Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Tân sinh viên có thể gặp bất ổn tâm lý khi vào đại học


Đối diện với những thay đổi về môi trường sinh hoạt và học tập ở đại học, tân sinh viên thường gặp phải không ít vấn đề tâm lý. Làm thế nào để vượt qua những 'khủng hoảng' này để học tập tốt?
 

Tân sinh viên có thể


Bỡ ngỡ, lo lắng, cô đơn

Thân Trọng Khôi (quê Quảng Ngãi) - sinh viên năm 2, Trường ĐH Bách Khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) - vẫn còn nhớ về những ngày đầu trở thành tân sinh viên. Môi trường học tập, sinh hoạt thay đổi, bạn bè mới lạ là những điều khiến Trọng Khôi cảm thấy bỡ ngỡ và lo lắng.

“Bạn bè lúc trước mỗi người mỗi nơi nên tình cảm cũng dần nhạt đi và không còn liên lạc thường xuyên. Bạn bè mới không thoải mái, cũng không thân thiết như các bạn ở quê. Những điều đó làm cho bản thân cảm thấy cô đơn, dẫn đến tâm lí bất ổn”, Khôi nói.

Là một sinh viên học xa nhà, khi đối diện với những bất ổn về mặt tâm lý, Trọng Khôi không biết chia sẻ cùng ai. Bạn đã chọn cách “giữ cho riêng mình” và “tập đối mặt, làm quen”. Thời điểm hiện tại, Trọng Khôi cho biết bản thân đôi lúc vẫn còn gặp phải khủng hoảng tâm lý.

Tương tự Trọng Khôi, Doãn Thị Tường Oanh (quê Long An) hiện đang là sinh viên năm 3, Trường ĐH Văn hóa TP.HCM chia sẻ khó khăn vào những ngày đầu nhập học là xa nhà, tự lập và tự sắp xếp cuộc sống mới. Tường Oanh đã khóc đến phát bệnh vì cảm thấy cô đơn trong lần đầu rời xa ba mẹ.

“Thời gian đó, mình gọi điện cho gia đình, gặp gỡ bạn bè cũ nhiều hơn để có thể quên đi cơn khủng hoảng tâm lý. Mình vẫn luôn tự nhủ rằng nếu không dần hòa nhập thì sẽ mãi yếu đuối như vậy”, Tường Oanh bày tỏ.

Võ Hiếu Kha, sinh viên năm 3, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH TP.HCM) nhớ lại mình đã rất tự tin vào năng lực bản thân trước khi bước vào giảng đường đại học.

Tuy nhiên, cảm giác tự ti và hoài nghi nhanh chóng ập đến với Hiếu Kha khi trượt liên tiếp 3 câu lạc bộ. Nam sinh cho biết thêm bản thân cảm thấy môi trường đại học áp lực khiến bạn gặp phải khủng hoảng tâm lý nghiêm trọng.

“Những lúc như vậy, mình chỉ biết tìm một góc riêng tư để khóc và không muốn chia sẻ cho ai. Mình thật sự không chịu được sự cô đơn một mình ở môi trường mới”, Hiếu Kha bộc bạch.

Làm thế nào để vượt qua?

Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM đã ra mắt Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần nhằm góp phần tháo gỡ các vấn đề tâm lý cho hơn 37.000 sinh viên nội trú tại đây.

Anh Đinh Huỳnh Đức - Chuyên viên tham vấn tâm lý, Phòng Hỗ trợ sức khỏe tinh thần Trung tâm Quản lý Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM cho rằng các vấn đề tâm lý tân sinh viên gặp phải liên quan đến căng thẳng học tập, rối loạn trầm cảm, rối loạn lo âu, áp lực công việc hoặc tình cảm lứa đôi.

“Đặc điểm tâm lý ở lứa tuổi này thường chưa ổn định nên các bạn dễ rơi vào trạng thái khó cân bằng cảm xúc và chưa có các cách ứng phó thích hợp với căng thẳng, áp lực” - anh nói.

Theo anh Huỳnh Đức, để ứng phó với cơn khủng hoảng tâm lý, tân sinh viên phải chấp nhận được vấn đề mà mình đang gặp phải, tự xây dựng và học hỏi cho mình các cách ứng phó tích cực hơn như thiền, yoga, chạy bộ.

“Trong trường hợp cần thiết, các bạn đừng ngại chia sẻ vấn đề của mình với bạn bè hay người thân hay cố né tránh, dồn nén những cảm xúc tiêu cực vào bên trong. Nếu cảm thấy bản thân không thể tự ứng phó được hãy tìm đến một chuyên gia tâm lý để được hỗ trợ kịp thời” - anh cho biết thêm.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Văn Tường - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ Sức khỏe tinh thần, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM) nhận định giải pháp hiệu quả để tân sinh viên vượt qua khủng hoảng tâm lý là hiểu đúng về khủng hoảng, áp lực và căng thẳng.

Cùng với điều đó, tân sinh viên cần hiểu hơn về chính mình, biết được điểm mạnh, hạn chế của bản thân.

Xây dựng thời gian biểu hợp lý

TS Nguyễn Văn Tường cũng đưa ra một số phương pháp cụ thể giúp tân sinh viên vượt qua khủng hoảng tâm lý như xây dựng thời gian biểu hợp lý giữa học tập và sinh hoạt, đọc sách, nghe nhạc, tham gia các hoạt động xã hội, thiện nguyện.

“Tân sinh viên hãy chủ động tìm kiếm sự hỗ trợ từ các chuyên viên tham vấn tâm lý khi cảm thấy bản thân mình đã cố gắng nhưng vẫn chưa giải quyết được vấn đề. Việc chủ động phản biện lại những thói quen trong suy nghĩ chính là chìa khóa để khám phá những khía cạnh mới của bản thân”, TS Tường nhắn nhủ.

 

Theo Lý Sương
Tuổi trẻ

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây