Môn Lịch sử: Dạy học theo lựa chọn sẽ thay đổi ra sao?

Thứ sáu - 15/07/2022 07:31:26

Số môn học lựa chọn trong mỗi tổ hợp sẽ giảm từ 5 còn 4; học sinh muốn chọn lịch sử để học nâng cao sẽ học 87 tiết/năm học thay vì 70 tiết... là những thay đổi lớn khi lịch sử thành môn bắt buộc.
 
Dạy học

Theo Nghị quyết 63 của Quốc hội, Bộ GD-ĐT sẽ phải “thiết kế môn lịch sử trong chương trình giáo dục cấp THPT bao gồm cả phần bắt buộc và phần lựa chọn một cách hợp lý”. Ngày 11.7, Bộ GD-ĐT ban hành kế hoạch thực hiện môn lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm xây dựng, lựa chọn, điều chỉnh chương trình lịch sử phần bắt buộc cấp THPT. Như vậy, thay vì là môn lựa chọn hoàn toàn và học sinh (HS) có thể không chọn học môn này như trong chương trình giáo dục phổ thông đã ban hành năm 2018, tất cả HS THPT năm học tới trở đi sẽ học đầy đủ 52 tiết môn lịch sử bắt buộc mỗi năm học.

Nhập học lớp 10, HS vẫn đăng ký lịch sử là môn lựa chọn

Trước khi có quyết định chuyển môn lịch sử từ lựa chọn thành bắt buộc, các trường đều đã xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn cho HS. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc tuyển sinh và nhập học với lớp 10 cơ bản đã hoàn tất, trong khi chưa có văn bản chính về việc thay đổi các môn lựa chọn nên tạm thời khi HS nhập học nhà trường vẫn cho các em chọn tổ hợp theo kế hoạch cũ.

Bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức (Hà Nội), cho biết trường đã hoàn thành thủ tục nhập học cho HS trúng tuyển vào lớp 10. Khi nhập học, các em đều đăng ký tổ hợp sẽ theo học. Trường cho HS và phụ huynh lựa chọn theo 2 ban, mỗi ban có 3 môn “cứng”: ban khoa học tự nhiên (KHTN - lý, hóa, sinh) và khoa học xã hội (KHXH - sử, địa, giáo dục kinh tế - pháp luật). Hai môn còn lại HS được lựa chọn theo cặp đôi như: lịch sử và tin học; địa lý - công nghệ; địa lý - tin học…

Do vậy, khi có văn bản hướng dẫn của Bộ và của Sở GD-ĐT, nhà trường sẽ phải sắp xếp lại các tổ hợp môn sao cho đúng với điều chỉnh của Bộ GD-ĐT và HS sẽ chọn lại các tổ hợp. “Việc bỏ môn lịch sử, theo hình dung ban đầu thì với ban KHTN sẽ chỉ còn 1 tổ hợp lựa chọn thay vì 3 tổ hợp như trước”, bà Quỳnh cho hay.

Tương tự, trước đó, Trường Marie Curie (Hà Nội) hướng dẫn HS đăng ký dự tuyển vào lớp 10 năm học 2022 - 2023 với 6 tổ hợp (mỗi tổ hợp 5 môn học/chuyên đề giáo dục) cho phép HS lựa chọn một tổ hợp theo 2 hướng là KHTN và KHXH ngoài các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ GD-ĐT. Cụ thể: KHTN1 gồm các môn: lý, hóa, sinh, sử, tin; KHTN2: lý, hóa, sinh, địa, tin; KHTN3: lý, hóa, sinh, kinh tế - pháp luật, tin; KHXH1: sử, địa, kinh tế - pháp luật, lý, tin; KHXH2: sử, địa, kinh tế - pháp luật, hóa, tin; KHXH3: sử, địa, kinh tế - pháp luật, sinh, tin. Như vậy, môn lịch sử cũng “xuất hiện” tới 4/6 tổ hợp lựa chọn, kể cả tổ hợp thiên về KHTN cũng có môn lịch sử. Ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết nếu môn lịch sử trở thành bắt buộc với 52 tiết thì sẽ quay về như chương trình cũ, do vậy không có khó khăn gì về đội ngũ giáo viên (GV) nhưng chắc chắn số môn học được lựa chọn của HS sẽ giảm.

Từ ngày 10 - 12.7 vừa qua, Trường THPT Yên Hòa cũng tạm thời tổ chức tư vấn và cho HS đăng ký lựa môn học theo kế hoạch xây dựng khi môn lịch sử vẫn là môn lựa chọn. Theo đó, nhà trường có 6 mô hình lớp, 1 trong 3 mô hình lớp theo hướng KHTN có môn lịch sử; cả 3 mô hình lớp theo hướng KHXH dù lựa chọn mô hình nào cũng có môn sử. Như vậy, khi thay đổi đưa môn lịch sử thành môn bắt buộc thì có thể số mô hình lớp để HS lựa chọn sẽ phải giảm hoặc giảm số môn học lựa chọn trong tổ hợp nếu hướng dẫn của Bộ thay đổi.

Nhiều ý kiến chuyên gia giáo dục cho rằng, việc thay đổi môn lịch sử ở phút thứ 89 này dù xoay xở thế nào cũng ảnh hưởng đến mục tiêu chương trình. Nếu 4 môn lựa chọn phải thuộc cả 3 nhóm môn học thì HS không có cơ hội chọn cả 3 môn trong một nhóm, điều này phá hỏng ý đồ hướng nghiệp của nhóm môn học trong chương trình mới.

Tổ hợp lựa chọn từ 5 môn chỉ còn 4 môn

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), cho biết tới thời điểm này hầu hết các trường THPT đều dự kiến các tổ hợp môn học và chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện ở lớp 10. Với thay đổi ở môn lịch sử, các trường sẽ phải điều chỉnh theo, nhưng cũng không xáo trộn lớn.

Cụ thể, những tổ hợp đã xây dựng có môn lịch sử vẫn có thể giữ nguyên. HS chọn tổ hợp này sẽ học chương trình lịch sử 52 tiết bắt buộc (thay vì học chương trình 70 tiết như thiết kế ban đầu). Khi lịch sử được chuyển sang nhóm môn bắt buộc thì ở nhóm môn lựa chọn của các tổ hợp sẽ còn lại 4 môn học (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu). “Với những tổ hợp môn học lựa chọn được các trường xây dựng trước đó không có môn lịch sử thì chỉ cần bỏ bớt 1 môn bất kỳ trong số 5 môn, phù hợp với điều kiện đáp ứng của mỗi trường”, ông Thành nêu hình dung.

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho hay, việc điều chỉnh lần này không giống như xây dựng mới mà dựa trên chương trình môn học 70 tiết đã được thẩm định, phê duyệt, chọn lọc để có một chương trình tinh giản hơn với thời lượng 52 tiết nên thời gian dù gấp rút nhưng có thể hoàn thành được. Căn cứ vào mục tiêu đặt ra của môn học, điều kiện để thực hiện đại trà, sao cho việc triển khai không gây xáo trộn vào thời điểm hiện tại, không phá vỡ cấu trúc chương trình THPT đã thiết kế.

Cụ thể, chương trình môn lịch sử hiện hành có thời lượng trung bình 1 - 1,5 tiết/tuần, tổng thời lượng một năm học khoảng 52,5 tiết. Chương trình lịch sử bắt buộc sắp triển khai cũng có 52 tiết/năm học sẽ không khiến các nhà trường khó khăn về GV khi triển khai đại trà.

Như vậy, khi lịch sử trở thành môn học bắt buộc, chương trình của HS từ lớp 10 (nằm trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018) sẽ có 8 môn học/hoạt động bắt buộc gồm: toán, ngữ văn, ngoại ngữ, giáo dục quốc phòng an ninh, giáo dục địa phương, giáo dục thể chất, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp và lịch sử (chương trình 52 tiết). Ngoài ra, mỗi HS sẽ được chọn học 4 môn thuộc nhóm môn học lựa chọn (giảm bớt 1 môn so với quy định trước đó) gồm vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế - pháp luật, công nghệ, tin học, âm nhạc, mỹ thuật.

Ông Thành cũng cho biết: Để kịp thời triển khai năm học 2022 - 2023, Bộ GD-ĐT đang thực hiện theo kế hoạch đã ban hành, trong đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32/2018/TT-BGDĐT.

Sẽ bồi dưỡng thêm cho GV

Theo Bộ GD-ĐT, việc bồi dưỡng GV triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó có môn lịch sử (70 tiết/năm học) đã được tổ chức thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai năm học 2022 - 2023. Nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình đã được bồi dưỡng nên GV bảo đảm năng lực để thực hiện. Tuy nhiên, để GV nắm chắc hơn về chương trình đã được điều chỉnh, Bộ GD-ĐT tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lý, GV cốt cán của các địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình tổ chức thực hiện.

HS muốn thêm phần lựa chọn môn lịch sử phải học 87 tiết

Ông Nguyễn Xuân Thành cũng cho biết: Chương trình giáo dục phổ thông ở cấp THPT cũng thiết kế các chuyên đề chuyên sâu, mỗi HS sẽ được chọn học 3 cụm chuyên đề. Trường hợp những HS muốn học chuyên sâu lịch sử thì ngoài phần bắt buộc, có thể lựa chọn học thêm chuyên đề lịch sử 35 tiết. HS chỉ chọn những cụm chuyên đề nằm trong môn được học (không chọn chuyên đề của môn không chọn học).

Như vậy với 52 tiết bắt buộc, cùng với 35 tiết chuyên đề, thì những em có nguyện vọng lựa chọn học nâng cao môn học này sẽ học 87 tiết lịch sử/năm thay vì học 70 tiết như Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã ban hành.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây