Gỡ bỏ ám ảnh “Con nhà người ta” trong con trẻ

Chủ nhật - 13/11/2022 18:32:03


Gỡ bỏ ám ảnh con nhà người ta, hình thành cảm xúc tích cực, tạo động lực từ bên trong cho con trẻ là vấn đề được các bậc phụ huynh quan tâm.

Ngày 13-11, Trung tâm Seameo Retrac phối hợp với Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam và Hội quán Các bà mẹ TP.HCM tổ chức diễn đàn phụ huynh học sinh với chủ đề: “Học thế nào bây giờ?”. Đây là dịp để các bậc phụ huynh cùng các diễn giả ngồi lại gỡ rối và tìm ra giải pháp tối ưu nhất xoay quanh việc học tập của con trẻ.

Tạo động lực học từ bên trong mỗi đứa trẻ

Tại buổi giao lưu, ông Nguyễn Khánh Trung, Tiến sĩ Xã hội học giáo dục nhìn nhận, hiện nay đa số chúng ta chỉ dừng lại việc học ở mức độ giáo viên truyền đạt kiến thức, học sinh thu nhận, sau đó về học thuộc lòng để kiểm tra, thi cử. Đây là cấp độ phổ biến nhất, thật sự không giúp ích được gì cả. Phụ huynh nên bình tĩnh nhìn nhận và đồng hành cùng con trong việc hình thành thói quen chủ động học tập, tạo điều kiện cho con học theo theo đúng với sở thích, năng lực của con, đừng áp đặt con phải học theo suy nghĩ của mình.

Ông Nguyễn Khánh Trung cho rằng, các bậc phụ huynh nên quan tâm việc dạy trẻ hiểu chính mình, chân dung mỗi đứa trẻ là khác nhau để tạo ra động lực học tập dài hơi, phải xuất phát bằng động lực bên trong. Việc được điểm số cao, nhận khen thưởng chỉ là động lực bên ngoài mà thôi. Thế nên, các bậc phụ huynh cần đồng hành, cùng con đi tìm động lực bên trong.

Gỡ bỏ ám ảnh


Theo Bà Nguyễn Thị Thu Huyền, Tiến sĩ Giáo dục học, Hiệu trưởng trường Song ngữ Quốc tế Canada nhận định, thực tế có rất ít trẻ có thể hình thành động lực từ bên trong. Vì vậy, điều đầu tiên phụ huynh cần chủ động tạo động lực cho con, quan trọng nhất là gỡ bỏ ám ảnh con nhà người ta trong suy nghĩ của con, hình thành cảm xúc tích cực cho con. Đó là cảm xúc tự hào, sung sướng, khi phụ huynh ghi nhận thành tựu học tập, sinh hoạt của con dù là rất nhỏ để tạo động lực cho con trẻ.

"Trước khi dành lời khen cho kết quả của con, phụ huynh nên dành lời khen từ quá trình mà con đi đến kết quả đó, đơn cử như hành động con đã kiên nhẫn dành 45 phút để đọc 1 quyển sách, hay tập trung 30 phút chỉ để giải 1 bài tập toán khó nhằn. Tập trung vào quá trình mà con trải nghiệm, công nhận kết quả của con bằng cảm xúc vui vẻ của phụ huynh, kết nối cảm xúc của con với cảm xúc của bản thân. Để con có cảm giác đã vượt lên chính mình, khơi dậy động lực bên trong của con trẻ" - Bà Vũ Thị Thu Hằng, Thạc sĩ giáo dục chia sẻ thêm.

Kiến thức, kỹ năng, thái độ đều quan trọng trong việc học của một đứa trẻ

Tại buổi giao lưu, nhiều ý xoay quanh vấn đề, liệu rằng kỹ năng hay kiến thức đâu là thứ quan trọng nhất ở một đứa trẻ. Bàn luận về vấn đề này Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền đánh giá, kiến thức, kỹ năng và thái độ đều là tố chất quan trọng. Chính những tố chất này hình thành nên một đứa trẻ biết ý thức chủ động học tập, biết cách giải quyết vấn đề, tôn trọng sự khác biệt,..

"Có 3 bước đơn giản để dễ dàng đồng hành cùng con là các bậc phụ huynh nên dạy cho trẻ cách học tư duy, lập kế hoạch cho con đi đến đích, cuối cùng là để con chủ động bắt đầu hành trình đó, song vẫn đồng hành, giúp đỡ và đưa ra những đánh giá, lời khuyên đúng đắn cho con" - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền chia sẻ.

Tại đây, chị NTT xúc động cho biết, con gái chị năm nay vừa vào lớp 8. Từ nhỏ con đã có suy nghĩ chỉ có học mới thành công, thế là con luôn học rất nhiều. Sau khi đi học từ trường về nhà ăn uống vệ sinh cá nhân xong, con lại vào bàn học đến 23 giờ khuya, sáng sớm hôm sau 5 giờ đã dậy tiếp tục học bài. Nhiều lúc tôi bắt gặp con vào nhà vệ sinh vẫn còn học, tháng nào con cũng ngất xỉu 1 ít nhất 1 lần. Tình trạng này kéo dài khiến chị vô cùng lo sợ, dù đã dùng nhiều cách khuyên nhủ con, nhưng có lẽ con vẫn chưa cảm thấy thuyết phục, chị không biết phải làm thế nào.

Dưới góc độ chuyên môn Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền khuyên, các bậc phụ huynh nên là người đồng hành giúp con hình thành động lực học từ bên trong, song vẫn đảm bảo phù hợp với tình trạng sức khỏe, tránh quá sức. Với dấu hiệu trên, mẹ nên đưa con đến gặp chuyên gia trị liệu để thuyết phục con thay đổi nhận thức, suy nghĩ. Điều này sẽ giúp con chấn chỉnh lại tâm lý kịp thời để tránh ảnh hưởng xấu trong quá trình trưởng thành của con.

 

Theo Tú Ngân
Pháp luật

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây