Khi trẻ 'trĩu nặng' giấc mơ của người lớn

Thứ bảy - 12/11/2022 19:31:28


Đầu năm nay, một nhóm học sinh phổ thông ở TP Hồ Chí Minh tự làm khảo sát trên hàng nghìn bạn cùng lứa và phát hiện ra rằng 81,8% số bạn được hỏi ngủ dưới 7 tiếng mỗi ngày bởi áp lực học hành. Trên vai mỗi cô cậu học trò có vô vàn những “nỗi niềm” từ… phụ huynh, thầy cô, chương trình nặng…

Khi trẻ


“Em phải đến Harvard học kinh tế”

Nhiều phụ huynh cho rằng, nếu học hành không áp lực thì khó có thể thành công như mong đợi. Thế nên, họ sẵn sàng cho con quay cuồng học ở trường, ở các trung tâm lớn nhỏ mà không cần biết sức con mình có theo kịp hay không?

Chị Hà Anh (Hà Nội) luôn quan tâm đến việc học của đứa con trai lớn. Chị bảo, học kỳ này chị không thưởng cho cậu con trai lớp 2 vì cháu chỉ đạt 10 điểm môn Toán và 9 điểm môn Tiếng Việt thay vì cả hai điểm 10 như chị kỳ vọng. Một bà mẹ khác cũng kêu trời vì sắp thi đại học đến nơi rồi mà con chỉ đạt học sinh tiên tiến, không đạt học sinh giỏi. Chị kể, đã mắng con té tát, rằng học hành như thế thì sau này chỉ có đứng đường chờ ai sai gì làm nấy.

Chị N.V (TP HCM) kể: “Năm đó con trai tôi đang học lớp 9 tại một trường THCS “hot” nhất quận 7. Chín năm liền cháu đều đạt học sinh giỏi và là gương mặt sáng giá của lớp khi đạt được một số giải thưởng về học thuật. Vì vậy, tôi muốn cháu thi vào lớp 10 chuyên Anh một trường THPT nổi tiếng ở quận 1. Muốn thi vào lớp chuyên thì phải học thêm, luyện thi. Tôi hỏi thăm bạn bè và đăng ký cho con mình được học với những giáo viên giỏi ở TP HCM. Thế nên dù nhà tôi ở quận 7 nhưng con tôi học Tiếng Anh với 1 thầy ở quận 3, học Toán với 1 cô ở quận 1, học Văn với 1 thầy ở quận 5.

Một ngày cuối học kỳ 1 năm lớp 9, tôi chở con đi học thêm thì gặp cơn mưa xối xả, hai mẹ con cùng bị ướt và lạnh. Con trai lại hỏi tôi: “Có nhất thiết phải đi học khổ như thế này không mẹ?”, tôi lại gạt đi: “Có sự thành công nào lại không phải khổ nhọc chứ? Con và mẹ đã đi được 50% đoạn đường, chỉ còn một học kỳ nữa chẳng lẽ lại bỏ cuộc?”.

Sau đó một thời gian, tôi nhận được điện thoại của cô giáo chủ nhiệm: “M đang lên kế hoạch tự tử. Em không muốn học trường chuyên mà chỉ muốn học ở quận 4 vì các bạn trong lớp cũng dự định thi vào đó. Em nói em rất căng thẳng, bố mẹ thì không chịu lắng nghe”…

Theo chia sẻ của Thạc sĩ Tâm lý Mai Thị Nguyệt - Khoa Tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP HCM trong quá trình làm việc hàng ngày các bác sĩ tiếp xúc với rất nhiều học sinh ở các lứa tuổi với nhiều biểu hiện căng thẳng tâm lý khác nhau. Hầu hết các em đều có những biểu hiện rối loạn hành vi cảm xúc, thậm chí dẫn đến trầm cảm, tự tử, kích động quá mức hoặc thu hẹp giao tiếp… trong đó chủ yếu nguyên nhân đến từ áp lực từ phía gia đình và nhà trường.

Một số em được sống trong gia đình có đầy đủ sự quan tâm chăm sóc của cha mẹ tới mức “ngộp thở”, hay một số khác lại bị cha mẹ lên án chỉ trích hay bỏ bê… đều là nhân tố kích thích dẫn đến căng thẳng tâm lý cho trẻ. Điển hình là trường hợp một cậu bé 13 tuổi, học giỏi, ngoan ngoãn: “Con thật sự cảm thấy mệt mỏi và chán nản muốn bỏ học và đi đâu đó thật xa để tránh xa sự kiểm soát và phán xét của ba mẹ, con thực sự không muốn đối diện với ba mẹ của mình nữa…

Cậu bé chia sẻ: “Con đi học suốt ngày, nào là học ở trường, học ở nhà, học thêm trung tâm ngoại ngữ, học nhạc… trong đầu con lúc nào cũng ám ảnh chữ “học” mà không còn thời gian vui chơi cùng bạn bè. Con đã cố gắng hết sức nhưng cha mẹ không hiểu và họ chỉ biết chỉ trích, so sánh con với người này, người nọ… con lúc nào cũng nơm nớp lo sợ bị điểm thấp, không đạt danh hiệu này nọ sẽ xấu hổ và làm cha mẹ thất vọng… và lúc này con cảm thấy mình thật tồi tệ, con thấy mình chẳng làm được gì cả, chỉ là kẻ vô tích sự,…. Và con chỉ muốn chết cho xong”...

Trường hợp thứ hai là một người mẹ có đứa con gái duy nhất đưa đến phòng khám tâm lý Bệnh viện Nhi đồng 2. Theo lời kể của chị, mọi việc lớn nhỏ trong gia đình đều do người mẹ lo toan, người mẹ này sinh ra và lớn lên ở nông thôn và chỉ tốt nghiệp trung cấp nghề. Người mẹ hết mực yêu thương và dành thời gian nhiều nhất bên con khi có thể, bé hầu như được mẹ giám sát và sắp đặt trong mọi hoàn cảnh…

Ngoài việc học tập, vui chơi trong tầm ngắm của mẹ, bé thường được mẹ kể những câu chuyện mang những tấm gương sáng, đặc biệt câu chuyện: “Em phải đến Harvard học kinh tế” - đây là một câu chuyện có thật và nhận được sự hưởng ứng tích cực đông đảo ở các bậc phụ huynh…

Theo các chuyên gia giáo dục, mỗi bạn học sinh khi cắp sách đến trường thì ba mẹ và người thân đều muốn con em của mình học giỏi, có thành tích cao. Phụ huynh cho rằng, có học giỏi thì mới đậu đại học và có được một công việc ổn định trong tương lai. Chính vì những điều đó vô tình đã làm cho nhiều bạn học sinh cảm thấy căng thẳng và áp lực, nhất là vào các kỳ thi cuối kỳ hay những kỳ thi chuyển cấp, tốt nghiệp hay thi tuyển vào đại học.

Hiện nay mỗi lớp học sẽ kéo dài từ khoảng 9 tháng và trong 1 năm học thường chia làm 2 kỳ. Trung bình với mỗi kỳ thì 1 môn học các bạn học sinh sẽ phải trải qua khoảng 2 đến 3 kiểm tra và 1 kỳ thi vào cuối kỳ. Vào mỗi giai đoạn chuyển cấp các bạn phải đối mặt tiếp tục với những kỳ thi.

Bên cạnh đó, việc chọn trường hay chọn lớp để học cũng là một áp lực không hề nhỏ. Một số bạn muốn học ngành xã hội nhưng gia đình lại muốn theo tự nhiên, hay học sinh không muốn học lớp chọn vì sợ theo không nổi nhưng ba mẹ lại muốn vào lớp chọn để được hãnh diện với gia đình, dòng họ và những người xung quanh…

Thêm nữa, chính là hệ thống chương trình học đang nặng về mặt lý thuyết. Các bạn thường học trước quên sau và sau đó đến mỗi kỳ thi, quay lại học thuộc lòng để có thể qua được các kỳ thi.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng căng thẳng ở học sinh là thời gian cho lịch học quá nhiều. Đi học trên trường có nơi chỉ có 1 buổi, có nơi học cả ngày rồi sau đó các em còn đi học thêm ở nhiều trung tâm, tối về ăn uống xong cũng phải lao vào bàn để học và chuẩn bị bài.

Chưa kể với mỗi kỳ thi, lịch thi thường dày đặc và các em cũng phải học đêm, học ngày để nắm đủ kiến thức giúp tự tin bước vào kỳ thi. Học sinh cần được giảm tải áp lực bài vở, tự do vui chơi hồn nhiên.

Cùng với đó, phần lớn nhà trường, thầy cô chạy theo thành tích điểm số, nên việc các em không đạt điểm cao, khiến lớp có thành tích kém, rồi bị thầy cô đánh giá không cao…

Và việc lúc nào cũng căng thẳng, lo lắng, bị áp lực và lo sợ sẽ khiến cho kết quả học tập của các em học sinh không được cải thiện hơn mà nhiều em có chiều hướng sa sút đi, không đạt được những thành tích, điểm số như mong muốn. Chưa kể là những hệ lụy khôn lường về tình trạng học sinh tự tử bởi áp lực học hành không còn là chuyện hiếm.

Một cô giáo Văn ở Hà Nội chia sẻ về một bài viết của học sinh dưới dạng viết thư. Khi chấm bài cô đã khóc, vì bản thân cũng từng là một người mẹ như thế: ... “Tớ là một người cô độc, ít nhất là theo cách tớ nghĩ. Cậu có thể hiểu cái cảm giác chán nản của tớ mỗi tối đi học thêm về, cả mâm cơm ở đó chờ tớ ăn. Tớ không nói là bố mẹ phải chờ cơm tớ, nhưng ít nhất, tại sao mẹ không ngồi bên tớ lúc tớ ăn cơm, hỏi tớ những chuyện xảy ra ở trên lớp, hay kể cho tớ nghe một chuyện gì đó của mẹ? Có lần tớ vừa ăn cơm vừa khóc khi về đến nhà, cả mẹ và em tớ đều đã ngủ, bố thì chỉ bảo tớ dọn cơm ăn rồi cũng bước đi. Những lúc ấy, từng miếng cơm tớ cho vào miệng mặn như đổ hàng tấn muối vào đấy vậy. Tớ trách mẹ sao không quan tâm tới tớ hơn một chút, để tớ bớt căng thẳng sau cả một ngày đi học. Có hôm, sáng tớ đi trước khi mẹ dậy, tối về thì mẹ đã ngủ mất rồi. Vậy là nguyên cả một ngày tớ không nhìn thấy mẹ dù ở trong căn nhà không phải là quá lớn...”.

Khi phụ huynh chạy đua theo các… cuộc thi

Trước sự nở rộ của các kỳ thi Toán, khoa học có gắn mác “quốc tế” ở Việt Nam dành cho học sinh, GS Ngô Bảo Châu, Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng, các kỳ thi này vừa có ý nghĩa tích cực và cũng rất tiêu cực. Ông khuyên phụ huynh không nên chạy đua đóng tiền cho con đi thi chỉ để lấy tấm chứng chỉ làm đẹp hồ sơ.

Trong chương trình giới thiệu về dự án học Toán trực tuyến bằng tiếng Anh mới đây, GS Ngô Bảo Châu đã chia sẻ trăn trở về hiện tượng phụ huynh đang chạy đua theo các cuộc thi. Điều này gây áp lực lên học sinh, khiến các em không tìm được niềm vui khi học Toán. “Không có lý do gì mà ở Việt Nam có tới 50 hoặc 100 kỳ thi Toán khác nhau. Cha mẹ học sinh đóng tiền để con ra nước ngoài thi lấy một cái chứng chỉ để cho vào hồ sơ nộp xin học bổng chỗ nọ, chỗ kia… Cá nhân tôi rất không thích thú với chuyện đó”.

GS Ngô Bảo Châu cũng chỉ ra một quan niệm mà ông gọi là “hơi tiêu cực” của phụ huynh Việt Nam là học để đi thi, dạy học để đối phó với các kỳ thi. Ông dẫn chứng việc thay đổi cách thức thi từ tự luận sang thi trắc nghiệm với môn Toán thời gian qua khiến cho việc dạy học Toán ở trường phổ thông chuyển sang học Toán để thi trắc nghiệm.

Đồng thời, GS Toán học Phùng Hồ Hải cũng đưa ra cảnh báo việc cha mẹ coi con mình như “công cụ” để giải toả những mong muốn của bản thân mình, “ép” con tham gia các kỳ thi. Cha mẹ các em sốt sắng đến mức đáng ngại về việc cho con mình đi thi. Kỳ thi lẽ ra là sân chơi, để các em thể hiện khả năng, đam mê của mình còn bây giờ nhiều em đi thi là vì động cơ, định hướng thái quá của cha mẹ. GS cho rằng, cần phải có chiến lược tuyên truyền để sớm thay đổi quan niệm này của phụ huynh Việt Nam.

 

Theo Nguyễn Mỹ
Pháp luật Việt Nam

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây