Giúp học sinh chọn lựa nghề nghiệp từ lớp 10

Thứ ba - 19/07/2022 07:23:16

Khác với những năm học trước, ngay từ những ngày đầu tiên khi chính thức trở thành học sinh lớp 10 năm nay, học sinh đã phải lựa chọn môn học cho định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
 
Giúp học

Năm học 2022 - 2023, các trường THPT sẽ triển khai chương trình Giáo dục phổ thông 2018, trong đó có nhiều thay đổi về chương trình học so với trước đây. Có những môn học bắt buộc và tự chọn phù hợp năng lực bản thân, định hướng chọn ngành nghề. Việc này đòi hỏi học sinh (HS) ngay từ lớp 10 phải chọn tổ hợp môn học phù hợp với giáo dục nghề nghiệp ở bậc đại học và cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.

Lựa chọn trong điều kiện các trường đáp ứng được

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM, hầu hết các trường đều xây dựng các tổ hợp hài hòa giữa nguyện vọng của phụ huynh, HS và điều kiện của nhà trường về cơ sở vật chất, đội ngũ để đảm bảo thực hiện đúng chương trình. Cho nên, HS có thể lựa chọn môn học mình yêu thích trên điều kiện các trường có thể đáp ứng được.

Ông Nguyễn Anh Dũng, Hiệu trưởng Trường THPT Tân Bình (Q.Tân Phú, TP.HCM), cho biết nhà trường đã tổ chức họp phụ huynh HS và giới thiệu chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các môn học bắt buộc. Ngoài ra, nhà trường xây dựng 8 tổ hợp môn để HS đăng ký lựa chọn. Ông Dũng thông tin mỗi tổ hợp bao gồm 4 môn như: địa lý, kinh tế và pháp luật, vật lý, tin học hay vật lý, hóa học, địa lý, tin học…

Bên cạnh đó, nhà trường xây dựng cụm chuyên đề có các môn tương ứng với khối thi để phù hợp với các tổ hợp môn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Căn cứ vào phương án tổ chức nói trên, phụ huynh và HS bàn bạc dựa trên sở thích, năng lực, định hướng của mỗi gia đình, của từng HS để có lựa chọn phù hợp.

Chọn tổ hợp trên định hướng vào đại học

Còn tại Trường THPT Bùi Thị Xuân (Q.1), khoảng 700 phụ huynh HS lớp 10 đã được thông tin về việc tổ chức dạy 15 tổ hợp môn gắn với khối thi đại học. Chẳng hạn, ngoài 3 môn thuộc khối A, HS lựa chọn một trong 3 tổ hợp môn lịch sử, công nghệ, tin học hoặc địa lý, công nghệ, tin học hay sinh học, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học. Những HS có định hướng học khối A1, ngoài 3 môn toán, vật lý, tiếng Anh thì sẽ chọn một trong các tổ hợp: hóa học, lịch sử, công nghệ, tin học hay hóa học, địa lý, công nghệ, tin học…

Ông Nguyễn Hùng Khương, Hiệu phó Trường THPT Bùi Thị Xuân, cho biết nhà trường tư vấn cho phụ huynh HS việc chọn tổ hợp dựa trên định hướng nghề nghiệp của các trường đại học mà HS dự định học trong tương lai. Ngoài ra, trong quá trình lựa chọn, HS có thể dựa vào năng lực bản thân để chọn môn học phù hợp. Nếu có thế mạnh các môn lý, hóa thì chọn các tổ hợp tự nhiên hay thế mạnh là sử, địa thì chọn tổ hợp xã hội…

Dự báo có thể HS sẽ thay đổi môn học sau một thời gian nhận thấy tổ hợp đã chọn đầu năm học chưa phù hợp, ông Khương cho hay nhà trường tổ chức lớp bổ sung kiến thức. Ví dụ, HS chọn tổ hợp có môn vật lý nhưng không có môn hóa học và vẫn còn phân vân thì có thể đăng ký lớp bổ sung môn hóa học hoặc các môn khác ngay đầu năm để nếu đến giữa học kỳ 1 HS sẽ có thể đăng ký lựa chọn lại.

Đừng nôn nóng đi học thêm

Thực tế dù Sở GD-ĐT TP.HCM quy định HS trúng tuyển nộp hồ sơ nhập học từ ngày 12.7 nhưng các trường THPT đều dành thời gian để phụ huynh HS tìm hiểu, suy nghĩ bàn bạc trước khi có quyết định chính thức.

Chính vì vậy, thạc sĩ Phạm Phương Bình, Hiệu phó Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP.Thủ Đức), chia sẻ phụ huynh và HS cần nghiên cứu kỹ, trao đổi hoặc nếu cần thiết có thể tham khảo tư vấn của thầy cô, có thể sử dụng các bộ công cụ trắc nghiệm đánh giá năng lực phù hợp nghề nghiệp mà nhiều chuyên gia hướng nghiệp ở các trường đại học xây dựng.

“Nếu như trước đây HS vào trường nhập học và trong 3 năm học mới được định hướng và chọn ngành nghề, nhiều trường hợp HS đến lớp 12 vẫn chưa xác định nghề học ở bậc đại học thì nay phải đưa ra quyết định chọn lựa từ năm lớp 10. Chính vì thế cần có sự hỗ trợ từ phía cha mẹ và nhà trường để giúp các em có quyết định đúng đắn nhất”, ông Bình nhận định.

Với riêng phụ huynh HS, Hiệu phó Trường Nguyễn Hữu Huân cũng chia sẻ, một số phụ huynh thường có tâm lý nôn nóng cho con học thêm trước một số môn trong thời gian nghỉ hè. Điều này cũng không nên vì hiện chương trình giảng dạy, môn học, sách giáo khoa chưa có quyết định cuối cùng nên việc học chắc chắn không hiệu quả và tạo thêm áp lực cho HS.

Phụ huynh đừng vội mua sách giáo khoa mới

Đặc biệt, thạc sĩ Phạm Phương Bình lưu ý, hiện nay TP.HCM chưa quyết định về việc sử dụng sách giáo khoa cho năm học mới nên cần bình tĩnh theo hướng dẫn của nhà trường trong việc mua sách, tránh nôn nóng mua không đúng sách giáo khoa. Chỉ mua sách khi có thông tin và hướng dẫn của trường và đã có xếp lớp theo môn học tự chọn. Vì sẽ có một số môn HS không chọn nên nếu mua cả bộ sách sẽ lãng phí, không sử dụng hoặc có thể mỗi môn học sử dụng của các nhà xuất bản khác nhau.


Theo Bích Thanh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây