không tốt mà cha mẹ cứ hỏi han dồn ép liên tục.

* Ông có cho rằng chính việc thí sinh và cả xã hội quá áp lực, căng thẳng với kỳ thi nên cả người học và người dạy chỉ nhắm đến đích học để thi, và cũng từ đó nảy sinh tiêu cực trong kỳ thi trước?

- Câu hỏi cần làm rõ đó là: Ai nhắm đến đích học để thi, phụ huynh, học sinh hay thầy cô giáo, ngành giáo dục? Xin khẳng định đó là văn hóa - tâm lý xã hội. Chúng ta cần thẳng thắn với nhau, sự kỳ vọng về kết quả học hành, cụ thể là học giỏi, đã đẩy phụ huynh phải yêu cầu cao ở con mình. 

Con cái phải gánh một gánh nặng của điểm số, của thứ hạng, của những ước ao do "chuẩn mực" giả định từ cha mẹ và người xung quanh đặt cho mình. Học sinh phải chạy và gánh, đi và gánh, bước từng bước và gánh, lê để gánh, trườn bò gánh... để về đích... làm cho nhiều em căng thẳng.

* Như vậy, dù một kỳ thi quốc gia rất quan trọng nhưng vẫn có thể diễn ra nhẹ nhàng, đâu là điều cần lưu tâm từ góc nhìn của ông?

- Chúng ta cần bắt đầu thay đổi từ giá trị và văn hóa. Thay đổi quan niệm và dư luận xã hội từ góc nhìn tâm lý học xã hội cho thấy cần có thời gian đủ dài, sự tác động cần có chiến lược và có trọng điểm. Trách nhiệm này thuộc về xã hội, gia đình và ngành giáo dục. Chặng đường này rất dài và khá khó khăn, nhưng nếu đầu tư và có chiến lược sẽ dần thay đổi.

* Theo ông, hoàn toàn có thể tổ chức một kỳ thi tầm quốc gia nhẹ nhàng hơn nữa trong những năm tới? Mọi người nên làm gì?

- Chúng ta đang tạo cho học sinh một cuộc thi đánh giá năng lực nên hãy tạo điều kiện tốt nhất để các em thể hiện năng lực. Đối với phụ huynh, hãy thương yêu đúng cách và hợp nhu cầu con cái trong kỳ thi sẽ là tình yêu tuyệt vời mà hiệu quả nhất cha mẹ dành cho con. 

Hãy thay đổi ngay những câu: "Đã ôn bài chưa? Đây là cơ hội mà không làm bài tốt thì coi như xong đời"... bằng những cái nhìn trìu mến, bằng ánh mắt thân tình và cả những câu gợi mở, động viên: "Mẹ tin con có thể, mẹ biết con lo nhưng quan trọng nhất là con nỗ lực hết mình là vui rồi con ạ".

Với các bạn trẻ, tôi muốn nói rằng cuộc sống luôn có khó khăn và thử thách, quan trọng nhất là làm hết mình để tránh chữ "nếu như".

Trần Huỳnh thực hiện
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây