ThS Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội lưu ý thí sinh trong xét tuyển đại học năm 2023.
Chọn đúng ngành theo tổ hợp xét tuyển đi cùng
Một điểm khác biệt cơ bản trong kỳ tuyển sinh 2023 so với năm 2022 là khi thí sinh đăng ký nguyện vọng thì chỉ cần chọn chính xác tên ngành của trường mà không cần chọn tổ hợp xét tuyển.
Tuy nhiên, ThS Đỗ Ngọc Anh lưu ý thí sinh cần tìm hiểu kỹ, một số trường có các ngành có chỉ tiêu riêng cho từng tổ hợp xét tuyển. Với các ngành này, phải chọn đúng ngành theo tổ hợp xét tuyển đi cùng.
Ví dụ như, khi xét tuyển vào Trường Đại học Mở Hà Nội, đối với các ngành Luật, Luật Kinh tế, Luật Quốc tế có chỉ tiêu riêng cho tổ hợp xét tuyển C00. Thí sinh cần chọn đúng tên ngành. Ví dụ: Luật (THXT C00); Luật Quốc tế (THXT C00); Luật Kinh tế (THXT C00).
Đối với thí sinh tham gia xét tuyển các ngành có môn năng khiếu tại Trường Đại học Mở Hà Nội như Thiết kế công nghiệp, Kiến trúc, nhà trường có tổ chức thi môn năng khiếu vào ngày 1-2 tháng 7. Nếu thí sinh sử dụng kết quả thi năng khiếu tại các trường khác thì cần gửi phiếu điểm về Trường Đại học Mở Hà Nội trước ngày 20/7 để làm thủ tục xét tuyển.
Bên cạnh đó, một số mốc thời gian xét tuyển năm 2023 cũng có thay đổi, ThS Đỗ Ngọc Anh cho rằng, thí sinh cần bám sát các hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo để không bị bỏ lỡ cơ hội. Đối với hình thức xét tuyển sớm, cần nộp hồ sơ về các trường đại học trước ngày 30/6.
Nên chọn nguyện vọng thế nào?
Đưa lời khuyên cho thí sinh khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển đại học năm 2023, điều đầu tiên được ThS Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh là cần tìm hiểu kỹ về các ngành học, xác định rõ bản thân yêu thích hoặc phù hợp ngành học nào.
Điều này là quan trọng nhất, bởi thí sinh đạt nguyện vọng vào ngành yêu thích, hoặc phù hợp mới mong chất lượng học tập tốt, ra trường có công việc như mong muốn.
Thí sinh nên liệt kê danh mục các trường đại học có tuyển sinh ngành học mà mình đã chọn kèm theo điểm chuẩn 2 - 3 năm gần nhất. Có thể lựa chọn từ 6-10 ngành tương đương với 6-10 nguyện vọng. Chia danh mục thành này thành 3 nhóm:
Nhóm 1: Điểm chuẩn trung bình các năm gần đây nhiều hơn điểm tự xác định từ 1-3 điểm.
Nhóm 2: Điểm chuẩn trung bình các năm gần đây và điểm tự xác định tương đương nhau (có thể hơn kém nhau 1 điểm).
Nhóm 3: Điểm chuẩn trung bình các năm gần đây ít hơn điểm tự xác định từ 1-3 điểm.
Khi lựa chọn nguyện vọng, thí sinh lưu ý: mỗi nhóm đã chia ở trên phải có ít nhất 1 nguyện vọng được lựa chọn. Sau đó, sắp xếp nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên giảm dần về sự yêu thích và phù hợp của bản thân.
Lựa chọn các trường, các ngành theo một số tiêu chí: đã được kiểm định chất lượng; có học phí phù hợp với điều kiện gia đình; có nhiều học bổng để phấn đấu học tập; có tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm cao; có nhiều ngành nghề đào tạo để có thể học song song 2 văn bằng tăng cơ hội có việc làm tốt khi ra trường.
Theo Hải Bình
Giáo dục và Thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC