Những năm gần đây, nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT đã chọn các hướng đi khác nhau, không chỉ là học lên đại học. Điều này cũng đặt ra cho các trường THPT là tổ chức dạy và học như thế nào để đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh.
Nhiều học sinh không xét tuyển đại học
Năm 2022, kết quả tuyển sinh đại học (ĐH) và tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có nhiều tiến bộ. Trong số 1.002.525 thí sinh (TS) dự thi tốt nghiệp THPT, ban đầu có 941.759 TS có đăng ký dự xét tuyển ĐH, 60.766 TS dự thi để xét tốt nghiệp.
Tuy nhiên, đến tháng 9.2022, chỉ có 616.522 TS xác nhận đăng ký xét tuyển ĐH chính thức, số lượng giảm gần 20% so với năm 2021 và giảm 3,4% so với năm 2020. Như vậy, số TS không xét tuyển ĐH năm 2022 là 386.003, chiếm gần 40% so với tổng số TS dự thi tốt nghiệp.
Xu hướng TS không đăng ký xét tuyển ĐH để tham gia GDNN, đi du học, đi xuất khẩu lao động, trực tiếp tham gia lao động tại các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài hay làm kinh tế gia đình ngày càng tăng cho thấy, nhận thức của học sinh (HS) và xã hội đã thay đổi trong lựa chọn hướng đi sau THPT. Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, trong tổng số TS không đăng ký xét tuyển ĐH, chia ra theo vùng như sau: vùng đồng bằng sông Hồng cao nhất (22%), kế đến là vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với 19%, Trung du miền núi phía bắc 16%, Bắc Trung bộ 15%, Đông Nam bộ 11%, Nam Trung bộ 10% và thấp nhất là Tây nguyên với 7%.
Mới đây, một số trường THPT ở Nghệ An đã khảo sát nguyện vọng HS trước khi thi tốt nghiệp cho thấy, tỷ lệ HS không dự xét tuyển ĐH khá cao, có trường từ 40 - 50%, một số trường miền núi tỷ lệ này lên đến 70%. Lý giải vấn đề này, các nhà giáo ở những trường này cho rằng HS có xu hướng đi xuất khẩu lao động, hoặc du học theo hình thức vừa làm vừa học, học nghề hoặc tham gia lao động để có thu nhập ngay.
Giải pháp dạy và học đáp ứng nhu cầu đa dạng của học sinh
Qua thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2022 cả nước chỉ có 24 tỉnh có tỷ lệ HS trúng tuyển ĐH nhập học trên 48%, còn lại 39 tỉnh, thành phố dưới mức trung bình cả nước. Trong đó, có 20 tỉnh có tỷ lệ này dưới 40%, tập trung ở vùng miền núi phía bắc, ĐBSCL, Tây nguyên và Bắc Trung bộ.
Các trường THPT cần tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, khảo sát nguyện vọng, định hướng nghề nghiệp của HS để có sự phân hóa trong dạy và học phù hợp nhất, quan tâm hơn đối với bộ phận HS sau THPT tham gia lao động ngay.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT theo định hướng nghề nghiệp, phát triển 5 phẩm chất (yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm) và 10 năng lực (Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo, toán học, ngôn ngữ, khoa học, công nghệ, tin học, thể chất và thẩm mỹ). Trong đó, tin học và công nghệ là 2 năng lực mới bổ sung vào để đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Vì vậy, nhà trường cần tăng cường các hoạt động trải nghiệm, gắn với thực tiễn để HS có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào cuộc sống, tham quan, trải nghiệm ở các nhà máy, nông trường, làng nghề… để HS có cơ hội tiếp cận với nghề nghiệp ở địa phương, giúp các em định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp.
Sắp xếp các tổ hợp cho HS lựa chọn một cách khoa học, hợp lý, để vừa đáp ứng yêu cầu đa dạng của HS, vừa đảm bảo dạy học, việc làm của giáo viên. Đầu tư nâng cao chất lượng dạy học các môn công nghệ (công nghiệp/nông nghiệp), tin học, giáo dục kinh tế và pháp luật để những HS sau THPT ra đời sớm chọn tổ hợp có các môn học này, có điều kiện áp dụng vào cuộc sống.
Nhà nước, các tổ chức, doanh nghiệp, tư nhân mở thêm các cơ sở GDNN và giáo dục ĐH để nước ta nâng cao tỷ lệ HS trong độ tuổi 18 - 25 nhập học sau trung học. Theo báo cáo của World Bank, tỷ lệ nhập học sau trung học của VN năm 2019 chỉ đạt 28,6%, thấp hơn so với các quốc gia trong khu vực. Trong khi ở các quốc gia thu nhập trung bình cao, tỷ lệ này đạt bình quân 55,1%.
Theo Hồ Sỹ An
Thanh niên
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC