Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Những lưu ý đặc biệt trước ngày thi lớp 10 tại Hà Nội


Những lưu ý về khâu coi thi, quá trình làm bài thi của thí sinh được các cơ quan chức năng nhấn mạnh trước ngày thi vào lớp 10 ở Hà Nội.
 
Luu y

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2022 - 2023 trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn ra trong các ngày 18 và 19.6, với gần 107.000 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, trong khi chỉ tiêu vào trường công lập hơn 69.000 em. Vì vậy khâu coi thi được ngành GD-ĐT Hà Nội đặc biệt chú trọng.

Lường trước các tình huống gian lận

Tại hội nghị hướng dẫn công tác coi thi do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức ngày 15.6, thượng tá Nguyễn Quốc Hùng, Phó trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ (PA03), Công an TP.Hà Nội, lưu ý các thiết bị hỗ trợ gian lận thi cử năm nay có kích thước rất nhỏ, có thể được ngụy trang dưới nhiều hình thức. Ngoài việc nhắc nhở, kiểm tra các vật dụng TS đem vào phòng thi, cán bộ coi thi cần bao quát các biểu hiện của TS trong suốt quá trình làm bài thi, nhất là trong lúc phát đề thi...

“Cũng như các năm trước đây, chúng tôi phát hiện rất nhiều trường hợp sử dụng thiết bị tai nghe siêu nhỏ, thậm chí bằng hạt đậu, được đặt ở phần trong tai của TS và kết nối với một thiết bị dùng thẻ sim ở ngoài để gọi vào”, ông Hùng nói. Ông Hùng cũng lưu ý thêm về các loại camera như cúc áo, gắn ở khẩu trang, kính, dây lưng...

Năm nay, áp dụng quy chế và hướng dẫn thi tốt nghiệp THPT, các điểm thi vào lớp 10 cũng có thêm một phần việc là bố trí địa điểm an toàn, cách phòng thi tối thiểu 25 m để bảo quản vật dụng, tư trang của TS và các tài liệu, vật dụng bị cấm mang vào phòng thi. Đây là quy định mới của Bộ GD-ĐT nhằm tăng cường bảo đảm an toàn cho kỳ thi, hạn chế nguy cơ gian lận bằng thiết bị hiện đại. Thông tin từ các điểm thi cho biết căn cứ điều kiện thực tế, các điểm thi đều có phương án linh hoạt và bảo đảm quy chế.

Thí sinh phải đeo khẩu trang trong phòng thi

Sở GD-ĐT và Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản hướng dẫn liên ngành về đảm bảo phòng dịch Covid-19 trong kỳ thi này. Theo đó, TS phải đeo khẩu trang khi đến điểm thi, trên đường từ điểm thi về nhà và nơi tập trung TS. Trước khi vào phòng thi, TS phải gỡ khẩu trang để cán bộ coi thi kiểm tra, sau đó đeo khẩu trang vào phòng thi và trong suốt thời gian làm bài thi.

TS thuộc diện ca bệnh nghi ngờ nếu bảo đảm đủ sức khỏe được bố trí thi tại phòng thi riêng. Đối với ca bệnh F0 đang điều trị nếu có nguyện vọng tham dự kỳ thi cũng được bố trí tại phòng thi riêng.

Giám đốc Sở GD-ĐT Trần Thế Cương yêu cầu ngoài việc triển khai quy chế và các quy định liên quan cho cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh, xây dựng phương án phòng, chống dịch Covid-19, các trưởng điểm thi lưu ý xây dựng kế hoạch coi thi cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ người, rõ việc, kiểm soát, xử lý tốt các tình huống, tạo thuận lợi tối đa cho TS và bảo đảm đúng quy chế.

Lời khuyên của các giáo viên

Ông Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Q.Đống Đa), nhắc nhở: Học sinh phải mang theo giấy báo dự thi, thẻ học sinh hoặc thẻ căn cước, đầy đủ đồ dùng học tập. Bút viết bài nên mua khoảng 5 - 6 chiếc cùng loại, compa, thước kẻ, bút chì, máy tính bỏ túi… Đặc biệt là bút chì dùng để tô trắc nghiệm nên chọn loại 2B. Nên mua 1 - 2 cục tẩy mới. Khi đi tập trung và đi thi, gia đình nên đưa các con đi đề phòng những bất trắc có thể xảy ra mà học sinh không giải quyết được.

Về cách làm bài thi môn ngữ văn, bà Phạm Thu Trang, Tổ trưởng bộ môn này của Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Q.Ba Đình), chia sẻ TS phải đọc kỹ và phân tích đề trước khi làm bài. Câu nào dễ các em làm trước. Gạch chân vào những từ ngữ quan trọng, ghi đáp án bằng từ khóa lên trên phần gạch chân ở đề bài và phải sử dụng giấy nháp ở bài thi. Dù là câu hỏi dễ về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác cũng phải ghi từ khóa lên trên phần câu hỏi của đề để tránh nhầm lẫn.

Trong quá trình làm bài, nếu sai ý nào đó, tuyệt đối không được dùng bút xóa, nếu sai vài từ nên dùng thước kẻ gạch chéo dòng chữ, dùng dấu ngoặc đơn gạch sát vào chữ. Sai vài câu liền, TS nên dùng dấu ngoặc đơn, sổ thẳng bên lề giấy thi, ghi “bỏ”. Khi làm bài xong, TS nên kiểm tra lại toàn bộ bài, từng câu để không bị sót câu chữ.

Bài thi thường có 2 phần, mỗi phần không quá chênh lệch về thời gian để tránh hiện tượng “đầu voi đuôi chuột”. Trong đó lưu ý mỗi đoạn văn nghị luận văn học hay nghị luận xã hội TS phải dành khoảng 25 - 30 phút cho từng đoạn.


 
Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây