Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Công tác đối ngoại cũng thiếu nhân lực thông thạo ngoại ngữ

Để đáp ứng xu thế hội nhập sâu rộng, không chỉ ngành nghề bình thường mà ngay cả lĩnh vực công tác đối ngoại cũng đang thiếu người giỏi ngoại ngữ.
 
Công tác


Thông tin này được đưa ra tại Hội nghị quốc tế HUFLIT IC 2020 'Đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời hiện đại' diễn ra tại Trường ĐH Ngoại ngữ-Tin học TP.HCM sáng nay 16.10.

90% lãnh đạo cơ quan ngoại vụ có trình độ ngoại ngữ

Trong bài tham luận của mình, ông Trần Đình Vũ Hải, Phòng Chính trị kinh tế đối ngoại (Sở Ngoại vụ TP.HCM), cho rằng thực tiễn công tác đối ngoại và dự báo xu thế trong thời kỳ hội nhập sâu rộng không thể tách rời nguồn lực ngoại ngữ, ngoại giao. Tuy nhiên năng lực ngoại ngữ, đối ngoại của cán bộ công chức, có thể nói chưa đáp ứng yêu cầu. Mạng lưới công tác viên thông thạo ngoại ngữ của thành phố đa phần là cán bộ lớn tuổi đã nghỉ hưu công tác từ các ban ngành thành phố.

Ông Hải dẫn dắt, nhiều cơ quan, trường học tại TP.HCM đi tiếp khách, đàm phán, công tác nước ngoài đều liên hệ đề nghị Sở hỗ trợ cung cấp phiên dịch, tư vấn ngoại giao, kết nối chương trình, hiệu đính văn bản ngoại ngữ. Các chuyến công tác nước ngoài của cá nhân và đơn vị thường thuê cán bộ phiên dịch tại chỗ hoặc do cơ quan ngoại giao, lãnh sự tại chỗ giới thiệu, ít có được phiên dịch chất lượng tháp tùng đoàn.

Ngay tại Sở Ngoại vụ TP.HCM, theo ông Hải, nhân lực thông thạo ngoại ngữ, sử dụng được ngoại ngữ tại Sở này cũng không nhiều, với khoảng 40 người tập trung ở các phòng chức năng. Đội ngũ biên phiên dịch tại Sở cũng ít, chỉ tập trung các ngoại ngữ như tiếng Anh, tiếng Trung và tiếng Pháp. Sở này hiện chưa có người thông thạo các thứ tiếng quan trọng khác như: Lào, Campuchia, Nhật, Hàn, Nga, Tây Ban Nha.

"Do vậy, thực tiễn nguồn nhân lực ngoại ngữ ngay tại cơ quan chuyên môn đối ngoại cũng chưa thể đáp ứng hết công tác có xu hướng càng ngày càng nhiều", tác giả nhận định.

Từ thực tiễn đó, theo ông Vũ Hải, Sở Ngoại vụ nhận thấy công tác phát triển nguồn nhân lực ngoại ngữ, ngoại giao để xây dựng đội ngũ biên phiên dịch thông thạo hiện nay và trong tương lai luôn cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu thực tế này, Bộ Ngoại giao đã chủ trì xây dựng Đề án Bồi dưỡng nghiệp vụ đối ngoại và ngoại ngữ, biên phiên dịch cho công chức, viên chức ngoại vụ địa phương giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của đề án là 90% lãnh đạo cơ quan ngoại vụ có trình độ ngoại ngữ đảm bảo yêu cầu công tác đối ngoại. Mỗi địa phương có tối thiểu 2 công chức, viên chức được bồi dưỡng kỹ năng biên phiên dịch cao cấp tiếng Anh…

Đại diện Sở Ngoại vụ TP.HCM kiến nghị, về dài hạn thành phố cần xem xét xây dựng khung tiêu chuẩn chung trình độ ngoại ngữ, kỹ năng và kiến thức đối ngoại áp dụng cho cán bộ công chức trên địa bàn. Các trường ĐH có khung tiêu chuẩn tương ứng với sinh viên, giảng viên ngoại ngữ trên cơ sở tiêu chuẩn của Bộ Nội vụ để đáp ứng nhu cầu của một trung tâm giao lưu quốc tế sôi nổi như TP.HCM.

Đào tạo nhân lực y tế còn những bất cập

Trong khi đó, ở góc nhìn khác bài tham luận của nhóm tác giả Đào Văn Phương và Nông Đức Dũng thuộc Bộ môn Lý luận chính trị Trường ĐH Y Hà Nội nêu ra một số hạn chế trong đào tạo phát triển nhân lực y tế.

Theo đó, đến năm 2020 theo thống kê của Bộ Y tế cả nước có 15 cơ sở đào tạo chuyên khoa lĩnh vực y tế và 43 cơ sở đào tạo trình độ ĐH khối ngành sức khoẻ. Trong đó, 2 loại hình đào tạo ĐH và sau ĐH hiện còn nhiều bất cập.

Đáng chú ý, theo nhóm tác giả này, quy hoạch và quy mô đào tạo chưa gắn với nhu cầu nhân lực của hệ thống y tế và chưa tương ứng với năng lực thực tế của cơ sở đào tạo. Chất lượng ngành y tế hiện được nâng cao nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể, số cán bộ y tế có trình độ CĐ và TC chiếm tới trên 1/2 tổng số cán bộ, trong khi cán bộ có trình độ ĐH chiếm khoảng 1/3.
"Quy mô đào tạo tăng nhanh nhưng các tiêu chí chuyên môn để mở ngành ở các trường đa ngành, đặc biệt là trình độ trung cấp còn chưa chặt chẽ", nhóm tác giả nhấn mạnh.

Cũng theo nhóm tác giả này, bất cập lớn nữa là hiện nước ta vẫn chưa có quy định về kỳ thi quốc gia trước khi cấp chứng chỉ hành nghể để đảm bảo người hành nghề đạt được năng lực cần thiết. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đã tổ chức kỳ thi quốc gia này.

Trước thực trạng trên, một trong các giải pháp được các tác giả đề xuất là khẩn trương hoàn thiện các quy định pháp luật và triển khai khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân, khung trình độ quốc gia trong đào tạo nhân lực y tế. Bên cạnh đó là thành lập hội đồng y khoa quốc gia tổ chức thi, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn phù hợp thông lệ quốc tế.


 
Theo Bảo Hân
Thanh niên
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây