Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Đại học muốn nâng chất lượng nhưng đầu tư quá thấp


Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, khó khăn lớn nhất hiện nay của thúc đẩy chất lượng và quy mô giáo dục ĐH là sự hạn hẹp về nguồn lực tài chính, từ đó ảnh hưởng tới các yếu tố về con người, hạ tầng cơ sở vật chất.

Tại tọa đàm “Giáo dục đại học: Thách thức và cơ hội” diễn ra hôm qua (18.10), các khách mời đều chia sẻ sự khó khăn của hệ thống giáo dục đại học trước tình thế loay hoay giữa yêu cầu nâng cao chất lượng và nguồn lực đầu tư quá ít ỏi.

 

Đại học muốn nâng chất lượng nhưng đầu tư quá thấp


Đại học không còn hấp dẫn ?

Tại tọa đàm, ông Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, lý giải về việc tại sao tỷ lệ người theo học đại học (ĐH) ở VN so với người trong độ tuổi từ 18 - 23 rất thấp so với khu vực và thế giới. Dù số cơ sở ĐH khá nhiều (232 trường, chưa kể các trường công an, quân đội), nhưng tính quy mô toàn quốc thì trung bình mỗi trường chỉ có khoảng 6.000 - 7.000 sinh viên (SV). Tỷ lệ đào tạo sau ĐH (thạc sĩ, tiến sĩ) còn thấp hơn rất nhiều.

Có 3 yếu tố dẫn đến nguyên nhân này. Trước hết, do trình độ phát triển của nền kinh tế - xã hội mà nhu cầu của thị trường lao động đối với nguồn nhân lực trình độ từ ĐH trở lên chưa cao như các nước khác. Thứ hai, do năng lực đào tạo hạn chế của hệ thống. Đồng thời, do chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) chưa đồng đều, nhiều trường gặp vấn đề về chất lượng, nên chưa tạo được sự tin tưởng của người học. Thứ ba là do người học phải cân nhắc lợi ích giữa chi phí với lợi ích đạt được, nếu người học chưa tin tưởng chất lượng thì số lượng đào tạo không thể tăng được.

Theo GS Đặng Ứng Vận, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng khoa học Văn phòng Chính phủ, thực tế tỷ lệ SV/1 vạn dân của ta hiện nay thể hiện rất rõ cân bằng giữa cung và cầu. Sức hấp dẫn của GDĐH đối với thế hệ trẻ giảm sút. Trước đây, ĐH là một lực hấp dẫn, được vào ĐH là một vinh hạnh rất lớn. Nhưng khi chúng ta mở rộng quy mô, thậm chí mở rộng quá mức, khiến cho người học học như thế nào cũng đỗ được ĐH, điều này làm giảm động lực học tập của các em. ĐH kém hấp dẫn còn do mức lương sau khi ra trường của người tốt nghiệp ĐH quá thấp. Điều quan trọng, sức tiêu thụ các sản phẩm GDĐH của nền kinh tế VN hiện nay không cao. Hiện nay chúng ta vẫn tăng trưởng dựa trên lao động giá rẻ, nhờ các ngành công nghiệp phụ thuộc như gia công, lắp ráp. Các doanh nghiệp chủ yếu là nhỏ và vừa, nên nhu cầu lao động vừa đa dạng, vừa dễ bão hòa.

“Theo tôi, chúng ta chỉ cần điều chỉnh tốt cân bằng cung - cầu. Vì nếu tiếp tục mở thêm trường ĐH để tăng tỷ lệ SV/1 vạn dân lên thì vẫn sẽ xảy ra thách thức như hiện nay, đồng thời gây khó cho các trường khi tuyển sinh. Chúng ta chỉ cần có biện pháp để tăng sức hấp dẫn của các sản phẩm đào tạo, của các trường ĐH thì tự khắc mức cân bằng sẽ chuyển dịch sang mức cầu cao hơn”, GS Vận đề xuất.

Tuy nhiên, ông Hoàng Minh Sơn không tán thành với đề xuất trên. Theo ông Sơn, trong bối cảnh toàn cầu hóa, phát triển khoa học công nghệ mạnh mẽ, dịch chuyển cơ cấu kinh tế, sự biến động không đoán định được, GDĐH phải nắm được yêu cầu của thế giới, của công nghệ, không chỉ phát triển về chất lượng mà còn là quy mô. Nếu nhìn một chiều sẽ chỉ thấy nhu cầu thị trường lao động, nhưng lại bỏ qua mối quan hệ biện chứng giữa chất lượng/quy mô nguồn nhân lực với nhà đầu tư. Phải có nguồn nhân lực chất lượng và có quy mô lớn thì các nhà đầu tư mới vào.

Chi cho GDĐH chỉ 12.000 tỉ đồng/năm

Cũng trong tọa đàm, ông Hoàng Minh Sơn chia sẻ khó khăn lớn nhất hiện nay của thúc đẩy chất lượng và quy mô GDĐH là sự hạn hẹp về nguồn lực tài chính, từ đó ảnh hưởng tới các yếu tố về con người, hạ tầng cơ sở vật chất.

“Theo con số chính thức của Bộ Tài chính, năm 2020 kế hoạch ngân sách chi cho GDĐH chưa đến 17.000 tỉ đồng, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỉ đồng. Nếu tính theo con số thực chi thì tỷ lệ chi cho GDĐH trên GDP là 0,78%, thấp hơn nhiều so với con số của các nước trong khu vực và thế giới”, ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, nguồn lực chi cho các trường ĐH hiện nay từ 3 nguồn: nhà nước, người học, xã hội. Đương nhiên, người học có trách nhiệm chi trả những gì mình được lợi ích, nhưng để hiện đại hóa một cơ sở GDĐH, mở rộng khuôn viên, xây dựng cơ bản, đầu tư trang thiết bị nghiên cứu, đặc biệt với ngành công nghệ cao, thì học phí không thể chi trả được. Học phí chỉ có thể dùng để chi trả cho những gì mà người học được nhìn thấy ngay; còn đầu tư lâu dài, đầu tư phát triển đội ngũ thì rõ ràng nhà nước cần quan tâm hơn.

Mặt khác, có những ngành đào tạo để phục vụ lâu dài cho đất nước như khoa học cơ bản, nông lâm ngư nghiệp, nghệ thuật, đào tạo trình độ sau ĐH... Không có công nghệ nền tảng thì không thể có công nghệ cao, không có khoa học cơ bản thì không có công nghệ nền tảng. Những ngành này không dễ gì xã hội hóa được, nhưng chúng ta lại đang hạn chế về nguồn lực. “Với yêu cầu là quy mô phải tăng, đòi hỏi chất lượng cũng phải tăng. Như vậy, thách thức lớn là làm sao bảo đảm tương xứng, để đáp ứng yêu cầu về số lượng nhưng phải có đầu tư trọng tâm trọng điểm, những ngành nghề thiết yếu đối với phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tạo lợi thế cạnh tranh trong lĩnh vực then chốt”, ông Sơn chia sẻ.

Tính toán lại để phân bổ hợp lý

GS Vận bổ sung thông tin: “Tôi nhớ con số 20% ngân sách dành cho giáo dục đã được bàn từ cách đây 20 năm, khi đó Thủ tướng Phan Văn Khải đã đặt ra mục tiêu phấn đấu để cố gắng đạt đến 18%. Do đó, đòi hỏi hơn tỷ lệ này là khó. Mà kể cả nhà nước có tiếp tục tăng thêm ngân sách thì cũng sẽ không được sử dụng cho GDĐH. Vì trong hệ thống giáo dục, rất nhiều vấn đề cần phải ưu tiên như giáo dục phổ cập, giáo dục vùng sâu, vùng xa...”.

Theo bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đúng là có sự bất cập ở khâu đầu tư cho GDĐH. “Nếu sự đầu tư từ ngân sách nhà nước không thỏa đáng, không đúng tầm thì chúng ta không thể có hy vọng để giải quyết vấn đề nâng cao chất lượng. Đầu tư tài chính cho GDĐH đang rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới là nguyên nhân tác động tới chất lượng ĐH chưa như chúng ta mong muốn. Đầu tư cho giáo dục nói chung theo luật Giáo dục hiện nay là 20% tổng chi ngân sách nhà nước, đây là một sự nỗ lực. Nếu đòi hỏi gia tăng nhiều hơn 20%, chắc là khó khả thi. Thực tế hiện nay là chỉ mới đạt 17 - 18%. Cho nên, cố gắng để hằng năm bảo đảm 20% ngân sách chi cho giáo dục, rồi phải tính toán trong ngưỡng ngân sách cho phép để tăng dần tỷ trọng cho GDĐH theo đúng yêu cầu đặt ra là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao”, bà Mai Hoa phân tích.

“Nhưng muốn như vậy, phải tính được hiện nay cách phân bổ hợp lý hay không hợp lý, ở các khâu nào. Đây là bài toán khó, bởi chúng ta đang phân cấp ngân sách, Bộ GD-ĐT đang chỉ quản lý một phần, còn lại là các địa phương nắm ngân sách dành cho giáo dục. Đây là câu chuyện lớn. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cũng muốn nghiên cứu dòng tiền cho giáo dục chảy như thế nào. Đây là câu chuyện khó, khó nhưng vẫn phải làm”, bà Nguyễn Thị Mai Hoa cho biết.

 

Theo Quý Hiên
Thanh niên

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây