Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Thu hút nghề giáo: Miễn học phí chưa đủ, cần cơ hội phát triển


Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, để thu hút người giỏi theo nghề sư phạm, chính sách miễn học phí, hỗ trợ sinh hoạt phí chỉ là điều kiện cần. Quan trọng là phải tạo cơ hội phát triển cho nhà giáo.
 
Thu hút

Tại hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai phương hướng nhiệm vụ năm học 2022-2023 do Bộ GD-ĐT tổ chức hôm nay 12.8, GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, đề xuất lên Bộ GD-ĐT và Chính phủ một số kiến nghị.

Người học cần được thấy cơ hội phát triển khi theo nghề sư phạm

Trong đó, GS Minh nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc triển khai đồng bộ Nghị định 116 mà Chính phủ ban hành từ tháng 9.2020.

Theo GS Minh, Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm là một chính sách ưu việt nhằm thu hút người giỏi theo học và phục vụ trong ngành sư phạm. Tuy nhiên, chính sách này chỉ là điều kiện cần, chứ chưa phải là điều kiện đủ.

“Điều kiện đủ là việc làm sau khi tốt nghiệp, chế độ chính sách, và cơ hội phát triển của đội ngũ giáo viên. Tôi nghĩ rằng đây là việc lớn mà tầm của Bộ GD-ĐT không giải quyết được”, GS Minh nêu ý kiến.

Từ đó, GS Minh đề xuất cần triển khai kịp thời và đồng bộ Nghị định 116 của Chính phủ, và có sự chỉ đạo của Chính phủ đối với các bên liên quan. Nếu chậm, trong vài năm nữa chúng ta sẽ gặp nguy cơ báo động về đội ngũ giáo viên.

Ngoài ra, khi góp ý cho báo cáo của Bộ GD-ĐT, GS Minh cũng đề cập Nghị định 116 như một minh chứng cho thấy báo cáo dài 34 trang này vừa thừa lại vừa thiếu.

Trong phương hướng, nhiệm vụ năm học, báo cáo có các thuật ngữ “tăng cường”, “nâng cao”, “đẩy mạnh”. Đó là những khái niệm nghe rất quen và rất khó định lượng. Vì vậy, nên chăng chọn một vài việc rất có tính chủ đạo trong một năm để chúng ta giải quyết, các điểm nghẽn còn tồn tại thì chúng ta có cách thức và giải pháp để triển khai.

Ví dụ, trong thực hiện chương trình mới, chúng ta tập trung đáp ứng độ ngũ giáo viên và làm tốt hơn nữa công tác bồi dưỡng để giáo viên họ làm tốt nhiệm vụ năm học, bắt đầu với việc thực hiện chương trình mới. Vậy thì nhiệm vụ của Bộ GD-ĐT là gì? Phối hợp với các bộ, ngành việc gì? Nhiệm vụ của các địa phương ra sao? Kiến nghị những gì với Chính phủ?


“Chẳng hạn thực hiện Nghị định 116, một mình Bộ GD-ĐT khó mà làm tốt nếu thiếu sự phối hợp các bộ, ngành khác, thiếu sự vào cuộc của các UBND tỉnh. Và lẽ ra việc này cần được đặt ra trong báo cáo của Bộ GD-ĐT, nhưng lại không có”, GS Minh bình luận.

Chưa có giải pháp căn cơ vực giáo dục ngành khó

Một kiến nghị khác mà GS Minh nêu lên là giải quyết vấn đề bình đẳng trong tiếp cận giáo dục của người dân các vùng miền khó khăn. Đây là vấn đề nâng cao dân trí chứ không đơn thuần là kết quả học tập, là điểm số, là bằng cấp, thi cử.

Quả là có việc nhiều nơi coi kết quả thi cử như là thước đo của phát triển giáo dục, nên chạy đua điểm số làm phân kỳ ý nghĩa chính đáng của giáo dục, từ đó tạo nên bệnh thành tích. Tuy nhiên, xét từ góc độ nhà làm chính sách thì cần xem kết quả học tập là một tham số.

Thực tế cho thấy, dù có nỗ lực, nhưng trong nhiều năm vừa qua kết quả thi tốt nghiệp THPT của các tỉnh miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên vẫn chưa được cải thiện mấy. Đây là một tham số cho thấy chúng ta chưa có giải pháp căn cơ và bền vững để vực lên tình hình giáo dục của các vùng này.

Đến lúc cần đặt việc kiên cố hoá trường học, nhà công vụ, chế độ đối với thầy cô, cả học sinh các vùng khó, như một tâm điểm cần đầu tư trọng điểm.

Trong điều kiện hiện tại, sự phân hoá giàu nghèo, việc lựa chọn môi trường công tác thuận lợi hơn, nên chăng cần có những giải pháp cụ thể hơn để có thể có đội ngũ giáo viên chất lượng, để phát triển giáo dục các vùng khó khăn.

 
Theo Quý Hiên - Tuệ Nguyễn
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây