Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Hà Nội chật vật giảm sĩ số học sinh


Năm nào Hà Nội cũng nêu quyết tâm giảm sĩ số học sinh (HS)/lớp nhưng rồi năm nào cũng không thể thực hiện trong cơn lốc đô thị hóa.
 
Hà Nội

Năm nay, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Chu Ngọc Anh đã ký ban hành Chỉ thị số 08/CT-UBND về việc tăng cường chỉ đạo công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 năm học 2022 - 2023 trên địa bàn thành phố, trong đó yêu cầu không để xảy ra quá tải ở các trường; tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục; giảm số HS trái tuyến; giảm số HS/lớp; tăng số HS được học 2 buổi/ngày.

Xây nhà “quên” làm trường

Theo quy định, sĩ số HS tối đa đối với trường tiểu học là 35 HS/lớp; với trường THCS là 45 HS/lớp. Nhiều năm nay, trước mỗi mùa tuyển sinh, lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội đều yêu cầu các đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh đầu cấp, giãn dần số HS/lớp ở những nơi quá tải, bảo đảm theo đúng Điều lệ trường học.

Tuy nhiên, theo Sở GD-ĐT Hà Nội, hiện tỷ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học là 39,3, cấp THCS là 39,1 và ở cấp THPT là 40,7. Riêng với lớp 1, khối lớp mong muốn giảm sĩ số nhất để có thể quan tâm tới từng HS, nhưng toàn Hà Nội có khoảng 1.000 lớp có sĩ số 55 HS/lớp và khoảng 2.000 lớp có sĩ số khoảng 50 HS/lớp.

Ở mỗi địa bàn, tỷ lệ HS/lớp có sự khác biệt, đặc biệt là các trường tại các quận trung tâm, nơi có mật độ dân cư cao hiện nay, đều đang phải chịu áp lực rất lớn từ số lượng HS trên mỗi lớp. Nhiều lớp học có tới trên dưới 60 HS/lớp, vượt xa con số quy định. Đơn cử, cấp tiểu học ở các quận có tỷ lệ bình quân HS/lớp là 42, còn tỷ lệ này ở các huyện, thị xã là 38.

Một số quận có tỷ lệ bình quân HS/lớp ở cấp tiểu học cao hơn mức trung bình của toàn thành phố, như: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân… Đáng chú ý, các trường tiểu học công lập ở Q.Thanh Xuân và Q.Cầu Giấy có tỷ lệ bình quân hơn 50 HS/lớp.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hà Đông, cho biết nhiều năm nay, quận chịu áp lực căng thẳng về tuyển sinh ở khu đô thị mới đông dân cư nhưng không có trường học. Ví dụ như Khu đô thị Thanh Hà, theo phân tuyến tuyển sinh là thuộc H.Thanh Oai nhưng do không có trường học nên trẻ “tràn” sang Q.Hà Đông. “Trong kế hoạch, phải đảm bảo 100% trẻ 6 tuổi được vào lớp 1 nên có nơi, trường học phải nhận hơn 55 em/lớp, điều này gây khó cho giáo viên lẫn HS”, bà Hằng chia sẻ.

Thanh Trì là huyện ngoại thành Hà Nội nhưng những năm gần đây, một số khu vực xây chung cư cao tầng, không có trường học dẫn đến áp lực tuyển sinh dồn lên các trường lân cận. Ông Phạm Văn Ngát, Trưởng phòng GD-ĐT huyện này, cho biết thực tế bất cập là Khu đô thị Đại Thanh đưa vào hoạt động nhiều năm nay nhưng không có bất cứ trường mầm non, tiểu học nào, bắt buộc HS đổ dồn về các trường xung quanh, có nơi phải xếp 60 em/lớp.

“Năm học 2022 - 2023 huyện xây mới, sửa chữa thêm một số trường học, cố gắng giảm sĩ số HS. Về lâu dài, muốn giải bài toán giảm sĩ số, bắt buộc phải quy hoạch trường học ở các khu đô thị mới”, ông Ngát nói.

Không thể cắt giảm một cách cơ học

Tuy nhiên, thực tế cho thấy nơi nào quyết tâm thực hiện thì vẫn có thể giảm được sĩ số HS/lớp đều đặn theo từng năm. Các trường học ở địa bàn trung tâm nhất của Hà Nội là Q.Hoàn Kiếm đã chứng minh được điều này.

Bà Vương Hương Giang, Trưởng phòng GD-ĐT Q.Hoàn Kiếm, chia sẻ: “Cách đây 3, 4 năm, các trường tại Q.Hoàn Kiếm có sĩ số trung bình khoảng 50 - 55 em/lớp, nhưng với quyết tâm chuẩn hóa sĩ số HS, từ năm học 2019 - 2020, các trường tiểu học trên địa bàn quận đã giảm còn 40 HS/lớp, trường THCS giảm còn 45 HS/lớp. Năm 2020 - 2021, con số này tiếp tục giảm, đạt đúng theo quy định là không quá 35 HS/lớp tiểu học, không quá 45 HS/lớp THCS. Hiện 100% các trường học trên địa bàn quận, gồm 13 trường tiểu học và 7 trường THCS, đều bảo đảm đạt chuẩn về số lớp và số HS trên lớp”.

Theo bà Giang, khi thực hiện chuẩn hóa sĩ số, không thể cắt giảm một cách cơ học số HS trên mỗi lớp. Để giải bài toán sĩ số HS đông, cần cân nhắc, tính toán phù hợp với các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, theo lộ trình hợp lý. Ngoài ra, để tránh quá tải cục bộ ở một số trường “điểm”, cần đầu tư về cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên đồng đều ở nhiều trường trên địa bàn quận, để đảm bảo mặt bằng chung về chất lượng; kiên quyết hạn chế nhận HS trái tuyến để tránh hiện tượng “đổ xô” vào một số trường nào đó.

Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, quy hoạch mạng lưới trường học đang được cập nhật vào Quy hoạch chung của thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó trường mầm non, tiểu học, THCS đã được phân bố đủ 597 xã, phường, thị trấn.

Tuy nhiên, thực tế vẫn còn một số phường trong các quận nội thành thiếu trường công lập do hết quỹ đất, một số phường có trường nhưng không đủ chỗ học cho HS đúng tuyến trên địa bàn do dân số cơ học tăng nhanh.

Theo ông Phạm Xuân Tiến, Phó giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội, việc giảm số HS/lớp là mong muốn từ nhiều năm nay của ngành GD-ĐT Hà Nội nhưng thực hiện gặp nhiều khó khăn vì thành phố có tốc độ tăng dân số nhanh, số trường xây mới nhiều nhưng không theo kịp.

Ông Tiến cho rằng, việc giảm sĩ số HS/lớp được thực hiện theo lộ trình cùng với tăng cường đầu tư xây dựng trường, lớp học; đặc biệt, cần ưu tiên nơi đông dân cư, lưu ý đến những nơi thường có số HS học trái tuyến cao; tổ chức phân tuyến tuyển sinh phù hợp để hạn chế hiện tượng chênh lệch quy mô HS giữa các trường.

 

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây