Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Những rào cản trong rèn luyện phẩm chất trung thực cho học sinh


Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với mục tiêu hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực học sinh, với 5 phẩm chất chủ yếu là: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực và trách nhiệm. Trong đó, trung thực phải được coi là nền tảng.
 
Những rào

Coi trọng thành tích học tập hơn đạo đức, kỹ năng

Trước hết, ở nhà trường, chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy cũng như kiểm tra, đánh giá học sinh (HS) mấy chục năm qua coi trọng kiến thức, kỹ năng, coi trọng thành tích học tập mà xem nhẹ đạo đức, lối sống và kỹ năng sống.

Một HS xếp học lực giỏi, đồng nghĩa với xếp loại hạnh kiểm tốt. Ngược lại, HS xếp loại học lực yếu, khó có thể là hạnh kiểm tốt. Giảng dạy của giáo viên (GV) chú trọng đến cung cấp kiến thức, chưa coi trọng phát triển kỹ năng và thái độ (mặc dù giáo án của GV có đặt ra). Một số nhà trường quá chú trọng thành tích thi cử, nên công tác dạy và học coi trọng những môn học liên quan thi tốt nghiệp và tuyển sinh ĐH, không chú trọng đến các môn học khác. Một số GV, do dạy thêm nên có khi không công bằng trong kiểm tra, đánh giá giữa HS có học thêm và không học thêm.

Về phía gia đình, nhiều bậc cha mẹ coi trọng thành tích học tập, điểm số, từ đó gây áp lực cho con em. Những năm gần đây, đã có chuyển biến tích cực trong nhận thức của phụ huynh là mong muốn con em học tập, vui chơi, rèn luyện và trải nghiệm nhằm phát triển toàn diện, nhưng đa số vẫn mong muốn con học giỏi. Khi con em bị điểm thấp, cha mẹ có hành vi la mắng, so sánh với bạn khác... dẫn đến con nhụt chí, nói dối, điểm cao thì khoe, điểm thấp thì giấu. Thậm chí có phụ huynh xin điểm, chạy điểm, cho con học thêm với thầy để được điểm cao.

Về phía xã hội, hiện nay vẫn còn nhiều hiện tượng không trung thực trong cuộc sống. Trong tuyển dụng công chức, viên chức có nơi chưa chú trọng đến năng lực, đạo đức mà chú trọng đến bằng cấp, chứng chỉ, thậm chí nảy sinh tiêu cực, vi phạm pháp luật trong tuyển dụng. Địa phương, đơn vị báo cáo, đánh giá không trung thực, thổi phồng thành tích, chạy thi đua, chạy khen thưởng.

Giải pháp hình thành phẩm chất trung thực cho học sinh

Về phía xã hội, xây dựng một xã hội công bằng, văn minh, trung thực, coi trọng lòng tự trọng của cá nhân. Những hành vi gian dối, lừa đảo, làm ảnh hưởng đời sống của người dân, của đất nước, cần được lên án mạnh mẽ và pháp luật trừng trị nghiêm minh. Xã hội cũng trân trọng, tuyên dương những người dân có hành động trung thực, biết lên án, tố cáo những hành vi gian dối, không trung thực. Việc tuyển người vào công chức, viên chức chú trọng đến năng lực, đạo đức; học viên, sinh viên đã từng có hành vi gian dối cần bị trừ điểm hoặc không tuyển dụng.

Bộ GD-ĐT và các cơ quan quản lý giáo dục coi trọng tính trung thực trong tất cả các khâu điều hành, chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá, thi cử, kiểm định chất lượng và thi đua khen thưởng. Yêu cầu các trường học, địa phương báo cáo trung thực, chính xác, không che giấu yếu kém hay thổi phồng thành tích. Việc ra đề thi của Bộ phải được chuẩn hóa, tránh tình trạng năm dễ, năm khó, ra đề thi nhằm đánh giá người học so với mục tiêu của chương trình giáo dục.

Về phía nhà trường, công tác quản lý, tổ chức dạy và học cần công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình cho xã hội về chất lượng giáo dục. Thực hiện dân chủ trong nhà trường. Việc học của HS không chỉ để thi, để trở thành chuyên gia hay có vị trí nào đó trong xã hội, mà trước hết là để thành người và qua đó góp phần vào sự phát triển của từng cá nhân, cộng đồng và của toàn xã hội...

Đội ngũ nhà giáo là lực lượng chủ yếu quyết định chất lượng giáo dục, do đó, thầy cô không ngừng học tập nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức và phẩm chất nhà giáo; công bằng trong kiểm tra, đánh giá; việc dạy thêm đúng quy định của nhà nước và “dạy thêm có lương tâm”, dạy thêm vì sự tiến bộ của HS, chứ không dạy thêm chỉ vì cung cấp kiến thức, vì giải đề và gợi mở đề kiểm tra trên lớp. Thầy cô nêu gương về trung thực, đạo đức, tự học và sáng tạo.

Cha mẹ HS cần chú trọng phát triển toàn diện HS, cùng với nhà trường phát hiện những khả năng, năng khiếu của con em để phát huy, đồng thời phát hiện những lệch lạc, những chỗ còn yếu về kiến thức, về phẩm chất để giúp đỡ con em tiến bộ; rèn luyện tính trung thực cho con em trong cuộc sống ở gia đình và trong học tập.

Về phía HS, không chỉ học, tìm hiểu về trung thực mà cần thực hành tính trung thực trong học tập và trong cuộc sống ở gia đình, nhà trường và xã hội; thực hiện đầy đủ yêu cầu cần đạt về phẩm chất trung thực được quy định trong chương trình giáo dục.

Điều quan trọng đối với mỗi HS đó là tính trung thực phải kết hợp với sự hiểu biết, có kiến thức, kỹ năng, năng lực vận dụng kiến thức vào học tập và cuộc sống thì trung thực mới không yếu ớt và vô dụng, trung thực khi đó sẽ góp phần khẳng định bản thân.

 
Theo Hồ Sỹ Anh
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây