Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Dạy tin học nhưng thiếu trầm trọng cả giáo viên lẫn máy tính


Trở thành môn bắt buộc với lớp 3 từ năm nay, nhưng so với tiếng Anh thì môn tin học còn 'bi đát' hơn khi thiếu trầm trọng cả giáo viên lẫn máy tính.

Số thiếu lớn hơn số hiện có

Theo Bộ GD-ĐT, hai điều kiện tối thiểu, tiên quyết để dạy học tin học là giáo viên (GV) và máy tính, thì cả nước đang thiếu ở mức báo động, một số địa phương số GV và máy tính còn thiếu lớn hơn nhiều so với số hiện có và không biết “xoay” cách nào. Trước năm học, cả nước có hơn 11.000 GV tin học ở cấp tiểu học, trong đó hơn 30% chưa đạt chuẩn đào tạo. Để đủ GV thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (tính tối thiểu 1 GV/trường), cần bổ sung 3.684 GV.

Dạy tin học nhưng thiếu trầm trọng


Về cơ sở vật chất, số trường tiểu học và trường phổ thông có cấp tiểu học chưa có phòng học tin học là 4.183/15.023 trường; số phòng máy tính hiện có là 12.092 phòng, phần lớn đã cũ, lạc hậu và không đồng bộ. Để đủ phòng máy thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (tính tối thiểu 1,2 phòng/trường) cần bổ sung 5.560 phòng. Ở một số nơi không chỉ thiếu máy tính, hạ tầng mạng mà còn thiếu phòng học, thiếu đất xây phòng phục vụ dạy học tin học.

Hà Giang là một trong những tỉnh khó khăn nhất về điều kiện dạy học môn tin học. Theo Sở GD-ĐT Hà Giang, thời điểm chuẩn bị năm học, số trường tiểu học có phòng tin học chỉ là 88/218 trường; số GV dạy tin học còn thiếu 77 người, nhiều trường trắng GV môn này.

Tại Lai Châu, toàn tỉnh chỉ có 28 phòng tin học, thiếu 95 phòng và 3.093 máy tính; ước tính còn thiếu tới 78 GV. Sở GD-ĐT tỉnh này cho biết nhiều trường còn thiếu phòng học, do đó không có phòng để bố trí làm phòng học bộ môn.

Yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, nếu không có sự đổi mới đồng bộ, bảo đảm tính hiệu quả của máy móc phục vụ dạy học thì dù nhà trường và GV có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể đạt được các mục tiêu như mong muốn.

Báo cáo của Sở GD-ĐT Cà Mau

Theo báo cáo của Sở GD-ĐT Thanh Hóa, riêng cấp tiểu học, toàn tỉnh có 353 phòng học tin học, còn thiếu 407 phòng. Cả tỉnh thiếu tới hơn 13.000 máy tính, số hiện có chỉ khoảng hơn 4.000 máy, trong đó nhiều máy không sử dụng được vì được cấp hoặc tài trợ đã lâu, chủ yếu là máy tính để bàn, cấu hình thấp, chưa đáp ứng việc cài đặt hệ điều hành và phần mềm thông dụng.

Sở GD-ĐT Kon Tum thì cho biết có 82 phòng máy vi tính/147 trường nhưng 5 phòng máy đã hư hỏng không sử dụng được; 19 phòng được cấp từ 10 - 15 năm, đã xuống cấp, cấu hình không đáp ứng yêu cầu.

Sở GD-ĐT Cà Mau cũng cho biết để dạy môn tin học trong năm học 2022 - 2023, tỉnh cần tuyển dụng 159 GV và đầu tư 112 phòng học. “Yêu cầu đổi mới giáo dục ngày càng cao, nếu không có sự đổi mới đồng bộ, bảo đảm tính hiệu quả của máy móc phục vụ dạy học thì dù nhà trường và GV có nỗ lực đến đâu cũng khó có thể đạt được các mục tiêu như mong muốn” báo cáo của Sở GD-ĐT nêu.

Chưa được đào tạo cũng phải giảng dạy !

Toàn H.Mèo Vạc (Hà Giang) chỉ có 1 GV tin học cấp tiểu học, trong khi có tới 18 trường tiểu học. Có GV tin học cấp THCS ở huyện này mỗi tuần phải đi thêm 80 km đường đồi núi để dạy cho học sinh lớp 3 ở 3 trường tiểu học của 3 xã theo sự điều động của Phòng GD-ĐT huyện.

Đề nghị Quốc hội giám sát việc đảm bảo nguồn lực cho giáo dục

Trước những ý kiến của đại biểu Quốc hội các địa phương về tình trạng thiếu GV, thiếu cơ sở vật chất, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn cho rằng cần có trường, lớp, trang thiết bị, dụng cụ dạy học; đủ GV. Các tỉnh, thành phải tính toán cần bao nhiêu tiền để mua sắm trang thiết bị. Nếu ngân sách địa phương cân đối được thì cân đối, nếu không thì phải đề nghị T.Ư hỗ trợ. Không thể nói Bộ GD-ĐT mua cái máy tính cho địa phương để làm phòng học tin học, do vậy ông Sơn bày tỏ mong muốn tới đây khi Quốc hội giám sát việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các địa phương thì phải giám sát việc đảm bảo nguồn lực về tài chính cho giáo dục, nếu thiếu thì đã “kêu đến nơi đến chốn chưa?”.

Ông Cao Duy Chương, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Sủng Máng, H.Mèo Vạc, cho biết thực tế GV dạy THCS ở 2 môn học này đều đã phải dạy quá giờ ở ngay chính trường THCS của họ. Do vậy, không phải trường tiểu học nào cũng có GV THCS xuống hỗ trợ, nên đích thân thầy hiệu trưởng Chương và một thầy là tổng phụ trách Đội phải trực tiếp giảng dạy môn này cho học sinh lớp 3, dù các thầy chỉ có kiến thức về tin học và tham gia tập huấn, bồi dưỡng chứ không được đào tạo để dạy môn học này.

Tình trạng trên không phải là cá biệt. Ngay tại một quận trung tâm của thủ đô Hà Nội là Hoàn Kiếm, năm học này GV tin học cũng đang thiếu do không có nguồn tuyển. Các trường tiểu học phải hợp đồng với GV tin học ở trường THCS trên địa bàn để họ dạy tin học cho lớp 3 với thời lượng 4 tiết/tuần.

Xoay xở chỉ đủ đảm bảo “dạy cho có”

Thiếu cả máy móc thiết bị và người dạy, các địa phương đang cố tìm mọi cách để xoay xở. Dù không thừa nhận nhưng trước mắt nhiều nơi cũng chỉ đủ đảm bảo “dạy cho có”, cho đủ số tiết/tuần; chất lượng như mục tiêu mà chương trình giáo dục phổ thông mới đưa ra có lẽ là điều khá xa vời ở những nơi đặc biệt khó khăn.

Chuyển gánh nặng cho phụ huynh ?

Không ít địa phương có điều kiện thì chọn cách nhanh hơn là ký hợp đồng với các trung tâm tin học để đảm bảo cả máy móc và nhân sự cho việc dạy môn học này. Tuy nhiên, một số nơi thu chi phí phát sinh này của người học khiến dư luận rất băn khoăn.

Mới đây, tại cuộc họp phiên toàn thể của Ủy ban Văn hóa - Giáo dục Quốc hội, bà Văn Thị Bạch Tuyết, đại biểu Quốc hội đoàn TP.HCM, cho rằng dù TP chủ trương dạy tin học theo chuẩn quốc tế nhưng khi nhà nước không đảm bảo nguồn lực, không đầu tư kịp cho các trường thì sẽ chuyển gánh nặng cho phụ huynh. Các trường liên kết với trung tâm này, trung tâm kia để dạy cho học sinh và toàn bộ chi phí đó chuyển hết cho học sinh. “Trách nhiệm của nhà nước sao lại chuyển gánh nặng cho phụ huynh học sinh?”, ĐB Tuyết đặt vấn đề.

Giải pháp khắc phục mà ngành GD-ĐT Thanh Hóa báo cáo Bộ GD-ĐT là tập huấn, hướng dẫn GV để thực hiện phương án dạy học linh hoạt tại các trường, điểm trường không thể bố trí GV dạy học tin học. Tổ chức dạy học theo hình thức “cuốn chiếu” đối với các trường xa nhau và trường có nhiều điểm trường. Vận động GV dạy tăng tiết, tăng buổi. Tập trung học sinh lớp 3 về điểm trường trung tâm để học các môn còn thiếu GV và phòng máy như tin học. Ngoài ra, tỉnh này cũng xây dựng kịch bản dạy học theo hình thức trực tuyến để ứng phó những tình huống khó khăn cụ thể.

Sở GD-ĐT tỉnh Yên Bái cho biết để đảm bảo 100% các tiết thực hành có máy tính, các trường sẽ chuyển máy tính từ nơi khác đến hoặc huy động máy tính xách tay của GV để học sinh thực hành hoặc sử dụng phòng học cho 2 cấp học trong cùng 1 trường liên cấp. Thậm chí, rất nhiều điểm trường đưa học sinh đến học nhờ tại trường lân cận hoặc đưa học sinh điểm lẻ về điểm chính thực hành...

Tỉnh này cũng bồi dưỡng khoảng 160 GV tiểu học ở môn khác để dạy môn tin học và công nghệ. Lãnh đạo Sở GD-ĐT Yên Bái đề nghị Bộ GD-ĐT giao tăng chỉ tiêu ngành sư phạm tin học cho các trường ĐH để đảm bảo nguồn tuyển GV môn này cho các tỉnh trong những năm tới. Trước mắt, đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ trong 3 năm tới cho phép các tỉnh tuyển dụng dưới chuẩn đào tạo GV tin học, cụ thể là GV có trình độ CĐ, đang thực hiện học ĐH hoặc cam kết học ĐH ngay sau khi được tuyển dụng.

 

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây