Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế, dư luận cho rằng, việc “lạm dụng” xét tuyển sớm có thể mất nhiều hơn được...
Xét tuyển sớm là phương thức được hầu hết cơ sở giáo dục đại học áp dụng nhiều năm nay. Bên cạnh những ưu điểm, lợi thế, dư luận cho rằng, việc “lạm dụng” xét tuyển sớm có thể mất nhiều hơn được.
Xét tuyển sớm được hiểu là xét tuyển bằng các phương thức tuyển sinh không sử dụng kết quả điểm thi tốt nghiệp THPT. Thí sinh có nhu cầu tham gia xét tuyển sớm sẽ đăng ký và nộp hồ sơ vào cơ sở giáo dục đại học yêu thích theo quy định và hướng dẫn của đơn vị.
Không phủ nhận, xét tuyển sớm có ưu điểm giúp các trường chủ động hơn, giảm áp lực tâm lý cho thí sinh. Người học có thể yên tâm vì biết mình trúng tuyển đại học trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT. Thế nhưng, phương thức này vô hình trung “đẩy” các trường vào thế khó khi không thể dự báo được số thí sinh xác nhận nhập học.
Thống kê những năm trước cho thấy, chưa đến 40% thí sinh trúng tuyển sớm quyết định nhập học, tỷ lệ còn lại là trúng tuyển ảo. Năm 2023 có trường tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo lên đến 70 - 80%; thậm chí một số phương thức xét tuyển đại học có tỷ lệ nhập học dưới 1%. Cá biệt, có phương thức xét tuyển tỷ lệ thí sinh nhập học là 0% - 0,01%.
Rõ ràng, hệ lụy nhãn tiền của xét tuyển sớm là tỷ lệ thí sinh trúng tuyển ảo rất cao. Quan ngại hơn, phương thức này có thể không bảo đảm công bằng cho thí sinh, thậm chí còn gây “nhiễu” trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, phương thức này vẫn được các cơ sở giáo dục đào tạo “ưa chuộng” và ngày càng “trăm hoa đua nở”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn từng ví, cơ chế tuyển sinh sớm mà nhiều trường đại học áp dụng những năm gần đây giống ngôi nhà có nhiều cửa, mà độ rộng hẹp của các khung cửa chưa có căn cứ khoa học hay thực tiễn. Thậm chí, ở khung cửa tập trung phần lớn thí sinh (xét tuyển dựa vào Kỳ thi tốt nghiệp THPT) thì bị đóng hẹp một cách vô lý, do các trường lỡ mở các cánh cửa khác (xét tuyển sớm) quá rộng.
Dư luận quan ngại, nếu không có giải pháp chấn chỉnh kịp thời thì từ năm 2025, tình trạng xét tuyển sớm có thể “bung lụa”. Vẫn biết, tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của cơ sở giáo dục đại học, song các trường cần tính toán giữa được và mất (bao gồm uy tín và chất lượng, công bằng và thương hiệu…).
Các trường cần thực hiện đối sánh kết quả giữa phương thức tuyển sinh, tổ hợp xét tuyển để đưa ra phương thức, tổ hợp xét tuyển phù hợp nhất; tránh lợi bất cập hại từ việc xét tuyển sớm. Muốn vậy, cần thực hiện đúng Quy chế tuyển sinh hiện hành; tránh làm cho các phương thức tuyển sinh trở nên phức tạp, rắc rối đối với thí sinh.
Các cơ sở đào tạo có thể chủ động loại bỏ những phương thức không cần thiết. Đồng thời, định hướng công tác tuyển sinh cho năm 2025 trở đi, khi có thí sinh bắt đầu tốt nghiệp theo Chương trình GDPT 2018. Cũng có chuyên gia thẳng thắn đề xuất, từ năm 2025, Bộ GD&ĐT cần xem xét lại việc xét tuyển sớm. Nên chăng chỉ dành cho các trường tuyển sinh ngành năng khiếu.
Để bảo đảm khách quan, sát thực tiễn, Bộ GD&ĐT nên tổ chức hội thảo chuyên đề hoặc sơ kết đánh giá tác động của các phương thức xét tuyển sớm. Trên cơ sở đó, điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa các bên nhằm mang đến sự công bằng và chất lượng trong công tác tuyển sinh.
(*) Mời các bạn xem VTV tư vấn chọn ngành học, chọn trường phù hợp tại đây!
Theo Hải Minh
Giáo dục và Thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC