Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Thoát khỏi 'lối mòn' khi chọn ngành học


Nhiều thí sinh hiểu lầm rằng muốn làm ngành nào thì phải chọn học đúng ngành đó. Trên thực tế, các em có thể chọn ngành học gần gũi về chuyên môn thì vẫn được cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng cần thiết cho công việc mong muốn.

Thoát khỏi 'lối mòn'


Ngày 5-3, ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại TP Cần Thơ đã thu hút hơn 15.000 học sinh, phụ huynh tham dự. Rất nhiều thắc mắc của học sinh đã được ban tư vấn giải đáp với nhiều lời khuyên giá trị về sự linh hoạt trong cách chọn ngành học, chọn nghề.

Chương trình do báo Tuổi Trẻ, Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ và Trường đại học Cần Thơ phối hợp tổ chức, với sự đồng hành của Tập đoàn Vingroup.

Diễn ra đồng thời với ngày hội tại Cần Thơ là buổi tư vấn dành cho học sinh miền Trung tại Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

* TS BÙI QUANG HÙNG (phó hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM):

Không nên bó buộc vào tên gọi

Nhiều thí sinh hiểu lầm rằng muốn làm ngành nào thì phải chọn học đúng ngành đó. Chẳng hạn, nếu muốn làm trong lĩnh vực kinh doanh quốc tế thì phải chọn học đúng ngành kinh doanh quốc tế. Tuy nhiên trên thực tế, các thí sinh có thể học những ngành gần với kinh doanh quốc tế như quản trị kinh doanh, tài chính... vẫn được cung cấp kiến thức, kỹ năng nền tảng cho công việc trên.

Hiện nay ngành kinh doanh quốc tế ở các trường đại học thường lấy điểm chuẩn tương đối cao. Nếu cảm thấy khó cạnh tranh nhưng vẫn muốn làm việc trong ngành này, bạn nên nghĩ đến phương án chọn học những "ngành gần". Dù theo hướng đi nào, bạn cũng cần trau dồi ngoại ngữ để có thể làm việc trong môi trường quốc tế.

* PGS.TS BÙI HOÀI THẮNG (trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia TP.HCM):

Muốn học "rộng" hay "hẹp"?

Đào tạo lĩnh vực công nghệ thông tin ở các trường đại học hiện có hai xu hướng - đào tạo theo "hướng rộng" hoặc theo "hướng hẹp". Theo "hướng hẹp", các trường thường chuyên sâu vào một ngành cụ thể trong lĩnh vực công nghệ thông tin như về phần mềm, mạng máy tính, an toàn thông tin...

Còn có hướng đào tạo "rộng". Ví dụ tại Trường ĐH Bách khoa, trong ngành khoa học máy tính, sinh viên cũng được học những mảng kiến thức về trí tuệ nhân tạo, hệ thống thông tin, phần mềm; ngành kỹ thuật máy tính cũng có học về an toàn thông tin, thiết kế thông tin, an ninh mạng. Người học có thể biết "mỗi thứ một ít" nhưng trên nhiều mảng. Sau khi tốt nghiệp, họ có thể tự học hỏi để đào sâu vào một mảng nhất định theo yêu cầu công việc.

Tùy vào nhu cầu và sở thích, người học có thể lựa chọn ngành học rộng hay sâu. Mỗi hướng đều có mặt mạnh, mặt hạn chế riêng. Mỗi học sinh sẽ có thể phù hợp với một hướng nhất định.

* Trung tá NGUYỄN TRUNG DŨNG (trợ lý tuyển sinh Trường Sĩ quan lục quân 2):

Đừng quên sơ tuyển

Hằng năm vẫn có một số thí sinh mong muốn xét tuyển vào các trường quân đội nhưng chỉ tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD-ĐT. Đây là sai sót mà các bạn cần hết sức lưu ý. Nên nhớ, thí sinh đăng ký xét tuyển vào đào tạo đại học, cao đẳng quân sự phải qua sơ tuyển, có đủ tiêu chuẩn quy định của Bộ Quốc phòng. 

Thanh niên ngoài quân đội sẽ sơ tuyển tại ban tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh. Thời gian sơ tuyển thường sẽ từ giữa tháng 3 đến giữa tháng 5.

Nhiều thí sinh cũng thường có những băn khoăn như trường hợp sức khỏe của em như vầy, trường hợp gia đình em như vầy thì có thể qua vòng sơ tuyển không. Tôi khuyên các em nếu có đam mê và mong muốn vào học các trường quân đội thì hãy cứ mạnh dạn đến ban tuyển sinh quân sự cấp quận huyện. Ở đây sẽ có đội ngũ kiểm tra, đánh giá riêng và cho quyết định cho từng trường hợp cụ thể.

 

Theo Trọng Nhân
Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây