Đầy ắp thời sự trong 'Ước vọng cho học đường'

Thứ hai - 20/06/2022 07:38:11

Dù có bài viết cách đây gần 10 năm nhưng những vấn đề đặt ra trong Ước vọng cho học đường xuất bản năm 2022 của nhà giáo Huỳnh Như Phương vẫn đầy tính thời sự, đặt ra nhiều câu hỏi mang tính cấp bách cho giáo dục.
 
Đầy ắp

Ước vọng cho học đường, đúng như dòng giải nghĩa ngay sau đó: “Những bài viết về giáo dục” cũng như lời thưa của tác giả, ngay từ đầu quyển sách là những “ước vọng cần được bộc bạch với tất cả sự chân thành”. Chính vì vậy, những bài viết trong cuốn sách này, theo GS Huỳnh Như Phương, như một “chứng từ ghi nhận sự biến đổi của nền giáo dục, đồng thời lưu lại những cảm nghĩ về sinh hoạt ở một môi trường mà cả đời mình gắn bó”.

Ngay trong những ngày này của năm 2022, dư luận đang đặt ra nhiều vấn đề xung quanh câu chuyện giá sách giáo khoa (SGK); chương trình - SGK mới với những môn học bắt buộc, tự chọn; sự vận hành của SGK thì từ năm 2014 nhà giáo Huỳnh Như Phương đã đặt câu hỏi “Phương án nào cho SGK?”. Tác giả còn đề nghị một lộ trình gồm 5 bước biên soạn SGK mà theo ông là “Với lộ trình này, Chính phủ và Bộ GD-ĐT hoàn toàn không buông lỏng mà vẫn kiểm soát được kế hoạch biên soạn và chất lượng SGK, đồng thời tạo điều kiện mở rộng không gian sáng tạo cho những người viết sách và làm sách, khác với cách làm khép kín và độc quyền lâu nay”. Mở rộng ra câu chuyện SGK, tác giả còn bàn đến việc “Tìm văn liệu cho SGK”. Ở đó, với lĩnh vực giảng dạy trong cả cuộc đời tại Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), ông đặt ra vấn đề lựa chọn tác phẩm văn học phù hợp cho từng khối lớp, mục đích của việc dạy và học văn. Ngoài ra, GS Huỳnh Như Phương còn góp ý cho việc dạy môn ngữ văn trong trường phổ thông theo chương trình mới.

Học phí đang là một câu chuyện thời sự khi các địa phương, cơ sở giáo dục đại học đề xuất lộ trình tăng học phí từ năm học 2022 - 2023 theo Nghị định 81 của Chính phủ. Việc tăng học phí trong bối cảnh người dân vừa trải qua 2 năm dịch Covid-19 với nhiều khó khăn chồng chất khiến dư luận băn khoăn. Người đọc như cảm nhận nguyên vẹn tính thời sự của học phí qua bài viết “Tăng học phí trường phổ thông, điều cần nghĩ lại”.


Đây là khoảng thời gian gọi chung là mùa thi khi các trường đại học thi kết thúc học kỳ, các địa phương tổ chức tuyển sinh lớp 10, một số trường đại học thực hiện tuyển sinh riêng và sắp tới đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT trên cả nước. Hoàn cảnh rất phù hợp để đọc những bài viết trong tập sách này như “Để có một mùa thi nghiêm túc”, “Tuyển sinh đại học: Hiệu quả và tiết kiệm”, “Môn văn: Một khuôn mẫu ra đề thi”…

Còn biết bao những trăn trở khác nữa về giáo dục của một người cả đời gắn liền với bục giảng. Những trăn trở này không chỉ mang tính thời sự mà là vấn đề có ý nghĩa triết lý, nhân sinh quan, mang tính quyết định của một nền giáo dục. Đó là vấn đề con người trong môi trường giáo dục, là vai trò và tiếng nói của nhà giáo…

Ước vọng cho học đường do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam xuất bản năm 2022 giản dị, khiêm tốn như lời tác giả nhận định về công việc của mình: “Nghề giáo là một nghề luôn đòi hỏi sự khiêm tốn. Người dạy học cũng là người đi học suốt đời”.

Theo Nhiên An
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây