Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Nhà tuyển dụng 'đau đầu' với sinh viên vừa tốt nghiệp


Gửi hồ sơ qua email thì không có đầu cuối, khi được hẹn phỏng vấn thì không đến hoặc... ngủ quên mà không báo lại, được nhận vào làm việc thì thường xuyên đi trễ, phật ý một chút là... nghỉ việc.

Những vấn đề này của sinh viên khiến các nhà tuyển dụng đau đầu.

Hẹn phỏng vấn 10 người chỉ tới 1

Bà Thu Thùy, Phó giám đốc nhân sự Công ty Emaar Land, cho biết: “Rất nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, khi được nhận vào làm việc thì thường xuyên đi trễ, không tuân thủ giờ giấc, giao tiếp còn rất hạn chế, thái độ với công việc thiếu nghiêm túc. Có thể kiến thức chuyên môn các em đã tốt, nhưng tác phong công nghiệp và tính kỷ luật thì còn rất thiếu và yếu”.

Bà Thùy kể có những lần hẹn phỏng vấn, đợi mãi không thấy ứng viên tới. Khi liên lạc lại thì cũng không nghe máy mặc dù trước đó đã thống nhất giờ giấc. Có khi ứng viên... ngủ quên nên thấy quá giờ là bỏ luôn, cũng không báo lại cho doanh nghiệp biết.

Bà Ngô Thị Phương Hoa, quản lý hành chính nhân sự tại Công ty Ojitex Việt Nam, cho hay không ít sinh viên mới tốt nghiệp tự tin thái quá, cho là mình làm việc ở đâu cũng được nên hẹn mà bỏ ngang, đi làm thì hay trễ, hoặc không hài lòng một chút là nghỉ việc.

Cũng “than phiền” về vấn đề này, ông Cao Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty ô tô Thanh Phong, kể: “Chúng tôi cho sinh viên năm cuối lựa chọn giờ thực tập, nhưng nhiều em thường xuyên nghỉ, không tuân thủ theo lịch do chính mình lập ra. Tôi đánh giá như vậy là thiếu kỷ luật, thiếu nghiêm túc và trách nhiệm”.

Là một người từng làm công việc tuyển dụng nhân sự cho Trung tâm ngoại ngữ Anh Mỹ Úc, ông Nguyễn Đông Huy (hiện là giảng viên Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng) cho hay: “Có hôm tôi hẹn 10 bạn tới phỏng vấn, giờ giấc hai bên đã thống nhất nhưng đợi nguyên ngày chỉ duy nhất 1 bạn tới. Gọi điện các bạn còn lại cũng không ai nghe máy”.

Nhiều nhà tuyển dụng lắc đầu ngao ngán khi nhận được email ứng tuyển chỉ vỏn vẹn một dòng: “Gửi anh chị hồ sơ nhé”, hoặc “Em nộp hồ sơ, khi nào phỏng vấn vậy”...

Nhà tuyển dụng


Mọi thứ quá dễ dàng với Gen Z ?

Lý giải về những “hiện tượng” trên, thạc sĩ Đặng Kiên Cường, Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Thế hệ Z là thế hệ đầu tiên được sinh ra khi internet trở nên phổ biến. Hầu hết các thành viên thuộc thế hệ Z từ nhỏ đều được tiếp xúc, sử dụng công nghệ và các phương tiện truyền thông xã hội như Facebook, Google, YouTube, Instagram… Chính vì vậy, các em có thể sử dụng và tìm kiếm thông tin nhanh chóng, không tốn nhiều công sức. Những điều này đã ảnh hưởng phần nào đến định hướng nghề nghiệp cũng như xác định việc làm của công dân thế hệ Z”.

Theo thạc sĩ Cường, so với các thế hệ trước, thế hệ Gen Z có nhiều cơ hội việc làm hơn hẳn do đất nước phát triển và hội nhập nên chuyện không làm chỗ này thì làm chỗ khác đã khiến sinh viên mới tốt nghiệp có thể xem nhẹ các cuộc hẹn phỏng vấn tuyển dụng nếu như cảm thấy không có hứng thú.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tư vấn tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, cũng cho rằng khi cơ hội việc làm quá dễ dàng, ứng viên Gen Z sẽ ít trân trọng hơn. “Thế hệ trước được mời phỏng vấn là mất ngủ mấy hôm, lo lắng hồi hộp. Tới ngày hẹn là dậy sớm chuẩn bị, chỉ sợ nếu đến trễ hay không thể hiện tốt với nhà tuyển dụng là sẽ vuột mất cơ hội việc làm. Ngày nay mọi thứ dễ dàng nên các em cũng rất thoải mái. Hơn nữa, các em sống trong môi trường mà đa số đều được ba mẹ chiều chuộng từ nhỏ, ít phải làm việc nhà, ít gặp khó khăn, từ đó hình thành thói quen chưa được tích cực về thái độ và trách nhiệm với người khác, với chuyện học hành, công việc”, thạc sĩ Vũ nhận định.

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây