36 tuổi là... học sinh lớp 2

Thứ ba - 27/10/2020 07:13:42
Ban ngày làm thợ kiếng (kính) trong một nhà xưởng ở H.Bình Chánh (TP.HCM), buổi tối đều đặn tới trường, ở tuổi 36, Thạch Sơ Khum đang là học sinh lớp 2.  
 
lớp 2

Trường tiểu học Bông Sao, P.5, Q.8, TP.HCM các tối thứ hai, tư, sáu hằng tuần lại ê a tiếng đọc bài của học trò lớp phổ cập. Cô giáo Trần Thị Châu, 76 tuổi, giáo viên nghỉ hưu của trường, đã có hơn 20 năm dạy buổi tối ở nơi này, kiên nhẫn dạy cách đánh vần. Phía dưới, anh Khum, học sinh lớp 2, chầm chậm đọc theo.

Thấy người ta viết nhanh quá mà thèm

Thạch Sơ Khum quê ở H.Châu Thành, Trà Vinh. Nhà đông con, bố mẹ làm nông khó khăn, từng được đi học ở quê nhưng “chữ không vào” nên anh đành nghỉ. Đi làm thuê mướn ở quê một thời gian rồi Khum lên TP.HCM làm thuê trong một xưởng kiếng thờ. 4 năm trước, sau nhiều lần ngưỡng mộ những người thợ làm chung có thể đọc báo, viết chữ thoăn thoắt, Khum quyết tâm tìm lớp học phổ cập buổi tối và bắt đầu học lớp 1. Nhưng học mãi vẫn chưa thể đọc thông, viết thạo, Khum mất 3 năm để “tốt nghiệp” lớp 1. Bắt đầu từ tháng 9 năm nay, anh vào lớp 2.

“Tôi thèm được đọc nhanh, viết nhanh như các anh làm cùng. Đi đâu, mua gì cũng đọc được bảng quảng cáo, địa chỉ, ai đưa giấy gì mình cũng đọc được”, anh Khum thật thà nói.

Cô giáo Trần Thị Châu chia sẻ, học chữ chậm nhưng Khum tính nhẩm tốt, bởi quen tính tiền ở nhà xưởng. Khum kể cho cô nghe, anh không biết uống bia rượu hay hút thuốc, uống cà phê, làm được bao nhiêu đều để dành dụm nên cô rất thương.

Áp lực cơm áo gạo tiền nhiều nhưng trò vẫn quyết tâm học bằng được cái chữ khiến tôi cảm động 
Cô Trần Thị Châu 

“Tôi quý Khum như cháu của mình. Khum hiền lành, chăm chỉ, ban ngày đi làm vất vả nhưng tối nào cũng đi học đầy đủ”, cô Trần Thị Châu cho biết.

Cô Nguyễn Thị Minh Phương, Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bông Sao, kể có những trò học vài năm mới được lên một lớp, nghe các em tâm sự rất thương. Cô giáo Châu thì cho biết có trường hợp một người đàn ông ngoài 30 tuổi và con trai của mình cùng học lớp 2. Con đi học chậm hơn bạn bè vì thiếu giấy tờ, cha dắt con đi học cũng học luôn vì chưa biết chữ.

Cô Châu cho biết dạy lớp phổ cập khá vất vả, bởi học sinh nhiều độ tuổi, đến từ nhiều vùng quê, làm nhiều ngành nghề, không phải ai cũng lanh lợi, nhưng luôn có điều thôi thúc cô phải dạy bằng cả trái tim mình, đó là tình yêu thương. “Áp lực cơm áo gạo tiền nhiều nhưng trò vẫn quyết tâm học bằng được cái chữ khiến tôi cảm động”, cô Châu tâm sự.

Những ngôi sao nhỏ ở lớp học ban đêm

Thầy giáo Lê Thành Trung, 54 tuổi, ban ngày dạy chính khóa ở Trường tiểu học Bông Sao và 3 tối mỗi tuần, ông phụ trách dạy lớp 5. Điều gì khiến ông cảm thấy hạnh phúc nhất ở lớp học phổ cập này? “Là ánh mắt rất sáng của những cô bé 14, 15 tuổi mới học lớp 5 được thầy khen là đọc nhanh, tính giỏi. Hay một ngày tôi đi đường gặp một bạn cúi đầu chào, nói “trước đây nhờ thầy dạy chữ cho con”, thầy Trung nói.

Hôm chúng tôi tới lớp, thầy Trung đang dạy các trò làm toán. Cô bé Nguyễn Hồ Anh Thư, 14 tuổi, đang học lớp 5, da ngăm đen, khuôn mặt lanh lợi trả lời các câu hỏi của thầy rất nhanh. Thư cho biết quê em ở Cần Thơ, cha mới mất, mẹ em sinh được 7 người con, để cho bà ngoại nuôi, bây giờ đi lấy chồng ở nơi khác. 7 chị em Thư sống nương tựa vào bà ngoại, bằng cơm gạo từ thiện; áo quần, sách vở cũng là người hảo tâm cho. Tối nào Thư cũng đi học, mấy đứa em đợi chị ở dưới sân trường. “Em muốn được học nghề, sau có thể làm móng, kiếm tiền nuôi em, nuôi bà”, Thư hồn nhiên nói.

20 giờ 30, học sinh gấp sách, chào thầy ra về. Trời cuối tháng không thấy bóng trăng sao, nhưng ở nơi này đã có những ngôi sao nhỏ...


 
Theo Thúy Hằng
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây