Nghề nào để trở thành người đàn ông thực sự?

Thứ hai - 11/03/2019 22:24:11

Đây là câu hỏi của một nam sinh tại chương trình tư vấn tuyển sinh tại Hải Phòng trong ngày 10-3. Để trả lời em, nhiều thầy trong ban tư vấn cùng phải 'hiệp đồng tác chiến'.

 
tu van1

Ban tư vấn nhóm ngành kỹ thuật đang trả lời câu hỏi của các thí sinh - Ảnh: NAM TRẦN
 

Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục - đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), Trường ĐH Hàng Hải Việt Nam tổ chức với sự đồng hành của Tập đoàn VinGroup.

Ban tư vấn bị "làm khó"

Rất nhiều câu hỏi khó, nhưng câu hỏi làm cho các thầy trong ban tư vấn bối rối và phải dành quá nhiều thời gian là câu hỏi của một nam sinh: "Em thích học một ngành kỹ thuật, nhưng lại không biết học ngành gì, xin các thầy cho em câu trả lời".

Để có thể tư vấn trúng nhất cho nam sinh này, PGS-TS Phạm Văn Thuần - trưởng Phòng Đào tạo trường ĐH Hàng hải Việt Nam, phải đặt một loạt câu hỏi với nam sinh để "nhận biết sở thích": "Em học tốt môn nào nhất? Em có thích tìm tòi, sáng tạo không? Em muốn là một người như thế nào trong 5-10 năm tới?".

Nam sinh cho biết: "5 năm tới em muốn là một người đàn ông thực sự, có một công việc kiếm được tiền, nhưng phải sử dụng bộ não để làm việc, công việc đó sáng tạo, khám phá thì tốt".

Thầy Phạm Văn Thuần tư vấn một loạt ngành liên quan tới xu thế công nghiệp 4.0 như công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ điện tử… Nhưng em nam sinh vẫn chưa thỏa mãn. Thầy Thuần tư vấn các ngành đi biển cũng "rất đàn ông" lại được khám phá năm châu bốn biển….
 

tu van2

Một nam sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn tại chương trình - Ảnh: NAM TRẦN


"Cứu nguy" cho thầy Thuần, PGS-TS Trần Trung Kiên, trưởng phòng Tuyển sinh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng "ngành kỹ thuật" thì hơi rộng… Trong khi việc hướng nghiệp không phải chỉ trong một thời điểm ngắn mà cần có những hiểu biết trong một quá trình. Tuy nhiên cho tới bây giờ học sinh vẫn hoang mang, mơ hồ thì nên có một số bước.

"Hãy xem mình học tốt môn gì. Ví dụ nếu học tốt toán, vật lý thì có nghĩa có lợi thế học các ngành kỹ thuật rồi. Tiếp đến thì tham khảo từ chính cha mẹ, cô dì, chú bác đang làm một công việc liên quan tới khối kỹ thuật để hiểu ngành nghề đó làm gì, cần kỹ năng, kiến thức gì. Ngoài ra có thể nghiên cứu mô tả ngành nghề trên trang web của các trường khối kĩ thuật, tham khảo ý kiến bạn bè đã nghiên cứu kỹ về khối kỹ thuật…" - thầy Kiên chia sẻ.

Thầy Trần Trung Kiên cũng khẳng định sẵn sàng giúp các bạn học sinh nếu các bạn đến tận trường cần hỏi về các ngành đào tạo cụ thể.

Trao đổi thêm với nam sinh, ông Đỗ Văn Giang - phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động thương binh và xã hội, cho rằng ngành nào cũng cần "kỹ thuật" ví như kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật chế biến thực phẩm….

Các thầy trong ban tư vấn khối kỹ thuật công nghệ cho rằng nếu đã tìm hiểu kỹ mà vẫn "chưa biết học gì" thì hãy chọn một ngành phù hợp với sức học. Vì đào tạo ĐH trang bị cho sinh viên một kiến thức nền tảng tốt. Trong quá trình học có thể các em sẽ nhận ra mình cần gì.

Và khi đó các em có thể lựa chọn tiếp vì với chương trình đào tạo mềm dẻo như hiện nay, sinh viên hoàn toàn có cơ hội học song ngành, học ngành 2, học bổ sung các chuyên ngành hẹp, kỹ năng mềm để đáp ứng công việc cụ thể.
 

tu van3

Các bạn trẻ chăm chú nghe thầy cô tư vấn - Ảnh: NAM TRẦN
 

"Muốn một ngành mà bị tất cả người lớn phản đối, thật hoang mang"

Mong muốn mô tả kỹ ngành học để có thêm dữ liệu lựa chọn hoặc có cơ sở để thuyết phục cha mẹ cho dự thi ngành đã chọn là điều nhiều học sinh quan tâm.

"Em muốn học tâm lý học của trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn, nhưng khi em chia sẻ mong muốn thì gặp phải phản ứng của nhiều người lớn khiến em rất hoang mang. Em đến chương trình vì muốn biết rõ thêm về ngành tâm lý học" - một học sinh đặt câu hỏi với các thầy cô ở khu vực tư vấn Khoa học xã hội & Nhân văn.

PGS-TS Phạm Mạnh Hà - Phó trưởng khoa Các khoa học Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội, chia sẻ: Đúng là nhiều phụ huynh sẽ không muốn con dự thi vào ngành tâm lý học do còn mơ hồ về ngành này. Nhưng trên thực tế đây là ngành trong nhóm có điểm chuẩn cao. Điều này cũng thể hiện đây là ngành đang có nhu cầu nhân lực cao.

Xã hội càng phát triển, ngành tâm lý học càng cần trong nhiều lĩnh vực. Áp lực trong cuộc sống, công việc càng lớn thì nhu cầu chăm sóc sức khỏe tinh thần càng lớn. Ví dụ như trong các nhà trường hiện nay đều đang được khuyến cáo có phòng tư vấn học đường để hỗ trợ học sinh…".

"Tuy nhiên, các bạn muốn theo học ngành này cần có tố chất hướng đến cộng đồng, muốn chia sẻ, giúp đỡ người khác. Nếu có tố chất đó các bạn sẽ có đam mê, gắn bó với công việc này và thấy đây là công việc thú vị" - PGS-TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Khối ngành Khoa học xã hội & Nhân văn khá "hot" với các bạn học sinh tại Hải Phòng, trong đó ngành báo chí truyền thông, tâm lý học, du lịch được nhiều học sinh quan tâm, mong muốn được các thầy, cô giáo mô tả kỹ.

tu van4

Chương trình thu hút đông đảo học sinh tham dự - Ảnh: NAM TRẦN
 

Nhu cầu nhân lực lớn, tại sao cử nhân kinh tế vẫn thất nghiệp?

Ở khối ngành kinh tế - tài chính- ngân hàng… các thầy cô ban tư vấn đều khẳng định nhu cầu nhân lực hiện đang rất lớn.

Tuy nhiên, một thí sinh nữ vẫn bày tỏ băn khoăn: "Tại sao nguồn nhân lực ngành kinh tế đang thiếu mà hiện tượng sinh viên tốt nghiệp bị thất nghiệp vẫn tràn lan, kể cả sinh viên tốt nghiệp các trường có tiếng như ĐH Kinh tế Quốc dân hay cả ĐH Ngoại thương?".

Đáp lại câu hỏi này, PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân - khẳng định tỉ lệ sinh viên của trường sau tốt nghiệp lại bị thất nghiệp ở tỉ lệ rất thấp, chỉ chừng 1%, nằm trong ngưỡng của tỉ lệ thất nghiệp tự nhiên, do quá trình thay đổi công việc hay do không muốn đi làm, chứ không phải thất nghiệp do không thể có việc làm.

Thầy Triệu hóm hỉnh lấy dẫn chứng "ví dụ như sau khi ra trường, bạn lấy chồng là đại gia, nên chưa muốn đi làm, như vậy không phải thất nghiệp".

Còn PGS.TS Lê Thị Thu Thủy - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương - cho biết hiện trong đề án tuyển sinh các trường đều phải có thống kê về tình trạng sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp.

Thống kê này của Trường ĐH Ngoại thương những năm gần đây cho thấy tỉ lệ có việc làm của sinh viên sau một năm ra trường dao động ở rất cao, đạt mức 96-97%.

Trong những năm qua, nhiều trường - trong đó có Trường ĐH Ngoại thương, đang đổi mới mạnh mẽ về chương trình đào tạo, trong đó đặc biệt tăng cường gắn kết giữa lý luận và thực tiễn, giúp sinh viên thuận lợi tiếp cận công việc sau khi ra trường.

Cho rằng câu hỏi này khá "nhạy cảm" và cần tường minh để tránh hiểu nhầm, TS Nguyễn Đào Tùng - Trưởng ban quản lý đào tạo Học viện Tài chính, cho rằng lo lắng về tình trạng thất nghiệp với sinh viên ngành kinh tế có thể là thông tin đã rất cũ, từ những năm 2011 khi nền kinh tế đang rơi vào suy thoái, chứ hoàn toàn không phải câu chuyện thời sự hôm nay.

"Hiện nay, kinh tế tăng trường liên tục, nên các em hoàn toàn yên tâm khi lựa chọn nhóm ngành kinh tế" - ông Tùng nhấn mạnh.

tu van5

Hàng ngàn học sinh tham dự chương trình - Ảnh: NGỌC QUANG
 

Ngành mới: Vì dễ mở ngành hay do nhu cầu thị trường?

Một số thí sinh bày tỏ cảm giác vừa hào hứng trước việc năm 2019 các trường kinh tế mở ra nhiều ngành mới, nhưng không giấu nỗi lo lắng việc mở ngành mới đó "xuất phát từ việc nghiên cứu nhu cầu nhân lực từ thị trường hay chỉ đơn giản đó là những ngành mà trường dễ mở?".

"Trường ĐH Kinh tế quốc dân năm nay mở đến 7 ngành mới, trong đó có những ngành tên rất lạ. Em tò mò ngành khoa học dữ liệu trong kinh doanh và khoa học kinh tế, tại sao kinh tế lại lại liên quan đến khoa học dữ liệu?".

Đáp lại băn khoăn này, PGS Bùi Đức Triệu khẳng định các ngành mới mở đều xuất phát từ thực tiễn nền kinh tế, nhằm đón kịp xu thế cách mạng 4.0, chủ yếu với thị trường mới có nhu cầu nhân lực cao.

Với ngành khoa học dữ liệu trong kinh doanh và khoa học kinh tế, trường đã tổ chức những hội thảo có sự tham gia các cựu sinh viên thành đạt thì được ủng hộ rất lớn vì nhu cầu nhân lực của ngành còn mới mẻ này ở Việt Nam rất lớn.

"Làm kinh tế là gì? Thực ra, đó chính là số liệu. Khoa học dữ liệu nằm trong tất cả các lĩnh vực, còn ngành mà Trường ĐH Kinh tế quốc dân mở là khoa học dữ liệu trong kinh doanh và khoa học kinh tế. Dữ liệu lớn thì là ngành mới, rất phát triển.

Nếu các em có quyết tâm thì đây là ngành vô cùng triển vọng. Nhưng lưu ý chọn ngành này thì các em phải học môn toán ở mức khá giỏi và ngành này sẽ học hoàn toàn bằng tiếng Anh" - ông Triệu nhắn nhủ.

tu van6

PGS.TS. Bùi Đức Triệu, ĐH Kinh tế quốc dân, tư vấn tận tình cho các em học sinh
Ảnh: NGỌC QUANG

 

Có 20 ngày để đăng ký dự thi

Trước các băn khoăn của các bạn học sinh, TS Sái Công Hồng- Phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Bộ GD- ĐT cho biết sắp tới Bộ GD-ĐT sẽ công bố lịch đăng ký dự thi THPT quốc gia.

Tuy nhiên, ở thời điểm này có thể khẳng định thí sinh sẽ có 20 ngày để đăng ký dự thi, đồng thời đăng ký ban đầu về nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học.

Vì vậy, chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp được tổ chức tại Hải Phòng ngày 10-3, trước thời điểm bắt đầu đăng ký dự thi - có ý nghĩa rất quan trọng. Thí sinh có cơ hội để tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi quyết định chọn môn thi, ngành đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng.

Ông Hồng đặc biệt lưu ý thí sinh về việc lựa chọn bài thi tổ hợp. Theo quy chế, thí sinh có quyền đăng ký bài thi khoa học tự nhiên hoặc bài thi khoa học xã hội hoặc đăng ký cùng lúc cả bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội.

Trong trường hợp thí sinh phải đăng ký cả hai bài thi thì bắt buộc phải dự thi cả hai bài vì nếu đã đăng ký mà bỏ thi thì thí sinh sẽ không được xét tốt nghiệp THPT.

"Không được xét tốt nghiệp THPT thì thí sinh cũng sẽ không đủ điều kiện để xét tuyển vào các trường đại học" - ông Hồng nhấn mạnh.

Theo thống kê của Bộ GD-ĐT, năm 2018, có một số thí sinh đăng ký dự thi cả bài thi khoa học tự nhiên và khoa học xã hội, nhưng có lẽ vì thấy kết quả làm bài khoa học tự nhiên tốt nên đã không dự thi khoa học xã hội. Rất đáng tiếc khi những thí sinh này theo quy chế không được xét tốt nghiệp THPT.

Riêng với Hải Phòng, ông Hồng bày tỏ niềm tin với kết quả thi, kết quả học tập của thí sinh bởi ngay trong năm 2018 thì điểm trung bình các môn thi của Hải Phòng đều vượt mức trung bình của cả nước. Thậm chí, một số môn thí sinh Hải phòng có điểm trung bình nằm trong 10 địa phương có điểm thi cao nhất trên toàn quốc.

Trong khi đó, chia sẻ về giáo dục nghề nghiệp, ông Đỗ Văn Giang - Phó vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, khẳng định giáo dục nghề nghiệp luôn rộng cửa đón thí sinh với cơ chế tuyển sinh quanh năm.

Đặc biệt, năm 2019, thông tư về quy chế tuyển sinh còn tạo thêm nhiều hướng mở cho thí sinh để "khẳng định đại học không phải con đường duy nhất trên con đường lập thân, lập nghiệp".

Trong đó, năm 2019 sẽ bổ sung đối tượng tuyển sinh vào cao đẳng từ nguồn học sinh tốt nghiệp trung cấp nhưng đã đảm bảo kiến thức THPT theo quy định với đối tượng giáo dục thường xuyên được Bộ GD-ĐT công nhận.

Ngoài ra, các em học sinh tốt nghiệp THCS và đảm bảo trình độ văn hóa THPT, được công nhận hoàn thành chương trình học THPT cũng sẽ được tuyển sinh vào cao đẳng.


Theo VĨNH HÀ - NGỌC HÀ
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây