Theo kế hoạch của Bộ GD-ĐT, hết hôm qua (16.8) các trường ĐH đã hoàn thành xong 4 lần lọc ảo xử lý nguyện vọng xét tuyển. Sau 2 lần lọc ảo cuối cùng hôm nay, các trường ĐH sẽ công bố điểm chuẩn các ngành theo tất cả phương thức xét tuyển.
So với năm ngoái, theo đánh giá của đại diện các trường, năm nay có ngành điểm chuẩn tăng nhưng nhiều ngành giảm.
Năm nay, các trường ĐH tuyển sinh gần 400 ngành đào tạo thuộc 24 lĩnh vực. Trong đó, một số khối ngành tăng mạnh thí sinh (TS) đăng ký như: khoa học giáo dục đào tạo giáo viên, lĩnh vực khoa học tự nhiên, lĩnh vực an ninh quốc phòng... Ngược lại, một số lĩnh vực giảm tỷ lệ TS đăng ký như kinh doanh và quản lý, máy tính và công nghệ thông tin… Theo xu hướng TS đăng ký xét tuyển vào các khối ngành, điểm chuẩn dựa vào điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay ở các trường ĐH cũng tăng, giảm tương tự.
Điểm chuẩn xét tuyển đại học: lượng hồ sơ đăng ký lớn, các ngành ‘hot’ có thể tăng từ 1-3 điểm
Khối ngành Kinh tế: Có ngành "Hot" sẽ giảm điểm chuẩn
Ở lĩnh vực kinh doanh quản lý, điểm chuẩn cũng có sự biến động khác nhau tùy ngành, trường.
Chẳng hạn, tại Trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP.HCM) điểm chuẩn dự kiến biến động theo 3 xu hướng: tăng, giữ nguyên và giảm. Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên nhà trường, cho biết hầu hết điểm chuẩn các ngành tăng nhẹ so với năm ngoái. Đáng chú ý, một số ngành "hot" điểm chuẩn có thể giảm nhẹ so với năm ngoái. Năm 2023, điểm chuẩn các ngành dao động từ 24,06 - 27,48. Trong đó, các ngành TS cần đạt trung bình trên 9 điểm/môn mới trúng tuyển năm ngoái gồm: thương mại điện tử, hệ thống thông tin quản lý, digital marketing.
Tiến sĩ Lê Trung Đạo, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính - Marketing, cho biết điểm chuẩn các ngành của trường năm nay cơ bản như năm 2023, nếu có biến động chỉ trong biên độ 0,5 điểm. Một số ngành điểm chuẩn có thể giảm nhẹ so với năm ngoái như: quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng. Năm ngoái, điểm chuẩn các ngành của trường dao động 21,1 - 25,9 điểm, cao nhất là marketing. Ở chương trình chuẩn, ngành quản trị kinh doanh lấy 24,6 điểm và tài chính ngân hàng lấy 24,2 điểm.
Đến thời điểm này, PGS-TS Bùi Quang Hùng, Phó giám đốc ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết: "Dự kiến điểm chuẩn sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái". Năm ngoái, điểm chuẩn xét theo kết quả thi tốt nghiệp THPT các ngành tại cơ sở TP.HCM dao động từ 22,49 - 27,2. Trong đó, dẫn đầu là ngành công nghệ marketing với 27,2 điểm. Xếp sau đó, ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng, marketing cùng lấy điểm đầu vào 27. An toàn thông tin là ngành có điểm chuẩn thấp nhất với 22,49. Các ngành đào tạo tại cơ sở Vĩnh Long lấy điểm chuẩn 17.
PGS-TS Nguyễn Văn Thụy, Trưởng phòng Tuyển sinh và truyền thông Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho biết số nguyện vọng 1 năm nay chiếm tới 70% tổng nguyện vọng, trong khi tổng nguyện vọng xét tuyển vào trường năm nay tăng 30% so với năm ngoái. Do đó, điểm chuẩn xét điểm thi tốt nghiệp THPT áp dụng cho chương trình chuẩn và chương trình chất lượng cao ở các ngành "hot" có xu hướng tăng, ví dụ marketing, logistics và quản lý chuỗi cung ứng... Đáng chú ý, năm nay trường xác định điểm chuẩn theo từng ngành cụ thể thay vì theo nhóm ngành như các năm trước. Năm ngoái điểm chuẩn các ngành dao động 24 - 25, năm nay sự biến động chỉ khoảng nửa điểm.
Dự đoán điểm chuẩn các ngành Kỹ thuật, Công nghệ
Các ngành khối kỹ thuật, công nghệ điểm chuẩn được ghi nhận ở mức tăng khác nhau tùy trường.
Tiến sĩ Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho biết năm nay có thể không ngành nào của trường điểm chuẩn từ 20 trở xuống. Nhìn chung đa phần các ngành, đặc biệt lĩnh vực kỹ thuật công nghệ, điểm chuẩn đều tăng so với năm ngoái. Ngay chương trình thiết kế vi mạch (thuộc ngành điện tử viễn thông), dù năm đầu tiên tuyển sinh nhưng điểm chuẩn có thể trên 25. Một số ngành dự kiến có điểm cao nhất ở mức trên 27, trong đó ngành sư phạm tiếng Anh.
Nhưng ngay tại Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, một số ngành nhiều TS quan tâm của chương trình đại trà điểm chuẩn có thể thấp hơn, như: thương mại điện tử, kinh doanh quốc tế. "Nguyên nhân một phần do chỉ tiêu các ngành này tăng vì có chỉ tiêu từ chương trình chất lượng cao chuyển qua (năm nay không còn chương trình chất lượng cao). Mặt khác, do xu hướng chung của cả nước, số TS đăng ký vào lĩnh vực kinh doanh quản lý có xu hướng giảm", tiến sĩ Thanh Hải phân tích thêm.
Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐH Quốc gia TP.HCM), cho biết điểm chuẩn các ngành của trường được ghi nhận đến chiều qua dao động từ 25,6 - 27,5 điểm tùy ngành. Nếu so với điểm chuẩn các ngành năm 2023, mức điểm chuẩn dự kiến có xu hướng tăng, giảm tùy ngành. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành hệ thống thông tin (chương trình tiên tiến) thấp nhất 25,4 điểm và ngành trí tuệ nhân tạo 27,8 điểm. Như vậy, điểm chuẩn dự kiến ngành thấp nhất năm nay cao hơn năm ngoái nhưng ngành cao nhất lại thấp hơn năm ngoái. Điểm chuẩn cuối cùng sẽ được chốt để công bố trong chiều nay (17.8).
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cho biết đến hết phiên lọc ảo chiều 16.8, điểm chuẩn các ngành của trường năm nay có 3 xu hướng thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, hầu hết các ngành điểm chuẩn tăng nhẹ, trong đó các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ có ngành tăng từ 1 - 1,5 điểm. Một số ngành điểm chuẩn có thể giữ nguyên, như ngành thuộc khối khoa học sức khỏe do điểm thi các môn thuộc tổ hợp khối B00 không tăng. Đặc biệt, một số ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin điểm chuẩn có thể giảm nhẹ.
"Nhìn tổng thể, hầu hết các ngành của trường điểm chuẩn trong khoảng 24 - 25. Ngành có điểm chuẩn cao nhất có thể là kinh doanh quốc tế, dự kiến trong khoảng trên dưới 26 điểm. Các ngành thấp nhất bằng điểm sàn 19 điểm thuộc lĩnh vực môi trường, xây dựng công trình giao thông. Điểm chuẩn cuối cùng có thể thay đổi sau 2 lần lọc ảo trong hôm nay", tiến sĩ Nhân thông tin thêm.
Trong khi đó, một số trường ĐH đào tạo đa ngành khác, khối ngành kỹ thuật công nghệ cũng có sự thu hút trong năm nay. Trường ĐH Công thương TP.HCM dự báo điểm chuẩn tăng ở hầu hết các ngành. Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, cho biết so với năm ngoái ngành có mức tăng nhiều nhất tầm 2 điểm. Những ngành năm ngoái điểm chuẩn sát điểm sàn thì năm nay tăng 1 điểm. Trong đó, các ngành tăng nhiều như: công nghệ kỹ thuật điện - điện tử, công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Xuân Dung, Giám đốc Truyền thông Trường ĐH Công nghệ TP.HCM, cho biết điểm chuẩn ở thời điểm này không có sự thay đổi nhiều so với năm trước. Theo đó, điểm chuẩn phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến trong khoảng 16 - 21. Ngoại trừ các ngành thuộc lĩnh vực khoa học sức khỏe, thì một số ngành "hot" điểm chuẩn có thể ở mức cao nhất là 19 - 21 như: công nghệ thông tin, công nghệ kỹ thuật ô tô, truyền thông đa phương tiện, digital marketing, thiết kế đồ họa, logistics và quản lý chuỗi cung ứng...
(*) Mời các bạn xem VTV tư vấn chọn ngành học, chọn trường phù hợp tại đây!
Theo Hà Ánh
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC