Ngành Luật kinh tế - “người phán xử” của thời hội nhập

Thứ hai - 18/03/2019 17:57:55
 
Trong xu thế hội nhập tất yếu của nền kinh tế Việt Nam, quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong nước cũng như với doanh nghiệp nước ngoài ngày càng phát triển mạnh mẽ. Đà phát triển ấy đòi hỏi ở thị trường Việt một hệ thống quy phạm pháp luật chặt chẽ cùng nguồn nhân lực được đào tạo bài bản đóng vai trò “cầu nối”.
 
Nganh Luat kinh te

Nhiều cơ hội việc làm rộng mở cho cử nhân Luật kinh tế tại các tập đoàn, doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài
 

Như một “người phán xử” của kinh tế Việt thời hội nhập, ngành Luật kinh tế ngày càng thể hiện tầm quan trọng trong việc duy trì, vận hành quan hệ kinh tế; đồng thời trở thành một lựa chọn đầy triển vọng cho nhiều bạn trẻ.

Để hội nhập thành công, không thể thiếu nền tảng Luật kinh tế

Quá trình hội nhập trước tiên luôn là hội nhập về mặt kinh tế, do đó, sở hữu hành lang pháp lý chặt chẽ cùng đội ngũ những “người phán xử” chất lượng sẽ là điều kiện cần để thị trường Việt có thể đứng vững giữa “biển lớn” WTO, AEC,… Các doanh nghiệp Việt, dù hoạt động trên bất kỳ lĩnh vực nào cũng đều cần đến một bộ phận pháp lý, đảm bảo về mặt pháp luật cho các hoạt động kinh doanh, đồng thời là “cánh tay tham mưu” chiến lược để cạnh tranh lành mạnh, phát triển vững chắc. Đặc biệt, các tập đoàn, doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào “sân chơi” Việt hầu như đều cần đến nhân sự pháp lý Việt để thuận lợi gia nhập “cuộc chơi” kinh tế.

Đứng trước làn sóng ấy, nền kinh tế đang “khát” một lượng lớn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực pháp lý. Vị trí công việc cho các Cử nhân Luật kinh tế cũng vì thế trở nên vô cùng đa dạng: Chuyên viên pháp lý tại các doanh nghiệp; Chuyên viên thực hiện dịch vụ pháp lý tại các Tổ chức dịch vụ pháp luật, Văn phòng luật sư; Chuyên viên lập pháp, hành pháp, tư pháp trong các cơ quan nhà nước;... Ngoài ra, những bạn trẻ có năng lực làm việc độc lập còn có thể thử sức ở vai trò Tư vấn viên tài chính - pháp lý độc lập.

Yêu cầu nào cho những “người phán xử” tương lai của kinh tế Việt Nam?

Trong thị trường lao động đầy cạnh tranh của thời hội nhập, các bạn trẻ yêu thích Luật kinh tế không chỉ cần đến đam mê mà còn phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định để có thể nắm bắt những cơ hội nghề nghiệp đắt giá.

 

Nganh Luat kinh te1

Chương trình đào tạo theo hướng ứng dụng tại HUTECH giúp sinh viên trải nghiệm nghề nghiệp
 

Đầu tiên, mang đặc thù của một ngành nghề thuộc lĩnh vực pháp lý, người làm nghề luật luôn phải đối diện với những mặt trái của đời sống kinh tế. Do đó, bản lĩnh vững vàng, luôn là điều cốt yếu nhất để một luật sư, chuyên viên pháp lý vượt qua cám dỗ. Bản lĩnh này hình thành dựa trên những tố chất bẩm sinh; đồng thời phát triển trên nền tảng trải nghiệm của bản thân người học với ngành học của mình.

Bên cạnh đó, tư duy logic, năng lực phản biện vốn là đặc thù của nhân sự ngành luật cũng là những yêu cầu không thể thiếu. Các kỹ năng mềm bổ trợ như giao tiếp, thuyết phục, giải thích vấn đề,... đều đóng vai trò quan trọng trong việc giúp luật sư, chuyên viên pháp lý tương tác với thân chủ, ban quản trị của mình, giúp xây dựng niềm tin, bảo vệ tốt thân chủ trong mọi trường hợp cần thiết.

Thực tiễn và trải nghiệm - yếu tố quan trọng khi chọn trường học Luật kinh tế

Một môi trường năng động, giúp sinh viên phát triển được những năng lực nghề nghiệp cần thiết trên đây chắc chắn sẽ là lựa chọn hàng đầu với thí sinh yêu thích ngành Luật kinh tế. Một tín hiệu đáng mừng là trong xu thế hiện đại hóa môi trường, nâng cao chất lượng đào tạo, nhiều trường đại học đã chú trọng hơn đến yếu tố ứng dụng, kỹ năng khi đào tạo Luật kinh tế.

 

Nganh Luat kinh te2

Cuộc thi học thuật “Rung chuông vàng” của sinh viên ngành Luật kinh tế HUTECH
 

Chẳng hạn, tại trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH), để trang bị cho sinh viên Luật kinh tế “bộ kỹ năng” chuyên môn cần thiết, trường đã tăng cường tối đa thời lượng thực tế tại doanh nghiệp, tòa án, viện kiểm sát...; thường xuyên tổ chức các cuộc thi học thuật nâng cao năng lực phản biện, xử lý tình huống hay các  “phiên tòa giả định” để sinh viên có cái nhìn toàn diện, bao quát nhất về ngành học mà mình theo đuổi.

Những trải nghiệm thực tế từ trên giảng đường là xuất phát điểm quan trọng để sinh viên Luật kinh tế trở nên “cứng cáp”, sẵn sàng tham gia vào hành trình hội nhập trong tương lai.

Thông tin xét tuyển ngành Luật Kinh tế ở một số trường Đại học:

- Đại học HUTECH: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), C00 (Văn, Sử, Địa), D01 (Toán, Văn, Anh) theo kết quả thi THPT quốc gia; hoặc xét tuyển học bạ lớp 12 với tổng điểm 3 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm trở lên; hoặc xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.

- Đại học Kinh tế Luật - ĐHQG TP.HCM: Xét tuyển các tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa), A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh), D90 (Toán, KHTN, Anh) xét tuyển theo kết quả thi THPT Quốc gia; hoặc xét tuyển thẳng; hoặc xét tuyển kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP.HCM.

 

Theo TienPhong

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây