8 lưu ý môn Toán với thí sinh trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT

Thứ tư - 12/04/2023 06:11:46


Thầy Nguyễn Văn Phu, giáo viên Trường THPT Minh Châu (Hưng Yên) nhấn mạnh 8 lưu ý giúp thí sinh tự tin với môn Toán trước Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

8 lưu ý môn Toán với thí


Lắng nghe và ghi chép những thông tin hữu ích

Một tiết học chỉ kéo dài 45 phút và thường học sinh chỉ ghi chép những gì nêu trên bảng và thầy cô gợi ý.

Tuy nhiên, có tới 80% những gì thầy cô yêu cầu ghi chép đều có trong sách giáo khoa. Trong khi đó, những điều thầy cô giảng để giúp học sinh hiểu bài hoặc giải thích quá trình tư duy để tìm ra được cách giải hay nhất thì các bạn lại chỉ ngồi nghe để rồi quên ngay sau đó.

Vì vậy, học sinh hãy chú ý những gì thầy cô giảng để rút ra những gì hữu ích nhất cho bài giải của mình.

Đừng bỏ qua phần lý thuyết

Với tâm lý, lý thuyết là những điều không quan trọng, học sinh thường chỉ tập trung vào giải các bài tập, bỏ qua những điều cơ bản mà lý thuyết cung cấp.

Nếu không nắm vững định nghĩa, định lý những điều cơ bản, các em chỉ có thể giải được những bài toán ở mức độ không quá khó và khi biến tấu đi một chút sẽ gặp khó khăn trong cách giải của mình.

Một bài toán khó, toán mẹo là tổng hợp của những bài đơn giản. Nếu không nắm vững điều cơ bản đó để giải toán một cách từ từ, các em khó có thể đạt được điểm cao ở môn Toán.

Liên tục thực hành

Toán học cần có sự rèn luyện thật nhiều để thực hành trơn tru. Ở mỗi dạng bài tập cụ thể, các em hãy làm quen với nhiều bài tập để thành thạo các bước và phương pháp giải.

Thực hành nhiều lần, các em sẽ tạo cho mình được một thói quen tốt cũng như kinh nghiệm khi tiếp cận với bất cứ dạng bài nào, ở mức độ nào.

Sau khi học hết chương trình, các em hãy tích cực luyện đề. Sau khi giải mỗi đề cần xem lại những phần mình thường mắc sai lầm hoặc khó khăn trong việc tìm hướng giải, qua đó quay lại ôn lại lý thuyết và bài tập chủ đề đó. Nếu cần, nhờ các thầy cô gửi thêm bài tập tự luyện của phần đó.

Học từ dễ đến khó

Làm quen với các dạng bài tập cơ bản sẽ tạo cho học sinh động lực để tiếp cận những bài khó hơn và khó hơn nữa. Các em đã tìm được niềm đam mê khi tiếp cận với các bài toán mà quên đi nỗi sợ hãi với môn học này.

Đừng ngần ngại tìm các hướng đi mới

Nếu khi làm bài mà bế tắc vì không tìm được hướng đi, các em hãy thử với nhiều cách và nhiều phương pháp. Cách này vừa giúp có thêm kỹ năng kinh nghiệm khi làm bài, vừa giúp tìm được hướng giải phù hợp với mỗi dạng bài cụ thể.

Học Toán từ những sai lầm

Không riêng gì với môn Toán, với bất kì môn nào nếu gặp lỗi sai, các em nên có những ghi chú riêng để khi có thời gian thì xem lại, lỗi đó là gì, cách khắc phục ra sao…

Hãy cố gắng tự trả lời những thắc mắc đó, nếu không trả lời được thì bạn bè, thầy cô chính là những “trợ thủ” đắc lực trong những tình huống này.

Tự rút ra bài học của riêng mình

Mỗi khi hoàn thành bài tập, các em hãy làm một việc cuối cùng là xem xét các bài tập mình vừa giải xem phương pháp nào thích hợp, dấu hiệu nhận biết từng dạng bài.

Hãy ghi chú những điều đó vào bên cạnh hoặc vào bất kỳ chỗ nào cảm thấy sẽ giúp em nhớ nhất. Sau mỗi chương, mỗi phần hãy ôn tập để không bị dồn bài. Đó là cách làm khoa học và hiệu quả cho những người đam mê với toán.

Khi học tại lớp, các em nên lưu ý một số nội dung sau:

Học thuộc bài cũ như định nghĩa, định lí, hệ quả, công thức, các ví dụ ứng dụng,... và các kiến thức cũ liên quan trước khi vào bài học mới.

Đọc trước SGK bài học mới để biết bài học mới sẽ học gì và cần kiến thức cũ nào liên quan.

Tập trung chú ý nghe thầy, cô giảng bài, không lơ đãng, nói chuyện hoặc làm việc khác và ghi chép bài đầy đủ. Có thắc mắc điều gì, hay không hiểu điều gì thì mạnh dạn hỏi để thầy, cô giảng lại...

Phải có giấy nháp đầy đủ để giải các ví dụ ứng dụng của bài học và phải có đầy đủ các dụng cụ học tập (kể cả máy tính bỏ túi).

Cuối mỗi tiết học hãy chú ý lắng nghe thầy, cô củng cố bài, tóm tắt bài học, hướng dẫn giải bài tập về nhà, các bước giải toán.

Giờ bài tập, cần chuẩn bị trước bài tập ở nhà theo hướng dẫn của thầy, cô. Chú ý nghe thầy, cô sửa bài tập và ghi chép bài sửa đầy đủ để về nhà xem lại. Chỗ nào chưa rõ hoặc không hiểu thì mạnh dạn hỏi ngay. Nếu không hỏi thầy, cô thì hỏi các bạn trong lớp hoặc lớp khác. Giờ bài tập phải có đầy đủ dụng cụ học tập và giấy nháp (để có tinh thần học tốt hơn).

Học tại nhà: Các em nên chia thời gian biểu để học môn Toán. Học thuộc bài và xem lại các ví dụ trước khi làm bài tập. Xem lại các bài tập thầy, cô đã chữa trên lớp. Học các công thức phải viết ra giấy nháp, không nên học vẹt và học tủ. Đọc trước SGK bài học mới trước khi lên lớp. Không nói chuyện, sao lãng hay làm việc khác khi đang chữa bài...

Học Toán bằng sơ đồ tư duy

Đặc biệt đây là một sơ đồ mở, không yêu cầu tỉ lệ, chi tiết chặt chẽ như bản đồ địa lí, có thể vẽ thêm hoặc bớt các nhánh, mỗi người vẽ một kiểu khác nhau, dùng màu sắc, hình ảnh, các cụm từ diễn đạt khác nhau. Cùng một chủ đề nhưng mỗi người có thể “thể hiện” nó dưới dạng sơ đồ tư duy theo một cách riêng. Do đó, việc lập sơ đồ tư duy phát huy được tối đa khả năng sáng tạo của mỗi người.

Sơ đồ tư duy chú trọng tới hình ảnh, màu sắc, với các mạng lưới liên tưởng (các nhánh). Có thể vận dụng sơ đồ tư duy vào hỗ trợ dạy - học kiến thức mới, củng cố kiến thức sau mỗi tiết học, ôn tập hệ thống hóa kiến thức sau mỗi chương, mỗi học kì.

Các bước vẽ sơ đồ tư duy như sau:

Bước 1: Tạo ý tưởng trung tâm. Ý tưởng trung tâm là điểm khởi đầu trong việc vẽ sơ đồ tư duy và tượng trưng cho chủ đề mà các em sẽ khám phá. Ý tưởng trung tâm nên để ở giữa trang và nên bao gồm một hình ảnh đại diện cho chủ đề của sơ đồ tư duy. Điều này thu hút sự chú ý và gây ra các mối liên quan, vì não của chúng ta đáp ứng tốt hơn với kích thích thị giác.

Bước 2: Thêm nhánh từ gốc đã tạo. Các nhánh này đi từ trung tâm vươn ra và không bị hạn chế về số lượng ý tưởng. Các nhánh này mang ý nghĩa khai thác từng khía cạnh, ý tưởng của vấn đề trung tâm

Bước 3: Tìm từ khóa. Việc sử dụng các từ khóa kích hoạt các kết nối trong não và cho phép bạn nhớ một lượng lớn thông tin.

Bước 4: Thêm màu sắc cho các nhánh. Màu sắc làm cho hình ảnh hấp dẫn hơn và hấp dẫn hơn so với hình ảnh đồng điệu, đơn sắc.

Bước 5: Thêm hình ảnh. Chúng ta tự học cách xử lý hình ảnh từ khi còn nhỏ. Như khi một đứa trẻ học một ngôn ngữ, chúng hình dung các hình ảnh trong tâm trí của chúng liên quan đến các khái niệm. Vì lý do này, vẽ sơ đồ tư duy trong học tập tối đa hóa tiềm năng hình ảnh một cách mạnh mẽ.

 

Theo Hải Bình
Giáo dục và Thời đại

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây