Xét tuyển sớm:Vì sao có ngành 10 điểm/môn mới trúng tuyển?

Thứ tư - 05/07/2023 07:13:20


Các trường ĐH đang công bố kết quả xét tuyển các phương thức tuyển sinh sớm. Đáng chú ý, năm nay thí sinh tham gia xét tuyển giảm, nhưng điểm chuẩn nhiều ngành ở nhiều trường công lập cao chót vót. Thậm chí có ngành thí sinh phải đạt đủ 10 điểm một môn mới trúng tuyển.

Có ngành TS phải đạt tối thiểu IELTS 8.0

Một sự đối lập trong bức tranh xét tuyển sớm của các trường ĐH năm nay là mặc dù giảm số lượng thí sinh (TS) đăng ký nhưng điểm chuẩn nhiều ngành vẫn tăng so với năm ngoái.

Chẳng hạn với phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, điểm xét tuyển đối với TS diện ưu tiên xét tuyển thẳng là tổng điểm trung bình học lực 3 năm THPT (trường hợp đồng điểm, xét thêm tiêu chí phụ từ các giải thưởng). Ở nhiều ngành của trường, để trúng tuyển theo phương thức này, TS cần đạt điểm trung bình 3 năm theo tổ hợp môn trên 9 điểm. Điểm chuẩn nhiều ngành như công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo trung bình mỗi môn từ 9,8 - 9,9. Riêng ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến), trung bình mỗi môn TS phải đạt 10 điểm mới trúng tuyển cho cả 2 cách xét tuyển. Cũng ngành khoa học máy tính, khi xét theo phương thức kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả THPT, TS phải đạt tối thiểu IELTS 8.0 và điểm trung bình 3 năm THPT từ 9,5 trở lên.

Xét tuyển theo


Nhiều ngành của Trường ĐH Bách khoa TP.HCM cũng có điểm chuẩn rất cao. Theo cách tính điểm phương thức ưu tiên xét tuyển, điểm chuẩn là tổng điểm trung bình các môn thuộc tổ hợp xét tuyển của các năm lớp 10, 11 và 12. Với thang điểm tối đa 90, nhiều ngành của trường lấy điểm chuẩn ở mức cận kề như: khoa học máy tính 86,9; nhóm ngành kỹ thuật hệ thống công nghiệp, logistics và quản lý chuỗi cung ứng 86,1; kỹ thuật máy tính 85,7…

Phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của ĐH Quốc gia TP.HCM của Trường ĐH Kinh tế - luật cũng có 4.242 hồ sơ đăng ký xét tuyển với 13.493 nguyện vọng. Đây là các TS đạt học lực giỏi 3 năm THPT hoặc là thành viên đội tuyển tham dự kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, học tại 149 trường THPT theo quy định. Tất cả các ngành đều có điểm chuẩn từ 80 điểm trở lên (thang điểm 90). Để trúng tuyển, TS phải có điểm trung bình mỗi môn học theo tổ hợp xét tuyển từ 8,9 trở lên. Nhiều ngành điểm chuẩn từ mức 87 trở lên như: thương mại điện tử, marketing, kinh tế quốc tế.

Rất nhiều ngành của Trường ĐH Mở TP.HCM TS cần đạt trung bình từ 9 điểm trở lên mới trúng tuyển. Trong đó, 3 ngành điểm chuẩn từ mức 28 trở lên gồm: khoa học máy tính, kinh doanh quốc tế và marketing.

Được xác định từ điểm trung bình 3 năm THPT nhưng điểm chuẩn xét tuyển học sinh giỏi Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM) cũng có 8 ngành điểm chuẩn từ mức 27 - 28 điểm.

Kỷ lục điểm chuẩn thi năng lực

Trong khi không ít trường lấy điểm chuẩn phương thức điểm kỳ thi đánh giá năng lực dưới mức điểm trung bình thì nhiều trường điểm chuẩn cao chót vót. Chẳng hạn Trường ĐH Kinh tế TP.HCM điểm chuẩn tối thiểu từ 800, trong đó 15 ngành từ mức điểm 900 trở lên, riêng ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng có điểm chuẩn lên tới 985/1.200.

So với năm ngoái, điểm chuẩn các ngành năm nay của Trường ĐH Công nghệ thông tin TP.HCM đều tăng. Trong đó, ngành cao nhất lên tới 970/1.200 điểm của bài thi đánh giá năng lực, 5 ngành có điểm chuẩn trên mức 900 gồm: khoa học máy tính, trí tuệ nhân tạo, kỹ thuật phần mềm, công nghệ thông tin và khoa học dữ liệu.

Khoa Y (ĐH Quốc gia TP.HCM) năm nay có 2 phương thức liên quan đến điểm kỳ thi đánh giá năng lực, trong đó có ngành cận kề mức 1.000 điểm. Ở phương thức xét riêng điểm thi năng lực, ngành y khoa có điểm chuẩn 934, ngành răng - hàm - mặt 902 điểm. Với phương thức kết hợp kết quả thi đánh giá năng lực với kết quả học tập THPT,

3 ngành có điểm chuẩn trên 900 gồm: y khoa (980,2 điểm); răng - hàm - mặt (965,2 điểm) và dược học (955,4 điểm).

Đặc biệt nhất phải kể đến Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Điểm chuẩn ngành cao nhất của trường năm nay là khoa học máy tính (chương trình tiên tiến). TS cần đạt từ 1.035/1.200 điểm mới trúng tuyển ngành học này - mức điểm chuẩn cao nhất từ khi có kỳ thi này tới nay.

Điểm chuẩn chỉ cao với ngành "hot"

Lý giải việc điểm chuẩn nhiều ngành ở mức cao, thạc sĩ Trần Vũ, Trưởng phòng Thông tin - truyền thông Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, cho rằng có nhiều nguyên nhân. Thứ nhất là điểm chuẩn cao chỉ rơi vào một số ngành nhiều TS quan tâm. Trong khi đó, các trường hiện áp dụng nhiều phương thức tuyển sinh khác nhau cho cùng một ngành. Với những ngành "hot" với cùng mức chỉ tiêu đó nhưng nhiều TS điểm cao cùng nộp hồ sơ nên mức độ cạnh tranh trở nên khốc liệt.

Thạc sĩ Vũ nêu ví dụ với ngành khoa học máy tính (chương trình tiên tiến) năm nay xét tuyển tổng cộng 80 chỉ tiêu theo nhiều phương thức. Ở phương thức ưu tiên xét tuyển thẳng xét 1 - 5% chỉ tiêu tương ứng 1 - 4 TS, ưu tiên xét tuyển chiếm 10 - 20% chỉ tiêu - khoảng 8 - 16 TS. Còn phương thức xét tuyển dựa vào chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp điểm học tập THPT, trường lấy từ

8 - 15% chỉ tiêu mỗi ngành nên tính ra khoảng 10 TS trúng tuyển. Ở phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, dù tổng số lượng hồ sơ đăng ký giảm nhưng các TS có điểm cao vẫn xét tuyển vào trường.

Thạc sĩ Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế - luật, cho biết năm 2023 điểm chuẩn phương thức ưu tiên xét tuyển tăng mạnh so với năm ngoái do TS xét tuyển tăng. Phương thức xét điểm kỳ thi đánh giá năng lực, trường nhận trên 12.000 hồ sơ với gần 26.000 nguyện vọng. Tuy nhiên, chất lượng điểm của các TS vào trường ở mức cao. Biểu hiện cụ thể là những TS trúng tuyển vào trường đều thuộc top 30% TS có điểm cao nhất của kỳ thi năm nay, với điểm trung bình trúng tuyển các ngành ở mức 849 điểm. Dù vậy, mức điểm trung bình trúng tuyển năm nay vẫn thấp hơn năm 2022 (năm 2022 là 853 điểm).

Điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển sớm ở nhiều trường dù có ngành điểm cao nhưng mức điểm có xu hướng giảm so với năm trước đó. Chẳng hạn, điểm chuẩn xét tuyển dựa vào kỳ thi đánh giá năng lực Trường ĐH Nông lâm TP.HCM các ngành đều từ 700 - 800 điểm. Tuy nhiên, so với năm 2022, điểm chuẩn có xu hướng giảm ở một số ngành. Năm 2022 điểm chuẩn nhiều ngành như: công nghệ kỹ thuật cơ khí, công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô, công nghệ kỹ thuật nhiệt, công nghệ kỹ thuật năng lượng tái tạo, kỹ thuật điều khiển và tự động hóa… ở mức 800 nhưng năm nay chỉ trong khoảng trên 700.

Ngay cả Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM, dù có ngành điểm chuẩn cao ở mức kỷ lục nhưng có ngành vẫn giảm so với năm ngoái. Ví dụ, phương thức xét điểm thi năng lực, các ngành có mức chênh lệch điểm chuẩn rất cao, 600 - 1.035 điểm. Trong đó có tới 6 ngành điểm chuẩn chỉ ở mức 600 - thấp hơn mức điểm chuẩn thấp nhất của năm ngoái.

 

Theo Hà Ánh
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây