Giảm chương trình thế nào khi học sinh nghỉ học quá dài?

Thứ sáu - 20/03/2020 10:28:09
Bộ GD-ĐT đang xây dựng phương án cắt giảm chương trình do học sinh phải nghỉ học kéo dài vì dịch Covid-19. Đây là vấn đề đang được các nhà trường và xã hội quan tâm và đặt câu hỏi 'cắt giảm thế nào'?...
 
chuongtrinhhoc
 

Bộ đã nhiều lần giảm tải

Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 của Bộ GD-ĐT mới đây, ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, đã yêu cầu các vụ chức năng rà soát để đưa ra phương án cắt giảm, tinh giản chương trình theo hướng đảm bảo chất lượng; hướng vào những nội dung không thật sự cần thiết.
Trên thực tế, từ năm 2011 đến nay, Bộ đã có những hướng dẫn liên quan đến việc giảm tải chương trình. Trong đó, lần giảm tải lớn nhất là việc Bộ ra Văn bản số 5842 vào tháng 9.2011 hướng dẫn điều chỉnh nội dung dạy học giáo dục phổ thông, ban hành cùng với tài liệu hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học của từng môn học.
Tiếp đó, năm 2017, Bộ có Văn bản số 4612 hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh (HS), cho phép các nhà trường tổ chức cho giáo viên điều chỉnh nội dung dạy học theo hướng tinh giản; xây dựng các chủ đề tích hợp, liên môn; đồng thời xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với các chủ đề và theo hình thức, phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực.
Văn bản này được xem là “cởi trói” để các nhà trường, giáo viên sáng tạo và chủ động hơn trong việc sắp xếp thời khóa biểu, dạy học phù hợp với đối tượng HS. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục vẫn “hờ hững” với hướng dẫn này.
Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Yên Hòa, Hà Nội cũng cho rằng các nhà trường hoàn toàn có thể căn cứ vào Văn bản 4612 này để xây dựng thời khóa biểu phù hợp. Nhưng điều này đòi hỏi kế hoạch rất chi tiết, tỉ mỉ, phụ thuộc vào cả năng lực của người dạy và người học. Ví dụ, một nội dung trước đây dạy 10 tiết mới xong, nếu xây dựng lại có thể dạy trong 5 tiết mà không ảnh hưởng đến chuẩn kiến thức. Tuy nhiên, quan trọng là khả năng thiết kế, thi công của giáo viên và cả HS nữa. Có những em hiểu rất nhanh, nhưng ngược lại có em phải giảng kỹ, chậm mới hiểu bài.

Căn cứ vào thời gian học sinh trở lại trường

Ông Nguyễn Việt Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, Q.Tây Hồ, Hà Nội, nêu quan điểm: “Có hai cách để tinh giản chương trình, đó là giảm số lượng và giảm về mức độ yêu cầu. Cắt giảm một cách cơ học về số lượng là không nên nhưng đặt ra những mức độ, yêu cầu phù hợp với thời lượng học tập của HS cũng như từng nhóm đối tượng HS thì sẽ phù hợp với đòi hỏi thực tế hơn”.
Theo ông Hà, việc thực hiện tốt kế hoạch nhà trường sẽ giúp việc tinh giản hiệu quả. Ví dụ với chương trình hiện hành dù chưa dạy tích hợp sâu như chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng các trường hoàn toàn có thể xây dựng kế hoạch để dạy học tích hợp theo chủ đề, lược bỏ những nội dung kiến thức trùng lặp chồng chéo ở các môn.
Tuy nhiên, ông Hà cho rằng quan trọng là khi nào HS trở lại trường thì sẽ biết chính xác có bao nhiêu thời gian để hoàn thành chương trình năm học ấy. Việc tinh giản phải dựa trên thời gian thực dạy, thực học. Nếu không căn cứ vào quỹ thời gian thực tế còn lại của năm học này thì mọi cắt giảm đều không phù hợp.
Còn ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học Bộ GD-ĐT, thì cho rằng việc kết thúc năm học vào giữa tháng 7 (hay giữa tháng 8.2020) là rất vất vả cho cả thầy và trò. Do đó, cần giảm thời lượng và nội dung giáo dục từ 20 - 25% của kế hoạch học kỳ 2 năm học 2019 - 2020 cho tất cả các trường phổ thông. Tức là kế hoạch giáo dục của 4 tháng được hoàn thành trong 3 tháng.
Điều này là khả thi vì các địa phương dựa trên khung kế hoạch của Bộ đã xây dựng kế hoạch riêng cho mỗi trường. Vì thế khi chương trình học kỳ 1 đã hoàn thành, thường là các nơi đã chủ động lấn sang thời gian của học kỳ 2, nhất là các lớp cuối cấp lớp 9 và lớp 12. Ngoài ra, thời gian vừa qua và sắp tới các lớp cuối cấp tiếp tục được ôn tập và học bài mới bằng hình thức trực tuyến theo kế hoạch giáo dục học kỳ 2 của Bộ.

Không cắt giảm cơ học

Trao đổi thêm với Thanh Niên, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học, Bộ GD-ĐT khẳng định việc cắt giảm chương trình không thể làm một cách cơ học mà phải có rà soát và phương án cụ thể, làm sao để vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra, chuẩn chất lượng.
Theo ông Thành, sẽ có 2 giải pháp cho việc giảm tải. Thứ nhất là tinh giản chương trình, tức là sẽ cụ thể hóa Văn bản 4612 về hướng dẫn dạy học theo định hướng phát triển năng lực HS và hướng dẫn giảm tải từ năm 2011. Bộ sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung trong văn bản đó như thế nào, để đảm bảo thống nhất chung trong toàn quốc, chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia.
Giải pháp thứ hai là tăng cường hướng dẫn dạy học từ xa. Bộ đã ban hành hướng dẫn chung nhưng sắp tới sẽ phải có hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn việc dạy học qua internet và truyền hình ra sao, xây dựng kế hoạch dạy học ra sao, giáo viên, tài liệu dạy học thế nào để đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Theo dõi được việc học của HS. Chỉ như vậy thì việc kiểm tra, đánh giá ghi nhận kết quả học tập mới đạt được.
Theo ông Thành, dự kiến trong tháng 3 sẽ phải hoàn thành công bố phương án giảm tải để áp dụng khi nhà trường mở cửa trở lại, hy vọng khi tháng 4, dịch bệnh đẩy lùi, HS sẽ trở lại trường. “Những nội dung được tinh giản thì chắc chắn sẽ không đưa vào nội dung kiểm tra, đánh giá, thi cử”, ông Thành khẳng định.

 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây