Năng lực nghề nghiệp của sinh viên có yếu?

Thứ năm - 10/11/2022 06:22:13


Nhiều tân cử nhân, chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, năng lực của sinh viên ngày càng được cải thiện, đáp ứng yêu cầu nhà tuyển dụng.

Năng lực nghề nghiệp của sinh viên


Doanh nghiệp “săn đón”

“Làm thêm theo hình thức bán thời gian giúp sinh viên bổ sung nhiều năng lực nghề nghiệp, tích lũy kinh nghiệm cho bản thân. Ngoài ra, trong quá trình học tập, hầu hết sinh viên đều chủ động tích lũy cho mình những chứng chỉ và bằng cấp cần thiết để phục vụ cho công việc sau này. Đây cũng là một trong những yếu tố cho thấy, chỉ số năng lực của sinh viên Việt Nam không hề yếu” – Hồng Nhung bày tỏ.

Tân thủ khoa đầu ra Khoa Tài chính doanh nghiệp, Học viện Tài chính Trần Thị Hồng Nhung thẳng thắn nêu quan điểm, nếu nói chỉ số năng lực và kỹ năng của sinh viên Việt Nam còn yếu thì chưa thực sự thuyết phục. Hồng Nhung viện dẫn, nhiều sinh viên đã được các công ty, doanh nghiệp “săn đón” và hợp đồng làm việc theo hình thức bán thời gian, dù mới chỉ học năm thứ 2, thứ 3.

“Em đã được nhận vào làm việc tại một công ty lớn và khá hài lòng với công việc của mình. Phía công ty cũng ghi nhận năng lực, thái độ làm việc của em. Đồng thời, họ cũng đánh giá cao năng lực nghề nghiệp, thái độ làm việc của nhân sự mới ra trường” - Trần Thị Hồng Nhung chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Tuyền – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Trevi Bike, sinh viên nên đi làm thêm để tích luỹ kinh nghiệm từ thực tế và phát triển một số kỹ năng mềm. Hãy đặt cho mình câu hỏi, sản phẩm đó có yếu tố gì? Công năng sử dụng ra sao? Điều này giúp các bạn, khi tham gia ứng tuyển vào doanh nghiệp sẽ biết cần phải có những năng lực gì để đáp ứng yêu cầu công việc.

Sinh viên Việt Nam chịu khó, cầu thị và có chí tiến thủ. Chia sẻ quan điểm trên, bà Lê Thị Thu Huyền - Giám đốc Công ty IGARTEN Egroup đồng thời thông tin: Một số công ty, doanh nghiệp có yêu cầu riêng nên khi các tân cử nhân được tuyển dụng, họ sẽ tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn. Điều này không đồng nghĩa với việc sinh viên Việt Nam kém chất lượng, không đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng.

“Tại IGARTEN Egroup, sau khi được tuyển dụng, chúng tôi có những buổi tập huấn, bồi dưỡng cho nhân sự mới để đáp ứng yêu cầu riêng” – bà Huyền trao đổi.

Tại chương trình “Đối thoại về sự tham gia của doanh nghiệp trong việc phát triển kỹ năng việc làm cho lao động trẻ’’, các chuyên gia cho rằng, với doanh nghiệp – ngoài yếu tố chuyên môn thì đôi khi thái độ quan trọng hơn trình độ. Nghiên cứu của UNICEF chỉ ra rằng, tại Việt Nam, nhiều thanh niên thiếu kỹ năng số và kỹ chuyển đổi.

Theo bà Lesley Miller - Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam, việc xây dựng các kỹ năng mềm từ khi còn trẻ, ví dụ như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, làm việc nhóm và giao tiếp sẽ giúp thanh niên, sinh viên trở thành người có khả năng thích ứng và linh hoạt; đồng thời bổ trợ quan trọng cho các kỹ năng khác để đáp ứng công việc.

Nâng cao năng lực của lao động

Thảo luận tại Hội trường – Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Việt Nga – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương nhìn nhận, tốc độ tăng năng suất lao động là chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu suất làm việc của lao động và là yếu tố cơ bản, quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì thế, bà Nga đề nghị Chính phủ rà soát và xem xét để bổ sung vào mục tiêu tổng quát là: Cải thiện rõ rệt năng suất lao động xã hội. Đi cùng mục tiêu này cần nhấn mạnh các giải pháp như nâng cao chất lượng đào tạo nghề, kỹ năng lao động và nâng cao kỷ luật, kỷ cương lao động. Đồng thời, nâng cao năng lực tư duy của lao động để theo kịp sự phát triển nhanh của khoa học kỹ thuật, gắn trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.

Cho rằng, cần gắn kết đào tạo với việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình nêu ý kiến: Việc liên kết hiệu quả giữa cơ sở đào tạo, trường dạy nghề với các doanh nghiệp là cần thiết. Qua đó, có thể có đội ngũ lao động chất lượng cao, đúng chuyên ngành.

Để người lao động nói chung chủ động hơn khi tiếp cận các cơ hội việc làm, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cần triển khai hiệu quả về cơ chế, kinh phí để họ có thể tham gia đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ, kỹ năng. Cùng với đó, ở các cấp học phổ thông, việc đưa một số nội dung khoa học cơ bản, khoa học, công nghệ vào chương trình dạy học cũng cần thiết, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ như hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nhấn mạnh, kỹ năng nghề của lao động Việt Nam được tăng cường. Tỷ lệ lao động có việc làm phù hợp với ngành, nghề, trình độ đào tạo cũng tăng lên. Lao động Việt Nam tham gia vào công tác quản lý trong các doanh nghiệp FDI tăng nhanh. Chúng ta đã đảm nhận nhiều vị trí, lĩnh vực việc làm phức tạp mà trước đây đều phải do chuyên gia nước ngoài phụ trách nhất là lĩnh vực cơ điện tử, hàn, viễn thông, dầu khí…

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung viện dẫn, tại cuộc thi tay nghề thế giới ngày 17/10 vừa qua, Việt Nam đoạt 2 Huy chương Bạc. Cuộc thi diễn ra tại Đức với gần 100 quốc gia tham gia. Đây là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ trước đến nay. Tuy nhiên, chúng ta đang thiếu lao động cục bộ, đặc biệt thiếu nhân lực chất lượng cao, dẫn đến năng suất lao động thấp.

Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, lao động phi chính thức còn chiếm tỷ lệ cao, dịch chuyển lao động, chuyển đổi nhân lực thấp. Thời gian tới, ngành sẽ đẩy mạnh thực hiện đào tạo kép, với cơ chế doanh nghiệp, Nhà nước và người học cùng tham gia. Theo đó, mỗi doanh nghiệp lớn sẽ là một trường thực hành. Đồng thời, nhất quán chủ trương phân luồng sớm, phân luồng mạnh, nâng cao tỷ lệ lao động có chứng chỉ, bằng cấp, tạo chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, nhất là kỹ năng nghề.

 

Theo Minh Phong
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây