Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Tuyển sinh 2023: Trường ĐH vẫn chuộng chứng chỉ ngoại ngữ


Nhiều trường ĐH đã công bố phương án tuyển sinh năm 2023. Năm nay mặc dù có nhiều vấn đề xung quanh các kỳ thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế nhưng các trường ĐH vẫn có xu hướng chuộng các chứng chỉ này.

Trong khi đó, có những đơn vị bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ trong nước để xét tuyển.

Từ tiêu chí ưu tiên đến tiêu chí chính

Tiến sĩ Bùi Quang Hùng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, cho biết năm nay tiếp tục sử dụng các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị phục vụ tuyển sinh đầu vào. Cụ thể, theo phương thức đã công bố của trường này, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (tương đương IELTS từ 6.0 hoặc TOEFL iBT từ 73 trở lên) là một trong 3 tiêu chí không bắt buộc của 2 phương thức (xét học sinh giỏi và quá trình học tập THPT theo tổ hợp môn).

"Điều này có nghĩa, không có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế thí sinh vẫn đủ điều kiện xét tuyển. Tuy nhiên, số điểm được quy đổi từ các chứng chỉ này trong tổng điểm xét tuyển cho thấy thí sinh (TS) có thêm điều kiện này rất lợi thế", ông Hùng cho hay.

"Trình độ tiếng Anh chuẩn quốc tế là một trong những tiêu chí ưu tiên của trường để đào tạo người học trở thành công dân toàn cầu", Phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nói thêm.

Tuyển sinh 2023


Tiến sĩ Nguyễn Tấn Trần Minh Khang, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM, cũng cho biết một điểm mới trong phương án tuyển sinh của trường là có thay đổi trong nguyên tắc xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Năm nay trường quy đổi điểm chứng chỉ và đưa vào tiêu chí chính để xét tuyển ở phương thức kết hợp kết quả học tập cấp THPT với chứng chỉ quốc tế để xét tuyển tất cả các ngành. Khi đó, TS cần thỏa mãn đồng thời 3 tiêu chí: có hạnh kiểm tốt và tối thiểu đạt danh hiệu học sinh khá hoặc tương đương trong các năm học THPT; tổng điểm trung bình 3 năm THPT của 3 môn học trong tổ hợp xét tuyển TS đăng ký lớn hơn hoặc bằng 24; có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế còn thời hạn.

Trong đó, điểm xét tuyển bao gồm: điểm học tập (50 - 60%), điểm chứng chỉ ngoại ngữ (30 - 40%), điểm video (10 - 20%) và điểm ưu tiên (nếu có).

Trong khi đó, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM không chỉ sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế mà còn chấp nhận chứng chỉ theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam (VSTEP). Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu, cho biết từ năm 2022 trường đã bắt đầu sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ VSTEP nhưng rất ít TS nộp chứng chỉ này.

Nhiều chỉ tiêu ở chương trình xét có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế

Năm 2023, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội dự kiến tuyển 7.500 chỉ tiêu ĐH chính quy cho 50 ngành, chương trình đào tạo. Trường cũng dự kiến dành 5% chỉ tiêu cho phương thức xét tuyển TS đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh, thành; TS có chứng chỉ quốc tế phải có điểm tổng kết từng môn học trong tổ hợp đăng ký xét tuyển của tất cả các học kỳ từ 7,5 điểm trở lên và có một trong các chứng chỉ: ACT ≥ 20, SAT ≥ 1.000; tiếng Anh quốc tế IELTS Academic ≥ 5.5, TOEFL iBT ≥ 50; tiếng Hàn TOPIK ≥ 3; tiếng Trung HSK ≥ 3; tiếng Nhật N ≤ 4 (chứng chỉ trong thời hạn 24 tháng tính đến ngày đăng ký xét tuyển).

Trường ĐH Ngoại thương cũng dự kiến 6 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức 2 và 3 là xét tuyển kết hợp có chứng chỉ ngoại ngữ.

Cụ thể, phương thức 2 là xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả học tập/chứng chỉ năng lực quốc tế dành cho TS hệ chuyên và hệ không chuyên. Phương thức 3 là phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023. Cả 2 chương trình đều áp dụng cho các chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh và ngôn ngữ thương mại.

Trường ĐH Sư phạm Hà Nội dự kiến xét tuyển theo các phương thức sau: xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2023; xét tuyển thẳng; xét học bạ THPT; thi tuyển; kết hợp thi tuyển và xét tuyển. Trong đó, với phương thức 2 (xét tuyển thẳng), đối tượng xét tuyển là học sinh tham gia các đội tuyển học sinh giỏi; học sinh các trường THPT chuyên, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS hoặc TOEFL iBT hoặc TOEIC; DELF hoặc TCF; HSK và HSKK; chứng chỉ tin học quốc tế MOS (thời hạn 2 năm tính đến ngày 1.6).

Trường ĐH Kinh tế quốc dân vẫn tuyển sinh 60 mã ngành, chương trình với 6.200 chỉ tiêu ĐH chính quy, sử dụng 4 phương thức xét tuyển. Phương thức 4 được phân bổ nhiều chỉ tiêu nhất (70%), là xét tuyển kết hợp theo đề án của trường, xét 5 nhóm đối tượng. Trong đó, nhóm đối tượng 1 là TS có chứng chỉ quốc tế SAT và ACT (được dành 3% chỉ tiêu); nhóm 2 là TS có điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia; nhóm 3 là TS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực của các ĐH quốc gia (20% chỉ tiêu); nhóm 4 là TS có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế kết hợp với điểm 2 môn thi tốt nghiệp THPT (20%). Như vậy, với các nhóm đối tượng liên quan tới chứng chỉ quốc tế, TS được dành tới 43% chỉ tiêu.

 

Theo Hà Ánh
Thanh niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây