Nhiều người cho rằng sốt thì không tốt, sốt là bệnh. Nhưng thực ra, sốt cũng có những đặc điểm tích cực của nó.
Nhiều người cho rằng sốt thì không tốt, sốt là bệnh. Nhưng thực ra, sốt cũng có những đặc điểm tích cực của nó. Bởi vì sốt, không những là phản ứng của cơ thể chống lại tác nhân gây bệnh, mà lại còn là thông điệp cảnh báo về bệnh tật đang diễn ra…
Phản ứng tích cực của cơ thể
Sốt là hiện tượng gia tăng nhiệt độ trong cơ thể. Nhiệt độ bình thường chung của cả trẻ em và người lớn là 37 độ C. Khi vượt quá ngưỡng trung bình, nhiệt độ gia tăng càng cao thì sốt biểu hiện càng rõ ràng.
Về bản chất, sốt là phản ứng tích cực của cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Sốt thường là biểu hiện của các bệnh nhiễm trùng, mà tác nhân gây bệnh có thể là vi khuẩn, virus hoặc ký sinh trùng.
Tuy nhiên, cũng có nhiều trường hợp sốt không do nhiễm trùng như các bệnh lý tự miễn, bệnh lý ác tính (ung thư), sốt do thuốc uống điều trị bệnh nào đó hoặc sốt sau khi tiêm vắc-xin phòng bệnh.
Điểm đặc biệt là, sốt không phụ thuộc vào mức độ bệnh. Nhưng, nếu sốt quá cao (41 - 42 độ C) có thể dẫn đến co giật và gây tổn thương não, nhất là đối với trẻ nhỏ. Và điều đáng lưu ý là có những người khả năng sốt bị suy giảm do mắc bệnh suy giảm miễn dịch. Khả năng sốt cũng giảm ở trẻ em quá nhỏ hoặc người quá già vì hệ thống miễn dịch chưa phát triển hoặc hệ thống miễn dịch đã bị hao mòn, mỏi mệt do tuổi tác.
Để xác định chính xác một người có bị sốt hay không và mức độ sốt như thế nào, không gì khác hơn là đo nhiệt độ của cơ thể bằng nhiệt kế. Người bị sốt cũng có thể được nhận diện qua các đặc điểm sau đây: Vã mồ hôi, cảm giác rét run, mệt mỏi, nhức đầu, đau cơ, ăn uống kém ngon, mất nước, suy nhược cơ thể... Người khác, sờ trán thấy nóng.
Cách xử trí
Sốt chỉ là một biểu hiện của rất nhiều loại bệnh khác nhau. Xử trí sốt là giải pháp tình thế nhằm hạ độ nóng tạm thời của cơ thể. Việc tìm ra nguyên nhân gây sốt để điều trị mới là phương pháp giải quyết tận gốc rễ.
Người bị sốt cần có không gian rộng rãi và thông thoáng, không trùm kín người, mặc quần áo mỏng cho dễ bốc hơi, tỏa nhiệt, lau mát người bằng khăn nhúng nước ấm, uống bổ sung nước theo nhu cầu.
Nhìn chung, khi nhiệt độ cơ thể <38,5 độ C, người bệnh chỉ cần thực hiện những điều như vừa nêu trên là đủ, không cần phải uống thuốc. Nhưng khi nhiệt độ đo được vượt quá giới hạn này, nghĩa là từ mức 38,5 độ C trở lên, người bệnh mới cần đến thuốc. Thuốc dùng để hạ sốt phổ biến nhất là Paracetamol (Tylenol), Aspirin, Ibuprofene.
Tuy nhiên, việc dùng thuốc hạ sốt cho người bệnh cần tránh các thuốc chống chỉ định cho các trường hợp nghi ngờ bị sốt xuất huyết. Việc tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ về việc dùng thuốc điều trị luôn luôn là cách tốt nhất nhằm đảm bảo sự an toàn và hiệu quả cho người bệnh. Về dinh dưỡng, người bệnh cần có những bữa ăn dễ tiêu hóa như cháo, xúp và sữa.
Xử trí sốt cao co giật: Hiện tượng này phổ biến ở trẻ nhỏ hơn là trẻ lớn và người lớn. Cơn co giật do sốt có biểu hiện với tay chân run rẩy, rung giật, mất ý thức, cơ thể cứng đờ, mắt trợn ngược, sùi bọt mép. Cần thực hiện ngay lập tức các biện pháp sau đây:
- Đặt người bệnh nằm nghiêng hoặc nằm sấp trên bề mặt phẳng nhằm tránh sặc chất nôn.
- Nới lỏng quần áo.
- Không cho uống nước hoặc bất cứ loại thuốc nào (vì sẽ gây sặc chết người).
- Không dùng bất cứ vật dụng nào để ngáng miệng người bệnh.
- Quan sát không để có vật sắc nhọn nguy hiểm ở sát bên cạnh người bệnh.
Sốt kéo dài là những trường hợp sốt trên 7 ngày mà không đỡ. Người bệnh bị sốt liên tục, dường như các loại thuốc hạ sốt không có tác dụng gì nhiều. Uống vào đỡ sốt, rồi lại sốt. Tình trạng sốt có khi kéo dài đến vài tuần.
Người bị sốt kéo dài thường là các trường hợp không rõ nguyên nhân gây sốt hoặc là các nguyên nhân chưa được xác định một cách rõ ràng. Sốt kéo dài gia tăng sự mệt mỏi, xanh xao, nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, đau nhức cơ bắp và xương khớp…
Tình trạng người bệnh sốt kéo dài gặp ở các nhóm nguyên nhân sau đây:
- Nhóm bệnh nhiễm trùng: Đây là nhóm bệnh thường gặp nhất gây ra sốt kéo dài. Nhóm nhiễm trùng bao gồm các tác nhân gây bệnh thường gặp là vi khuẩn gây bệnh lao phổi, thương hàn, giang mai… và các loại ký sinh trùng gây bệnh sốt rét và ấu trùng di chuyển nội tạng (giun móc, giun đũa chó)…
- Nhóm bệnh ác tính: Nhiều trường hợp sốt kéo dài, ban đầu nguyên nhân chưa được xác định một cách rõ ràng. Nhưng sau đó nhờ có xét nghiệm và các phương tiện thăm dò khác nên phát hiện ra các bệnh lý ác tính như ung thư máu, ung thư phổi, ung thư gan hoặc ung thư xương…
- Nhóm bệnh tự miễn: Bao gồm các bệnh thường gặp như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp. Bệnh xảy ra do hệ thống miễn dịch của người bệnh thay vì chỉ chống lại các tác nhân gây bệnh thì chống luôn cả chính mình do sự nhận diện nhầm lẫn vì tính chất tương đồng giữa các thành phần của cơ thể và tác nhân gây bệnh.
Các nguyên tắc phòng tránh
- Tránh tiếp xúc với nguồn lây ở nhóm bệnh do nhiễm khuẩn. Tiêm vắc-xin phòng bệnh trong khả năng và điều kiện có thể như vắc-xin phòng bệnh cúm mùa, vắc-xin phòng Covid-19…
- Những nơi có dịch bệnh truyền nhiễm cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn phòng bệnh cộng đồng, đeo khẩu trang và thực hiện cách ly theo quy định.
- Thực hiện ăn chín uống sôi và chế độ ăn đầy đủ các chất dinh dưỡng, ngủ mùng tránh muỗi đốt phòng các bệnh như sốt xuất huyết, sốt rét.
- Hạn chế tối đa hoặc tốt nhất là không đi vào vùng có dịch theo như thông báo của các cơ quan chức năng và truyền thông.
- Luôn luôn vệ sinh thân thể sạch sẽ, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là sau khi tiếp xúc hoặc chăm sóc người bệnh.
- Vệ sinh môi trường sống sạch sẽ, không để ao tù nước đọng và phát quang các bụi rậm nhằm triệt tiêu môi trường nuôi dưỡng mầm bệnh.
- Thường xuyên thể dục thể thao rèn luyện thân thể. Đây là phương pháp tốt nhất để tăng cường sự miễn dịch của cơ thể chống lại sự xâm nhập của các tác nhân gây bệnh.
Theo Anh Nga
Giáo dục và thời đại
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC