Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Hành trình 'tìm lại ánh sáng' của cô giáo


Những tưởng, cuộc đời đánh dấu chấm hết với chị khi đôi mắt đã không còn nhìn thấy ánh sáng, khuôn mặt sẹo chằng chịt và niềm tin cạn kiệt.

Hành trình 'tìm lại ánh sáng'


Thế nhưng, trong cơn tuyệt vọng ấy, chính những học trò cùng cảnh ngộ đã vực chị dậy để viết nên cuộc đời đầy tươi đẹp.

Quá khứ đớn đau

21 giờ 30 phút, ngày 25/2/2001, tại Thanh Hóa đã xảy ra vụ tạt axit. Nạn nhân là chị Lê Thị Ánh Dương, 22 tuổi, giáo viên tiếng Anh, Trường THCS Quảng Thọ, Quảng Xương, Thanh Hóa. Ánh Dương bị bỏng nặng toàn thân, khuôn mặt biến dạng và mù hai mắt.

Ánh Dương từng là học sinh giỏi nhiều năm liền, từng đoạt giải trong kì thi học sinh giỏi tiếng Nga toàn quốc năm 1997, được tuyển thẳng vào Trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Ở Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, cô giáo Lê Thị Ánh Dương được biết đến là một tấm gương sáng về nghị lực phi thường. Là nạn nhân của vụ tạt axit kinh hoàng khi mới 21 tuổi, nhưng sau hơn 20 năm, cô Dương đã vượt qua tất cả nỗi đau thể xác và tinh thần để trở thành giáo viên dạy môn Tiếng Anh bằng chữ nổi duy nhất của tỉnh Thanh Hóa và cũng là người khiếm thị duy nhất của tỉnh được đặc cách vào biên chế trong ngành Giáo dục.

Kẻ gây ra tội ác khiến đôi mắt cô giáo trẻ Ánh Dương bị mù, khuôn mặt chằng chịt vết sẹo lại chính là người một thời yêu cô say đắm. Dù thời gian đã trôi qua khá lâu, thế nhưng sự việc kinh hoàng ấy vẫn cứ ám ảnh cô cho đến bây giờ.

Cô Dương từng có một thanh xuân tươi đẹp. Sau khi tốt nghiệp cấp 3, Trường THPT chuyên Lam Sơn, với thành tích đạt giải quốc gia, cô được tuyển thẳng vào Khoa Tiếng Anh, Trường Đại học Hồng Đức. Ra trường, cô Dương công tác tại một trường cấp II ở huyện Quảng Xương (Thanh Hóa).

Tương lai tươi đẹp đang mở ra trước mắt cô giáo trẻ, vậy mà tai họa bất ngờ ập xuống vào một buổi tối mùa hè năm 2001. Khi đó, trên đường đi dạy thêm về, cô Dương bị hai người đàn ông tạt thứ gì đó lành lạnh vào mặt và ngay sau đó là cảm giác cháy da, cháy thịt ập đến. Cô ngất xỉu, khi tỉnh lại thì đôi mắt đã không còn nhìn được ánh sáng, khuôn mặt biến dạng.

Thứ chất lỏng tạt vào cô Dương chính là axit đã khiến cô bị bỏng 95% cơ thể. Lúc đó, cô Dương và mọi người đều nghĩ, tất cả mọi thứ từ công danh sự nghiệp, hoài bão ước mơ đã đóng sập cánh cửa. “Tôi tỉnh dậy với đôi mắt mù lòa, một cơ thể không lành lặn và thứ mất mát lớn nhất đó là niềm tin. Tôi tuyệt vọng đến cùng cực, chỉ biết thời điểm đó hơn một lần tôi nghĩ đến cái chết.

Suốt một năm trời, tôi được gia đình đưa đi khắp các bệnh viện để chữa trị. Khi ấy, tôi thấy mình trở thành gánh nặng cho gia đình. Rời bệnh viện trở về nhà, tôi đóng cửa vì mặc cảm, không muốn gặp ai, kể cả bạn bè”, cô Dương trải lòng.

Khi màn đêm buông xuống chính là thời điểm cô giáo trẻ hoang mang nhất, bởi lúc ấy không còn âm thanh nữa. Cô Dương cảm nhận rõ ràng sự lạnh lẽo đến đáng sợ của bóng tối, thứ mà cô sẽ phải sống cùng trong suốt phần đời còn lại.

Đứng dậy bởi tình yêu học trò

Hai năm sau ngày tai họa ập xuống, nỗi đau dần nguôi ngoai, cô Dương quyết tâm làm lại cuộc đời. Được sự động viên của bố mẹ và Ban lãnh đạo Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa, cô mới mở lòng bước ra ngoài và đến hội sinh hoạt. Tại đây, cô bắt gặp những hoàn cảnh như mình nhưng họ vẫn vui vẻ, lạc quan sống. Những “người cùng cảnh ngộ” ấy đã khiến cô dần quên đi sự mặc cảm.

Vực dậy từ đớn đau, từ những vết thương còn rỉ máu để làm lại từ đầu là cách mà cô gái mang tên “ánh sáng mặt trời” đã lựa chọn. Gần một năm, Ánh Dương kiên trì học chữ nổi và học nghiệp vụ dạy trò khiếm thị. Cô đã tìm thấy niềm vui khi đứng trên bục giảng, mang đến cho những đứa trẻ cùng cảnh ngộ ánh sáng tri thức. Được trở lại với cái nghề mà mình yêu thích, cô Dương như được sống lại một lần nữa.

Phần đông các em bị khiếm thị đều mặc cảm về thân phận, sống khép mình. Bởi vậy, bài học đầu đời cô Dương dạy các em không phải là những con chữ, những phép tính, mà là giúp các em xóa bỏ mặc cảm, mở rộng trái tim, hòa nhập cuộc sống.

“Nghề giáo viên tôi đã yêu từ nhỏ, khi được trở lại với nghề, đặc biệt học trò lại là những đứa cùng hoàn cảnh nên tôi cảm thấy vui lắm, giống như được tiếp thêm động lực. Lúc tai họa ập xuống, tôi nghĩ đã mất hết, vậy mà chính các em là nguồn vui, vực tôi dậy. Vì thế, tôi tâm huyết với nghề và muốn dốc hết sức lực để dạy các em”, cô Dương tâm sự.

Cô Dương chia sẻ, đối với học sinh khiếm thị thì dạy các em là phải sờ bằng tay, phải kiên trì. Thời gian đầu cũng rất khó khăn, cứ nghĩ không làm được khi mà cô giáo và học sinh đều không nhìn thấy. Thế nhưng, sau này cô nhận ra, cả cô và trò đều không nhìn thấy ánh sáng thì sự tương tác cũng rất nhạy cảm. Cô cảm nhận được các em có chú tâm học hay không và cũng biết được các em đang học hay làm việc riêng.

Với cô Dương, học trò đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của cô. Cô bảo, những ngày phải đi học xa, hay những ngày nghỉ hè quá lâu, không gặp các em thấy rất trống vắng. “Các em dù khuyết tật nhưng sống rất tình cảm, nhiều em còn viết thư cho tôi khi tôi đi học xa, đọc xúc động lắm. Các cô mắt sáng đã thấy có tình cảm khác, còn tôi là người cùng cảnh thì lại càng thấy tình cảm đặc biệt hơn”, cô Dương bộc bạch.

Đời không bội bạc

Cuộc đời luôn có nhiều ngã rẽ và những cuộc gặp chính là định mệnh. Nếu tình yêu thương học trò giúp cô Dương đứng dậy thì tình yêu của người chồng hiện tại đã cho cô thêm một lần nữa niềm tin vào cuộc sống. Năm 2003, một người đàn ông khỏe mạnh vì thương cảm nên đã đem lòng yêu cô và quyết tâm sẽ làm chỗ dựa cho cô suốt cuộc đời, mặc cho gia đình ngăn cản.

Hai năm sau, tình yêu chân thành của anh đã làm cô gái có hoàn cảnh bất hạnh rung động. Tháng 8/2005, dù chưa được gia đình cho phép, người yêu đã cùng cô Dương mang hộ khẩu tới phường đăng ký kết hôn rồi dọn ra ngoài thuê trọ sống. Niềm vui nhân đôi khi năm 2008, vợ chồng cô Dương đón đứa con gái chào đời.

10 năm sau, nhờ chương trình “Điều ước thứ 7”, một đám cưới chính thức mới được diễn ra, cũng là lúc bố mẹ chồng mới đón nhận cô. “Có lẽ định mệnh khiến ngày tôi sinh ra mang một tên khác nhưng một thời gian sau, bố lại đổi tên tôi là Ánh Dương, bố muốn con gái của bố luôn vươn lên tỏa sáng như ánh mặt trời. Tôi vẫn thầm cảm ơn cuộc sống đã cho tôi sự dũng cảm để bước qua ranh giới của nỗi đau. Để tôi thấy mình vẫn còn là người có ích cho xã hội”, cô giáo Ánh Dương trải lòng.

Tình thương và niềm đồng cảm với các em nhỏ khuyết tật đã cho cô giáo Ánh Dương niềm vui và nghị lực sống. Mơ ước về hạnh phúc gia đình bình dị tưởng đã mất đi, giờ đã thành hiện thực. Một cuộc đời son trẻ tưởng như đã vứt bỏ, nay thực sự lại hồi sinh trong niềm hạnh phúc vô bờ bến.

Trải qua 16 cuộc phẫu thuật, cô Dương dần tìm lại được khuôn mặt. Giờ đây, cô có một tổ ấm viên mãn với người chồng và một cô con gái học lớp 9 trong ngôi nhà nhỏ ở khu Tân An, thành phố Thanh Hóa.

Trước đây, để tiện chăm sóc đưa đón vợ, chồng cô Dương đã xin làm bảo vệ ở Hội Người mù tỉnh Thanh Hóa. Mới đây, anh đã chuyển sang làm bảo vệ ở nơi khác, thế nhưng, mỗi ngày, anh vẫn đưa vợ đi làm và xế chiều lại đón cô về nhà quây quần bên mâm cơm gia đình đầm ấm, hạnh phúc.

 

Theo Nguyễn Thùy
Giáo dục và Thời đại

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây