Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Năm nay, lịch sử còn là môn có điểm thi thấp nhất?


Qua đề thi môn lịch sử kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, nhiều giáo viên nhận định không quá khó, học sinh đạt điểm 6, 7 là dễ dàng nên hy vọng môn lịch sử không còn là môn điểm thấp nhất trong kỳ thi năm nay.
 
Năm nay

Dễ đạt từ 5 - 7,5 điểm môn sử

Về nội dung, đề thi gồm phần lịch sử thế giới hiện đại từ năm 1945 đến nay và lịch sử Việt Nam từ năm 1919 đến nay. Tất cả đều nằm trong chương trình, sách giáo khoa lịch sử lớp 12, câu hỏi không đánh đố học sinh (HS), không quá khó kể cả câu hỏi vận dụng từ câu 31 đến 40.

Cấu trúc đề thi rất cụ thể, ma trận gồm 4 mức độ: nhận biết 20 câu (50%); thông hiểu 10 câu (25%); vận dụng thấp 5 câu (12,5%); vận dụng cao 5 câu (12,5%). Từ câu 1 đến 30 (nhận biết và thông hiểu), HS xác định đúng từ khóa, thời gian, quốc gia, khu vực thì hoàn toàn đạt từ 7 đến 7,5 điểm. Nhưng từ câu 31 đến 40 cần phải suy luận và đọc kỹ thì HS mới có thể làm được vì đòi hỏi phải hiểu bản chất sự kiện lịch sử.

Ví dụ: Mã đề 323, câu 31: Nội dung nào sau đây phản ánh đúng ý nghĩa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968? A. Chuyển cách mạng miền Nam từ thế giữ gìn lực lượng sang thế tiến công. B. Buộc Mỹ phải quay lại đàm phán ở Paris để bàn về việc chấm dứt chiến tranh. C. Chứng tỏ lực lượng vũ trang phát triển vượt bậc thay thế lực lượng chính trị. D. Mở ra khả năng sớm kết thúc chiến tranh thông qua con đường đàm phán. Đáp án đúng là B.

Dạng câu hỏi này đòi hỏi các em phải hiểu được ý nghĩa của sự kiện mới có thể làm được, vì cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, mặc dù có những tổn thất nhưng mang ý nghĩa to lớn, yêu cầu HS hiểu mới làm được.

Nhìn chung đề sử năm 2022, HS trung bình, khá làm được từ 5 - 7,5 điểm là dễ dàng nhưng ít HS đạt điểm 10 vì từ câu 31 đến 40 là khó, dùng để phân loại HS chiếm 25% (2,5 điểm). Việc thầy cô nhận định mức độ đề khó dễ chỉ có tính tương đối vì đôi khi câu dễ với em này lại khó với em khác và theo thầy cô là dễ nhưng lại khó với HS. Như vậy dễ hay khó chỉ là đánh giá tương đối, nó tùy thuộc vào năng lực nhận thức lịch sử từng em khác nhau.

Giáo dục công dân còn “mưa điểm 10” ?

Theo nhận xét của thầy cô và thí sinh (TS), đề thi môn giáo dục công dân được cho là “nhẹ” nhất trong tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2022.

Về đề thi năm nay, ma trận đề cũng đảm bảo 4 cấp độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp, vận dụng cao. Với mã đề 302, từ câu 81 đến 110 (30 câu) là dạng câu hỏi về nhận biết và thông hiểu với những kiến thức cơ bản về pháp luật, những quy định của pháp luật, những quyền và nghĩa vụ của công dân theo quy định của pháp luật. Phần này TS dễ dàng đạt được số điểm tối đa từ 8 - 8,5 điểm. Vì là những kiến thức cơ bản trong chương trình, sách giáo khoa và các em nhận biết, trải nghiệm được qua cuộc sống thực tế hằng ngày.

Nhưng từ câu 111 đến 120 (10 câu), là câu hỏi vận dụng kiến thức hiểu biết về pháp luật để “phán quyết” những ai phải chịu trách nhiệm cho những hành vi mình gây ra theo quy định của pháp luật. Câu hỏi dạng tình huống đề thi môn giáo dục công dân năm nay rắc rối, phức tạp khiến TS dễ nhầm giữa việc chọn đáp án. Ví dụ câu 119 “…vừa phải chịu trách nhiệm dân sự vừa phải chịu trách nhiệm kỷ luật” hay câu 116 “…vừa bị khiếu nại vừa bị tố cáo” hoặc câu 118 “…vừa vi phạm quyền bảo hộ về danh dự, nhân phẩm, tính mạng, sức khỏe. Tuy nhiên thầy cô dạy môn giáo dục công dân cho rằng câu hỏi tình huống trong đề năm nay với nhiều câu hỏi (câu 116 đến 119) có “đoạn văn” dài từ 9 đến 11 dòng, gây rối cho TS và tên nhân vật lại viết tắt nên TS có thể khó nhớ dẫn đến nhầm giữa người này với người khác.

Cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT môn giáo dục công dân có những câu hỏi tình huống như nói trên đã phân loại được TS, vậy nên TS khó làm đúng trọn vẹn, “mưa điểm 10” là không còn.

Năm 2021, điểm trung bình môn lịch sử thấp nhất trong các môn thi

Phân tích ma trận đề thi tốt nghiệp THPT của tất cả môn thi năm 2021 cho thấy, đề thi môn lịch sử gồm 50% câu hỏi nhận biết, 25% câu thông hiểu, 17,5% câu vận dụng và 7,5% câu vận dụng cao (tỷ lệ câu hỏi vận dụng cao thấp nhất trong các môn thi). Như vậy, đề thi lịch sử không phải khó, nếu có học vẫn đạt điểm cao, bằng chứng là đã có hàng chục ngàn TS đạt điểm 9 trở lên, trong đó có 266 điểm 10. Tuy nhiên, điểm trung bình môn lịch sử là 4,97 (thấp nhất trong các môn thi), số TS bị điểm liệt là 540 (nhiều nhất trong các môn thi).

Năm 2021, môn giáo dục công dân phổ điểm hình chuông có đỉnh lệch phải lớn nhất (có 71,5% điểm giỏi), nên đề thi môn này là dễ nhất. Đề thi môn giáo dục công dân năm 2021 với tỷ lệ câu hỏi (nhận biết 30%, thông hiểu 30%,vận dụng 20%, vận dụng cao 20%), nhiều câu hỏi vận dụng tình huống thực tế, phù hợp với đổi mới dạy, học môn này ở trường nên TS làm bài tốt, điểm cao là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, 71,5% HS đạt điểm giỏi, dẫn đến không có tính phân hóa.

Đề thi tiếng Anh: “Chuyện nhỏ” so với thi học kỳ

Nhiều TS tại điểm thi Trường THPT Colette (TP.HCM) vui mừng vì đề thi tiếng Anh “dễ thở”. Trong đó, những TS đến từ Trường THPT Lê Quý Đôn còn cho rằng đề thi học kỳ của trường mình có nhiều câu khó hơn. Nguyễn Vũ Hải (Trường THPT Lê Quý Đôn) nói bản thân mình không xét tổ hợp môn có môn tiếng Anh nhưng vẫn có thể kiếm được 7 - 8 điểm do đề tốt nghiệp là “chuyện nhỏ” so với đề thi học kỳ 2.

Lê Thị Mỹ Hoa, TS đến từ Trường THPT Lê Thị Hồng Gấm, cũng nhận định đề rất vừa sức, chỉ có một vài câu khó xen kẽ chứ không tập trung ở những câu cuối như mọi năm.

Thạc sĩ Châu Thế Hữu, giảng viên Trường ĐH Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM, cho rằng đề thi tiếng Anh năm nay tương đối hài hòa với TS có học lực từ mức trung bình đến khá. Mặc dù đề thi có vài câu khó, bẫy nằm rải rác ở các phần như từ vựng, nhận diện lỗi sai… nhằm phân loại TS giỏi, nhưng TS làm những câu này có thể vượt qua được nhờ vào suy luận, phán đoán, chứ không nhất thiết phải nắm tường tận mọi từ vựng trong câu. Số TS đạt điểm từ 8 trở lên có thể vẫn cao, đặc biệt là các bạn thường xuyên trau dồi kỹ năng làm bài và tư duy suy luận.

“Về ngữ pháp, cấu trúc câu, đề thi có khá nhiều câu hỏi về “thì”, các thể của động từ, câu hỏi đuôi, mệnh đề quan hệ, câu điều kiện… Đây là những điểm ngữ pháp cơ bản mà TS đã được học và thành thục nên TS có học lực trung bình khá vẫn có thể vượt qua khá dễ dàng”, thạc sĩ Hữu nhận định.

Về từ vựng, theo thạc sĩ Hữu, lượng từ được kiểm tra khá phong phú, bao gồm cả các thành ngữ hoặc các cụm từ kết hợp ở nhiều chủ điểm khác nhau. Nhiều câu được thiết kế theo hướng gợi mở suy luận cho người làm bài, chỉ cần chú ý đọc kỹ, phân tích ngữ cảnh, loại suy các lựa chọn thì xác suất lựa chọn đúng cũng tăng lên đáng kể.
Mỹ Quyên
Nguyễn Văn Lực
(Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa)
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây