Làm cha mẹ với năng lượng tích cực

Chủ nhật - 10/07/2022 20:44:13

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được tổ chức vào các ngày 7 - 8.7 với tổng số đăng ký dự thi hơn 1 triệu thí sinh. Cũng cùng con số ấy, chắc chắn có trên dưới hai triệu bậc phụ huynh và người thân cũng đang nóng sốt vì những buổi thi của con cái…
 
Làm cha

Không chỉ vậy, cái nóng ấm diễn ra từ cả tháng qua trước khi thi, những giọt mồ hôi nóng hổi rơi trong từng buổi thi và nhất là những cái nóng nội tại cứ tỏa ra sau khi thi là những dấu hiệu để mỗi phụ huynh cần làm chủ và kiểm soát…

Nghề làm cha mẹ

“Nghề” làm cha mẹ rất khó, làm bạn với con khi làm cha mẹ khó hơn nhiều lần. Cha mẹ nào cũng muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con mình, nhưng không phải cha mẹ nào cũng biết cách. Đôi khi chính sự kỳ vọng vào kết quả học tập của con, mong ước muốn con học tốt để “chắp cánh” cho những ước mơ dang dở của cha mẹ lại vô tình trở thành những “rào cản” và “gánh nặng” học tập, thi cử cho con. Nếu muốn con cái có thái độ tích cực để ôn thi, chắc chắn chính cha mẹ phải là người có thái độ tích cực; nếu muốn con cái có sự tự tin và niềm tin về bản thân, chúng ta tiếc gì không trao cho con cái một niềm tin? Hay nếu chúng ta muốn cho con cái một năng lượng tích cực sau kỳ thi, chính chúng ta không được phép xả năng lượng tiêu cực hay những biểu hiện âm tính trong tương tác cùng con cái…

Tâm lý học năng lượng cho thấy năng lượng được tạo ra trong nhóm, tập thể có tác động đáng kể đến tinh thần và sức khỏe tinh thần của cá nhân trong tương tác, làm việc… Hệ thống năng lượng sinh học và cả năng lượng tinh thần có sự tác động rất đáng kể đến thái độ, hành vi sống cũng như sự ứng xử của mỗi cá nhân. Quan hệ giao tiếp hòa hợp, lắng nghe và thảo luận tích cực, chấp nhận, sự đồng cảm, sự tha thứ và sự tự tin… có thể làm cho con người trao cho nhau hay lấy của nhau năng lượng sống một cách đặc biệt… Không quá xa lạ khi chúng ta có thể dùng cách chạm, giữ hoặc gõ nhẹ vào tay, trán hay thông qua dự đoán chi tiết cơ thể đi đứng, điệu bộ, di chuyển, cách sử dụng lời nói và cử chỉ là có thể đánh giá được năng lượng của người khác.

Thông thường, sau một “trận chiến” hay mỗi một ngày “chiến đấu”, sự suy giảm năng lượng hay cạn kiệt năng lượng có thể diễn ra… Hành trình làm cha mẹ đòi hỏi phải vừa duy trì năng lượng cho bản thân, tái tạo năng lượng cho chính mình và tổ chức cho các thành viên trong gia đình, nhất là sĩ tử duy trì năng lượng tích cực… Thế nhưng, không ít sự vô tình đã diễn ra trước, trong và sau những kỳ thi… qua những lời nói và hành vi của chúng ta… Sự thay đổi các câu nói như: Thi thì cứ thi chứ kết quả thì mẹ không mong đợi…. Phải chi con cố gắng từ đầu… Con của chú Ba chưa thi đã biết đỗ, còn con thì cứ ngồi từng ngày mà hấp hối đi… liệu có phải là cần thiết?

Những minh chứng cho thấy giao tiếp giúp chuyển động thông tin và năng lượng thông qua bốn kỹ thuật cơ bản: cách nhìn, lời nói, ngôn từ để nói và rung cảm tinh thần. Vậy thay vì mang đến các tác động tiêu cực, năng lượng của chính mình và của người thân bị giảm đi thì sao không làm điều ngược lại… Nếu chúng ta đã làm hết sức, hết mình, mọi kết quả đều đáng để ghi nhận… Nếu cứ lạnh lùng hay trách cứ, sao không thể đồng hành để trao cho nhau thêm yêu thương, thêm tư duy tích cực, thêm năng lượng tích cực?

Con cái cần sống khỏe và sống hạnh phúc. Để đạt được đó, cần nhất không chỉ là sức khỏe thể chất mà còn có sức khỏe tinh thần. Khi có sự vững vàng về tinh thần, người ta có thể đột phá hoặc có thể dùng bản lĩnh của mình để tận hưởng niềm vui hoặc chấp nhận mọi thứ xảy ra. Sau kỳ thi, nếu kết quả mỹ mãn, hãy cho mình nguồn lực mới với xuất phát điểm mới để đi tiếp, đi xa và nhất là đi tìm hạnh phúc bằng những niềm tin, ý chí mới… Nhưng nếu kết quả không như kỳ vọng, cũng cần có tâm thế đón nhận và bước tiếp, bước mới thay vì làm chính mình áp lực… Hơn ai hết, mỗi bậc cha mẹ có thể cùng con chuẩn bị tâm lý cho kết quả không may xảy ra song song với sự sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới mà con đã tạo ra được bằng chính thực lực của mình.

Giúp con cái “được sống”

Kỳ thi là lúc con cái đã và đang tiếp tục học tập, trải nghiệm để hướng đến sự thành công. Nhưng cũng đồng thời, chính các bậc cha mẹ đang học tập làm cha mẹ bằng cách đón nhận, sát cánh với một cột mốc trưởng thành của con cái. Thành công không phụ thuộc vào điểm số học tập, mà là cách hiểu và vận dụng tri thức trong cuộc sống và với người trẻ, trưởng thành để thành công là như thế. Sau kỳ thi trung học phổ thông, là cơ hội để học tập, vào đời hay khởi nghiệp… Nếu hành trình học tập vẫn còn, không đậu trường này thì ta học trường khác. Đôi khi ở những trường được xem là “chưa top”, “không nổi tiếng”, “không hot” ấy, con lại cảm thấy hạnh phúc hơn, vui vẻ hơn với những người bạn, thầy cô trên chặng đường học tập. Nếu chọn lựa cách vào đời, cũng cần chuẩn bị hành trang để vào đời một cách tự tin và chủ động… Không phải vào đời là không còn học tập mà đó là học một cách nhanh hơn để làm việc và sống; học để làm ngay sau đó hướng đến một kết quả gần hơn… Nhưng không vì thế là không thể học cao hơn trong thời gian sắp tới bởi giáo dục trực tuyến và giáo dục suốt đời đã phát triển mạnh mẽ… Hoặc khởi nghiệp cho bản thân bằng cách tự tạo việc làm, bằng cách nuôi dưỡng và triển khai các ý tưởng khởi nghiệp sớm hơn không phải là “hết đường”, “bít cửa” mà đó là lối đi dưới chân mình do chính mình chọn lựa…

Nếu mỗi lựa chọn của con cái đều là những “ẩn số may mắn” trong cuộc đời thì chúng ta cần nhất quán rằng, kết quả của lựa chọn nhiều khi do chúng ta nghĩ là “thua cuộc” hay thắng cuộc vậy thôi chứ không hẳn là thực tế. Quan trọng nhất là chúng ta vẫn không sống thay con mà cần giúp con cái sống khỏe, sống vui, sống hạnh phúc và nhất là được sống… Những áp lực làm cho con cái sống khổ, sống bất hạnh hay không thể tiếp tục sống cần được kiểm soát bởi chính chúng ta nếu mỗi người đừng làm quá, đừng làm căng vấn đề sau thi cử… Nếu chính các bậc cha mẹ chịu khó bước ra khỏi nhà sáng nay, trời có thời tiết thế nào, khí hậu có ra sao, chúng ta vẫn cần làm điều mình đã chọn thì chắc chắn sẽ hiểu nhiều hơn, thương con nhiều hơn và chấp nhận con cái nhiều hơn… Mong rằng suy nghĩ tích cực này sẽ làm mỗi người chúng ta cảm thấy vui hơn và con cái cũng sẽ nhận ra rằng, không khí, độ ấm của gia đình mình hay những gì có được từ những người thân chỉ nhiều hơn chứ không mất đi sau kỳ thi nhiều màu sắc…

 
GS-TS Huỳnh Văn Sơn
(Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây