Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Vì sao giáo viên nghỉ việc?: Thâm niên 26 năm, lương không đủ sống


Đứng trên bục giảng là giấc mơ, khao khát thời trẻ của cô Châu H.P, nhưng càng ngày, đồng lương mỗi tháng không gồng gánh được áp lực cơm áo gạo tiền, vật giá leo thang ở TP.HCM. Nữ giáo viên môn văn quyết nghỉ việc.
 
Vì sao

Suy nghĩ về nghỉ việc từ rất nhiều năm

Trong một quán cà phê ở Q.12 (TP.HCM), cô Châu.H.P (trong bài viết này xin được gọi là cô Châu) trải lòng với phóng viên về quãng thời gian “rất vui, rất hạnh phúc khi được làm nghề mình yêu thích nhưng cũng nhiều chua xót”.

Cô Châu năm nay 49 tuổi, quê ở H.Củ Chi, TP.HCM, tốt nghiệp đại học và về dạy ngữ văn tại Trường THPT Củ Chi, H.Củ Chi từ năm 1996. Làm việc liên tục tại đó cho tới đầu năm học 2021 - 2022, cô xin chuyển về dạy tại một trường THPT ở Q.12.

Tính tới tháng 9.2022, nữ giáo viên môn văn sẽ có thâm niên công tác tròn 26 năm. Tuy nhiên, mới đây cô đã trao đổi với phó hiệu trưởng phụ trách chuyên môn của nhà trường về việc mình sẽ nghỉ việc để nhà trường chuẩn bị về nhân sự. “Tôi sẽ chính thức nghỉ từ tháng 1.2023, sau khi kết thúc học kỳ 1 của năm học mới. Thầy hiệu phó nói với tôi cần nộp đơn trước 1 tháng, tức là đầu tháng 12.2022. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều năm về quyết định nghỉ việc và bây giờ thì mới đủ dũng khí, mạnh mẽ để bước ra khỏi vùng an toàn nhưng là sự an toàn đầy khó khăn”, cô Châu chia sẻ.

Đồng lương eo hẹp, “vay trước trả sau”

“Thời tuổi trẻ, tôi bước chân vào nghề giáo xuất phát từ tình yêu nghề. Sau 4 năm đại học, là sinh viên mới ra trường, tôi xin đúng tuyến về giảng dạy tại trường THPT ngay tại quê hương mình nên không gặp khó khăn gì. Đồng lương ngày mới ra trường rất thấp, tôi không nhớ chính xác bao nhiêu nhưng ngày ấy tuổi trẻ chỉ nghĩ miễn là được làm nghề mình ao ước, theo đuổi là đã vui rồi. Nhà thì ở chung với ba mẹ, cơm ngày 3 bữa ba mẹ cũng lo, chỉ việc đi làm. Nhưng rồi khi tôi ngày một trưởng thành, có con cái, thì mọi thứ không màu hồng nữa”, cô bộc bạch.

Là một người mẹ đơn thân trong suốt nhiều năm (con trai cô Châu năm nay 17 tuổi), cô cho hay đồng lương không thể đủ cho việc trang trải sinh hoạt phí, xăng xe đi lại, tiền học cho con, tiền khám bệnh cho con những ngày con bệnh, tiền chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ già và nhiều khoản phải trang trải như ma chay, cưới xin, thăm hỏi người bệnh... Còn vật giá thì ngày một leo thang, cái gì cũng đắt đỏ. “Thời gian dạy học ở Củ Chi, tôi được ở chung nhà với ba mẹ, không phải lo tiền thuê nhà, chứ không không biết sẽ thế nào. Suốt nhiều năm, tôi phải đi vay mượn, vay trước trả sau để trang trải cuộc sống”, cô giáo trải lòng.

Công việc thường xuyên của một giáo viên là gì? Cô Châu cho biết ngoài việc giảng dạy, soạn giáo án, chuẩn bị cho kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ, gác thi, chấm điểm, vào điểm, làm sổ sách giấy tờ, họp hành, chuẩn bị cho các buổi dự giờ, thao giảng, sinh hoạt chuyên môn, học bồi dưỡng kiến thức… Chưa kể nhiều năm là giáo viên chủ nhiệm, cô cũng phải đảm nhiệm thêm nhiều phần việc họp phụ huynh, hồ sơ sổ sách và phải mang việc về nhà làm. Lớp học rất đông, có khi là 42 - 46 em, rất nhiều trò học giỏi, dễ thương, nhưng nhiều trò cũng không tuân thủ nội quy…

“Có một kỷ niệm mà 10 năm rồi, tôi vẫn nhớ mãi. Năm ấy con trai tôi học lớp 1, trước ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11 một phụ huynh hỏi “chị chuẩn bị quà gì cho cô giáo chưa?”. Tôi cười đáp “em cũng chưa biết mua gì”. Chị ấy nói luôn “thôi chị cứ bỏ đại 200.000 vào phong bì, thí đi, cho khỏi phải mất thời gian suy nghĩ”. Có lẽ chị ấy không biết tôi là giáo viên nên vô tư nói. Còn tôi từ lúc ấy trên đường về, nước mắt cứ trào ra, chua xót quá. Có lẽ nhiều phụ huynh thấy nhà giáo nghèo quá, khổ quá, họ nghĩ là thí đại đồng nào cho thầy cô là thầy cô phải thấy quý rồi”, cô Châu rưng rưng.

“Tôi không dạy thêm, vì…”

Cô Châu đã kết hôn và có thêm một bé nữa, đang trong độ tuổi mầm non. Áp lực công việc nặng nề, gánh nặng cơm áo gạo tiền càng đè nặng hơn lên đôi vai. Nữ giáo viên đưa cho chúng tôi xem tin nhắn thông báo từ ngân hàng. Trải qua nhiều lần nâng bậc lương theo đúng quy định, có tính cả thâm niên 26 năm công tác thì tổng lương và phụ cấp tháng gần đây của cô là 11 triệu, lẻ vài trăm ngàn.

Cô Châu cho biết có một thực tế rằng khi lương, phụ cấp cho giáo viên không đủ sống, các thầy cô cũng sẽ phải xoay xở với các nghề tay trái, với dạy thêm, để đảm bảo cho cơm áo gạo tiền.

Cô Châu không dạy thêm vì quan điểm cá nhân rằng giáo viên trong trường dạy thêm có thể làm giảm đi uy tín, vị trí của người thầy trong lòng học sinh, phụ huynh, có thể phát sinh nhiều hệ lụy… Dù tất nhiên, nếu người thầy kiên quyết làm như vậy thì sẽ phải khó khăn, chật vật.

“Nhiều người hay bảo tôi “đã chê ít tiền thì đừng vào nghề”, nhưng tôi thấy chua xót quá. Như nhà văn Nam Cao viết trong Đời thừa mấy chục năm trước “nhà văn nghèo, nhà giáo khổ”. Có thực mới vực được đạo. Lương không đủ sống, thì giáo viên sống bằng gì, chăm sóc con cái, cha mẹ già ra sao? Nghề giáo là nghề cao quý, đào tạo ra trí thức, nhân tài, con người, tôi luôn mong ngân sách nhà nước cân đối để giáo viên cũng phải sống được với lương, phụ cấp. Lương, phụ cấp cho giáo viên cũng phải ngang bằng với các ngành nghề khác. Như vậy đời sống giáo viên được cải thiện để thầy cô yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý với công việc chuyên môn, để uy tín của người thầy được nâng cao”, cô Châu bộc bạch.

Yêu thích ngành ngôn ngữ, nhiều năm trở lại đây, cô Châu đã học tiếng Hàn Quốc và tới nay đã có thể nghe - nói thành thạo. Nữ giáo viên cho biết sau khi nghỉ việc cô sẽ tìm kiếm cơ hội đi học ở nước ngoài và chuyển nghề sang kinh doanh.

 
Theo Thúy Hằng
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây