Tư vấn tuyển sinh

https://tuvantuyensinh.vn


Nhiều nghệ sĩ nghỉ chơi Facebook, vì 'phong trào chửi bới' ì xèo?


Thời gian gần đây, không ít nghệ sĩ bày tỏ sẽ rời bỏ hay ít dùng Facebook do những năng lượng tiêu cực được 'phát tán' như virus trên mạng xã hội này mà không phải người dùng nào cũng đủ bản lĩnh 'tránh né'.
 
Nhiều nghệ

Giảm thời gian lướt mạng xã hội, đọc sách, tham gia các hoạt động mang lại nguồn năng lượng tốt (tập thể dục, nấu ăn, trồng cây...) và chia sẻ các hoạt động đó để lan tỏa năng lượng tích cực. Mình có tích cực thì mới giúp người khác tích cực được.
Diễn viên Ngọc Phước
 
 
Có thể thấy chưa bao giờ người ta hoài nghi về lòng hướng thượng và sự nhân hậu của con người như hiện nay, khi vô tình xem livestream "bóc phốt" hoặc đọc phải những thông tin mang màu sắc tiêu cực, đầy thiên kiến, những bình luận đầy tính sát thương, phỉ báng... từ không ít công dân mạng - các "quan tòa" nghĩ mình đang nắm giữ chân lý ở cõi... Facebook.

Buồn nhiều hơn vui

MC Huỳnh Giao cho biết cuộc sống bận rộn, ai cũng có nhu cầu nghỉ ngơi, nhưng Facebook nhiều khi ảnh hưởng không tốt đến tâm trạng người dùng. "Nhiều bài viết từ bạn bè chia sẻ, các trang chạy quảng cáo bài viết (bài viết tự hiện lên trang chủ người dùng Facebook) có nội dung đả kích một vấn đề chưa kiểm chứng, lối sống tiêu cực, lối sống ảo khoe khoang, những bài viết về cuộc đấu khẩu trong showbiz... mang đến năng lượng tiêu cực. Chính vì vậy, tôi hạn chế sử dụng Facebook" - Huỳnh Giao nói với Tuổi Trẻ.

Còn với diễn viên - đạo diễn Thái Kim Tùng, thông tin trên Facebook không được gạn lọc nên thật giả lộn xộn. Anh chia sẻ: "Tùng thấy ai cũng muốn làm "phóng viên", ai cũng muốn đăng tin, nhưng lại là những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin "lá cải".

Đọc những thông tin tiêu cực này mình bị ảnh hưởng lây. Tùng cảm thấy bực bội, khó chịu vì điều này. Facebook làm cho mình buồn hơn vui nên quyết định tạm ngưng để có tinh thần làm chuyện khác".

Có rất nhiều cuộc tranh luận không đáng có trên Facebook xuất phát từ những thông tin mà người tranh luận chưa rõ thực hư hay chân tướng sự việc. Có người lợi dụng sự kiện để thổi phồng, làm quá vấn đề; cũng có người dễ dàng bị dẫn dắt bởi một nhân vật "có tiếng nói". Những cuộc chửi bới "ì xèo" không mang tính xây dựng rốt cuộc hầu như chỉ góp thêm tiếng ồn vô nghĩa và hung hăng cho đời sống.

Việc hùa nhau "chửi" tạo thành trào lưu "ăn hiếp" trên mạng xã hội. Thậm chí có người hào hứng, tag tên bạn bè mình vào xem, khiến không ít người khó chịu. Thái Kim Tùng bày tỏ: "Tùng chơi Facebook cẩn thận nên chưa để xảy ra tranh cãi đáng tiếc nào. Nhìn bạn bè xung quanh bị dính tới lùm xùm, Tùng e ngại vô cùng. Bản thân còn gia đình, bạn bè, học trò. Nếu lỡ có chuyện gì, thực hư chưa bàn tới, ảnh hưởng rất nhiều đến uy tín".

Tiến sĩ tâm lý Đào Lê Hòa An phân tích: "Thực tế cho thấy khi nội dung chủ đề càng nóng, gây nhiều tranh cãi, càng liên quan tới nhiều nhân vật nổi tiếng thì càng nhận được sự quan tâm và tương tác cao từ cộng đồng mạng. Trong đó, có một số "anh hùng bàn phím" té nước theo mưa, thông tin sai lệch được cố ý tạo ra từ nhiều bên khiến sự việc không bao giờ có hồi kết, vô tình truyền năng lượng xấu đến cư dân mạng".

Không để mạng xã hội dẫn dắt

Các nghệ sĩ tâm sự khi tạm ngưng Facebook, họ sẽ kết nối bạn bè, khán giả trao đổi công việc qua điện thoại, Zalo, Viber... "Theo Tùng, Facebook là mạng xã hội bình thường nhưng rất kinh khủng nếu không vững vàng, dễ bị luồng xoáy cuốn theo, mất tự chủ. Đến một lúc nào đó, mình bình tĩnh trở lại, đủ nghị lực đương đầu thì xài lại Facebook" - Thái Kim Tùng nói.

Nói về giải pháp để tránh năng lượng tiêu cực từ mạng xã hội, ca sĩ Hoàng Anh Duy cho biết anh cố gắng sử dụng mạng xã hội đúng mục đích của mình, hạn chế không quan tâm quá nhiều những tin không thật sự hữu ích để không bị cuốn vào những điều không hay.

Diễn viên Ngọc Phước cũng đồng quan điểm mọi người có thể chặn các trang xấu, theo dõi các trang mang tính tích cực, có nhiều thông tin bổ ích. Theo MC Huỳnh Giao, cần có một chiến dịch tẩy chay những bài viết có nội dung tiêu cực, những trang mạng đăng tải tin tức bịa đặt hay "văn hóa chửi" trên Facebook, bởi người dùng Facebook còn có trẻ em - lứa tuổi cần định hình tính cách và văn hóa sống.

Tiến sĩ tâm lý Hòa An cho biết không thể xem nhẹ chuyện thiết lập những chuẩn mực nhất định cho phát ngôn, nội dung đăng tải trên mạng xã hội để bảo vệ cá nhân và cộng đồng vì một cuộc sống văn minh.

"Thế giới trực tuyến không còn ảo nữa mà tác động trực tiếp đến người và việc trong đời thực. Quan trọng là người dùng mạng xã hội nói chung, giới nghệ sĩ nói riêng cần sử dụng kênh truyền thông này như thế nào để đáp ứng nhu cầu chính đáng. Hãy là "ông chủ" của mạng xã hội, chứ đừng để nó dẫn dắt và làm ông chủ của chính mình" - ông An nhấn mạnh.

Liệu pháp tránh tinh thần bất ổn

Việc các nghệ sĩ đi đến quyết định tạm rời "nhà ảo" để tránh năng lượng tiêu cực một thời gian được nhiều người đồng tình. Nhà văn - biên kịch Nguyễn Thu Phương chia sẻ quan điểm: "Chơi Facebook cũng mệt mỏi lắm. Tôi cũng vừa tự "giãn cách" cả tuần và thấy khỏe hơn nhiều. Bớt lên phây (Facebook), bớt đọc tả pí lù cũng là một liệu pháp để tránh bị tinh thần bất ổn".
Theo Hoài Phương
Tuổi trẻ
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây