Dạy và học trực tuyến thầy trò vất vả, mong Bộ dừng tổ chức thi HSG

Thứ hai - 22/11/2021 06:45:22

Lúc này, chỉ cần các trường học tập trung cho hoạt động dạy và học chính khóa đã tốt lắm rồi vì tổ chức kỳ thi học sinh giỏi rất áp lực, vất vả cho thầy và trò.
 
Dạy và
Năm học 2021-2022 do tình hình dịch bệnh Cvid-19 nên nhiều địa phương ở phía Nam đang phải tổ chức dạy và học trực tuyến từ đầu năm cho đến nay và thời điểm này cũng chưa xác định được cụ thể khi học sinh mới có thể trở lại trường học trực tiếp vì tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp.

Chính vì thế, một số địa phương đã có chủ trương bỏ đi các hội thi, cuộc thi, bỏ đi thao giảng hội đồng bộ môn và hạn chế số tiết dự giờ theo quy định để giảm tải cho thầy và trò ở các nhà trường. Nhưng, cũng có những nơi vẫn duy trì các hoạt động này như những năm học trước đây.

Kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện, cấp tỉnh vẫn được một số địa phương duy trì và lên kế hoạch thực hiện nên các nhà trường phải lên kế hoạch ôn tập cho học trò. Vì thế, giáo viên và học sinh vẫn phải tranh thủ ôn trực tuyến với nhau theo lịch mà nhà trường phân công.

Một số học sinh ôn được một thời gian thì cảm thấy mệt mỏi, áp lực nên chủ động xin thầy cô cho nghỉ. Thầy cô thì động viên, thuyết phục học trò tiếp tục ôn tập vì đã có hơn 2 tháng trời ôn luyện, gắn bó nhưng một số học trò đã đưa ra nhiều lý do để rút khỏi đội tuyển.

Khi gặp hoàn cảnh này, dù nhiều thầy cô cảm thấy tiếc nhưng học trò xin không tham gia đội tuyển nữa cũng chỉ biết ngậm ngùi khi các em không thể tiếp tục ôn thi nữa.

Lời tâm sự của học trò vào cuối buổi học

Mấy ngày trước, cuối buổi ôn thi cho học trò thì có một em nán lại, không thoát ra khỏi lớp học trực tuyến như một số em khác. Thấy lạ, chúng tôi hỏi thì em này rụt rè xin thầy không tham gia đội tuyển ôn thi học sinh giỏi nữa.

Hỏi lý do vì sao em không tiếp tục ôn thi thì em cho biết rằng bản thân khá áp lực và mệt mỏi trong việc học trực tuyến. Mỗi tuần, lịch học chính khóa gần 30 tiết phải ngồi trước màn hình máy tính. Đó là chưa kể cha mẹ yêu cầu học thêm online một số môn để chuẩn bị cho việc tuyển sinh 10 tới đây.

Rồi môn nào thầy cô cũng giao chuẩn bị bài trước và làm bài tập sau bài học, cộng thêm mỗi tuần phải ôn thi học sinh giỏi 2 buổi. Chính vì thế, dù rất muốn tiếp tục việc ôn thi nhưng em cảm thấy đuối sức và mệt mỏi vô cùng với việc học.

Động viên, thuyết phục và dù rất tiếc khi em học sinh này xin rút khỏi đội tuyển vì em là học sinh học tốt nhất trong những em tham gia ôn thi nhưng thấy em quyết tâm xin thôi nên chúng tôi đành lòng phải chấp nhận cho em nghỉ.

Bởi, suy cho cùng thì việc ôn thi học sinh giỏi mà trong lòng các em không còn thiết tha nữa thì sự thuyết phục của thầy cô cũng không còn nhiều ý nghĩa. Hơn nữa, ép các em tiếp tục ôn thi thì không đành lòng, khổ cho cả thầy và trò.

Một bên là trách nhiệm được Ban giám hiệu nhà trường phân công, một bên là học trò của mình. Thôi thì, một khi các em thấy mệt mỏi, đuối sức thì để các rút lui cũng là cách làm tốt nhất cho học trò.

Thế nhưng, sự việc này không chỉ dừng lại với môn học mà chúng tôi đang ôn thi, một số môn học khác cũng có những học sinh chủ động xin rút khỏi đội tuyển. Lý do các em đưa ra đều cho rằng việc học và ôn thi trực tuyến khiến các em quá mệt mỏi, áp lực.

Hơn nữa, đây là năm cuối cấp, mục tiêu của các em là học tốt các môn, đặc biệt là đối với những môn sẽ thi tuyển sinh 10. Nếu tập trung vào ôn thi học sinh giỏi thì chỉ đầu tư được có 1 môn này chuyên sâu nhưng chắc chắn các môn khác sẽ chểnh mảng.

Trong khi, nếu đậu giải học sinh giỏi cấp huyện hay cấp tỉnh thì các em cũng chỉ được thưởng vài trăm ngàn đồng. Điểm cộng cho những học sinh đạt giải cấp tỉnh ở kỳ thi tuyển sinh 10 thì ngành giáo dục bỏ từ mấy năm qua rồi.

Vì thế, việc một số học sinh bỏ ôn thi học sinh giỏi lớp 9 cũng là điều phù hợp vì các em phải đặt mục tiêu trọng tâm hơn là kỳ thi tuyển sinh 10 chứ không phải là ôn thi học sinh giỏi.

Bởi, đầu tư thời gian cho ôn thi rất lớn nhưng tỉ lệ đậu trong kỳ thi này lại rất ít vì đa phần các địa phương chỉ lấy tỉ lệ đậu dao động từ 20-30%/ môn nên số lượng học sinh thi rớt thường rất cao, chiếm đa số.

Không nên tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 khi đang phải dạy và học trực tuyến

Thực ra, tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 cấp huyện hay cấp tỉnh không phải là quá khó khăn vì lãnh đạo cấp Phòng hay Sở chỉ cần ra kế hoạch, phân công nhiệm vụ và mượn một địa điểm trường tổ chức trong vòng 1-2 ngày là xong. Sau đó, thành lập hội đồng chấm thi và công bố giải.

Nhưng, vất vả nhất, áp lực nhất là những thầy cô giáo được phân công ôn thi và những em nằm trong đội tuyển của các nhà trường.

Năm học này là một năm đặc biệt khó khăn đối với ngành giáo dục của các tỉnh, nhất là những tỉnh phía Nam bởi suốt nhiều tháng qua thì phần lớn thầy và trò ở các nhà trường vẫn đang phải dạy và học trực tuyến.

Việc dạy và học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay rất áp lực, chính vì thế mà Bộ đã ban hành Công văn 4040/BGDĐT-GDTrH để giảm tải chương trình trong năm học này.

Vậy thì, một số địa phương đang phải dạy và học trực tuyến có cần thiết phải tổ chức kỳ thi học sinh giỏi lớp 9 hay không? Chúng tôi cho rằng hoạt động này không thực sự cần thiết và không nên tổ chức.

Lúc này, chỉ cần các trường học tập trung cho hoạt động dạy và học chính khóa là đã tốt lắm rồi vì tổ chức kỳ thi học sinh giỏi rất áp lực, vất vả cho cả thầy và trò trong quá trình ôn thi.

Ôn thi học sinh giỏi, tất nhiên thầy cô nào cũng phải cố gắng truyền đạt cho học sinh thật nhiều kiến thức và hướng dẫn các dạng đề thi để các em làm quen, tiếp cận và làm chủ được kiến thức ôn tập. Vì thế, lượng bài tập mà thầy cô giao cho học trò thường rất lớn, bắt buộc học sinh phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức trong quá trình ôn thi.

Nếu đạt giải thì các em cũng chỉ được thưởng vài trăm ngàn đồng mang ý nghĩa tượng trưng mà thôi nhưng nếu không đạt giải thì nỗi buồn sẽ đeo bám và nhiều em suy sụp tinh thần sau khi công bố giải…

Là người đã và đang ôn thi học sinh giỏi lớp 9 trong hàng chục năm qua, chúng tôi nghĩ nếu trong điều kiện học tập bình thường thì việc tổ chức kỳ thi học sinh giỏi không có gì đáng bàn nhưng trong điều kiện những địa phương đang phải dạy và học trực tuyến thì không cần thiết phải tổ chức làm gì.

Hy vọng, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như những Sở Giáo dục mà đang phải triển khai dạy và học trực tuyến thấu hiểu nỗi vất vả của thầy và trò ở các nhà trường để phân tích kĩ lưỡng những thuận lợi, khó khăn và dừng kỳ thi học sinh giỏi trong năm học này.

Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên có chỉ đạo thống nhất trên toàn quốc, địa phương nào đang phải dạy và học trực tuyến thì không nên tổ chức thi học sinh giỏi, để tập trung đảm bảo chất lượng giáo dục đại trà trong bối cảnh hết sức khó khăn, chưa biết khi nào dịch bệnh chấm dứt.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Theo Lê Văn Minh
Giaoduc.net.vn

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây