Nhiều năm qua, điểm chuẩn đầu vào chuyên ngành Logistics và chuỗi cung ứng của Khoa Kinh tế - Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam luôn ở mức cao nhất trường.
Kỳ tuyển sinh đại học năm học 2024-2025 đang diễn ra cùng với nhiều cung bậc cảm xúc của các gia đình có con em dự tuyển, trúng tuyển và không ít các phân tích, đánh giá về chất lượng tuyển sinh, điểm chuẩn, cơ hội học tập và nghề nghiệp tương lai của lứa học sinh 2K6.
Một trong những vấn đề được các bậc phụ huynh, sinh viên quan tâm nhiều là điểm chuẩn vào các ngành của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trong đó có ngành Logistics và chuỗi cung ứng.
Theo thống kê của phóng viên, ngành Logistics và chuỗi cung ứng nhiều năm qua có điểm xét tuyển đầu vào cao nhất Trường Đại học Hàng hải Việt Nam, trở thành ngành “hot” của ngôi trường này.
Để trả lời cho câu hỏi vì sao ngành này nhiều năm lại duy trì mức điểm đầu vào như vậy (dao động từ 26 đến 26,75 điểm), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng – Phó trưởng khoa Kinh tế (Trường Đại học Hàng hải Việt Nam).
Theo phân tích của Tiến sĩ Hồng, trước tiên phải nói đến tầm nhìn và sự chỉ đạo, quan tâm của lãnh đạo nhà trường đối với ngành Logistics và chuỗi cung ứng.
Nhà trường luôn xác định rõ vai trò của logistics trong các hoạt động hàng hải nói riêng cũng như hoạt động kinh tế nói chung và nhu cầu nguồn nhân lực trong ngành này.
Vì vậy, lãnh đạo trường đã luôn quan tâm, chỉ đạo xây dựng chương trình đào tạo trên cơ sở khảo sát các bên có liên quan bao gồm người sử dụng lao động, nhà khoa học, sinh viên và cựu sinh viên,…
Từ đó, thiết kế chương trình đào tạo phù hợp với nhất với nhu cầu xã hội. Chương trình đào tạo Logistics và chuỗi cung ứng của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam đảm bảo sự hài hoà giữa các khối kiến thức, đồng thời tích hợp đào tạo các kỹ năng và phẩm chất, thái độ cho người học.
Các chuẩn đầu ra được thể hiện rõ ràng, hướng tới các tiêu chuẩn của nhân lực chất lượng cao cho ngành Logistics và chuỗi cung ứng.
Không những thế, chương trình đào tạo của ngành này còn được cập nhật đều đặn 2 năm một lần để đảm bảo theo sát diễn biến thực tế thị trường lao động việc làm, đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội ở các giai đoạn khác nhau.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Thúy Hồng cho rằng, trong số các cơ sở giáo dục đại học đào tạo logistics và chuỗi cung ứng hiện nay, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam được xem là một trong những đơn vị tiên phong và đã khẳng định được tên tuổi, uy tín nhiều năm nay.
“Trong gần 70 năm hình thành và phát triển của nhà trường, kinh nghiệm hơn 60 năm đào tạo nhân lực ngành Kinh tế vận tải biển là yếu tố quan trọng để triển khai đào tạo nhân lực cho ngành Logistics vì hai ngành đào tạo này có nhiều điểm tương đồng.
Ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh đào tạo cử nhân Logistics năm 2012, ngành này đã gần như ngay lập tức thu hút sự quan tâm của đông đảo phụ huynh và học sinh.
Năm đầu tiên tuyển sinh, điểm đầu vào của ngành Logistics và chuỗi cung ứng thấp nhất Khoa Kinh tế. Tuy nhiên, điểm đầu vào tăng dần mỗi năm và trở thành ngành có điểm đầu vào cao nhất trường khoảng 6 năm trở lại đây.
Số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển luôn ở mức cao là một trong những nguyên nhân kéo điểm chuẩn của ngành lên vị trí hàng đầu nhiều năm nay trong bảng điểm chuẩn tuyển sinh của trường”, Tiến sĩ Hồng nói.
Cũng theo vị Phó trưởng khoa Kinh tế, một trong những nguyên nhân nữa phải kể đến là năng lực kết nối doanh nghiệp của Khoa Kinh tế (Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam), đơn vị chuyên môn được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý đào tạo ngành Logistics và chuỗi cung ứng.
Tận dụng lợi thế vị trí của trường, nằm tại thành phố Hải Phòng - thủ phủ của các hoạt động logistics khu vực phía Bắc Việt Nam, Khoa Kinh tế đã chủ động tìm kiếm và hợp tác với các doanh nghiệp logistics, cảng biển và vận tải biển trong và ngoài thành phố.
Đến nay, cùng với các doanh nghiệp, Khoa Kinh tế đã tạo ra một mạng lưới các đối tác đào tạo gồm khoảng hơn 200 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực logistics.
Trong số đó, có nhiều công ty đa quốc gia như hãng tàu COSCO, hãng tàu CMA-CGM, hãng tàu SITC,….
Các doanh nghiệp khai thác cảng biển lớn và vận tải biển lớn của Việt Nam như Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam…
Các doanh nghiệp logistics như Yusen logistics, Star Concord logistics, Bee Logistics, Gemadept logistics…
Không ít các doanh nghiệp đã ký kết các thoả thuận hợp tác dài hạn hoặc các bản ghi nhớ hợp tác với Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và với Khoa Kinh tế để hỗ trợ các hoạt động thực tập, thực hành, đào tạo và tuyển dụng sinh viên mới tốt nghiệp,…
Tiến sĩ Hồng chia sẻ: “Mỗi năm, hàng trăm lượt sinh viên Logistics và chuỗi cung ứng được các doanh nghiệp tiếp nhận, hướng dẫn nghiệp vụ trong các đợt thực tập kéo dài từ 1-3 tháng.
Các sinh viên được doanh nghiệp bắt tay chỉ việc, đào tạo nghiệp vụ thông qua trải nghiệm thực tế, có cơ hội học hỏi để hoàn thành tốt chương trình đào tạo.
Không ít sinh viên được doanh nghiệp phát hiện và sẵn sàng ký hợp đồng lao động ngay khi chưa tốt nghiệp đại học.
Đặc biệt, theo thống kê của Khoa Kinh tế, khoảng 50% sinh viên năm cuối, thông qua kỳ thực tập tốt nghiệp, được doanh nghiệp nhận vào làm việc trước khi hoàn thành chương trình học đại học”.
Ở một góc độ khác, theo Tiến sĩ Hồng, các doanh nghiệp cũng đang được Khoa và nhà trường hỗ trợ thông qua các khoá đào tạo chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp cho nhiều đối tượng gồm cả nhân viên mới và cán bộ quản lý.
Các khoá học này do Trung tâm đào tạo Logistics Tiểu vùng Mê Kông – Nhật Bản (do Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản Jica tài trợ cho Việt Nam, được đặt dưới sự quản lý của Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam) tổ chức.
Trung tâm này được trang bị cơ sở vật chất hiện đại, mô phỏng đầy đủ các hoạt động logistics, giúp người học trải nghiệm thực tế ngay tại không gian phòng học.
Đặc biệt là tiện ích này không chỉ dành cho doanh nghiệp, cho lao động đang làm việc mà cho cả sinh viên ngành logistics của nhà trường.
Một số học phần chuyên môn được tổ chức giảng dạy ngay tại trung tâm cho phép sinh viên nắm bắt thực tế dễ dàng hơn nhờ kết hợp giảng dạy lý thuyết kết hợp hướng dẫn thực hành và quan sát trực tiếp thao tác nghiệp vụ.
Tiến sĩ Hồng phân tích, nguyên nhân cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng là nguồn lực giảng viên của Trường Đại học Hàng hải Việt Nam trong đào tạo nhân lực Logistics và chuỗi cung ứng.
Hiện nay, chịu trách nhiệm trực tiếp trước nhà trường về chất lượng đào tạo cử nhân ngành Logistics và chuỗi cung ứng là Bộ môn Logistics thuộc Khoa Kinh tế.
Khoảng 70% giảng viên của bộ môn đã có trình độ Tiến sĩ, được đào tạo đúng chuyên ngành tại các trường đại học uy tín ở nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Australia, Trung Quốc,… với độ tuổi trung bình từ 37-40.
Số còn lại đều được tuyển dụng theo yêu cầu khắt khe của nhà trường và đều đã có kế hoạch để đào tạo, nâng cao trình độ tại nước ngoài.
Các thầy cô có chuyên môn, năng lực sư phạm tốt, nhiệt huyết, tận tâm với công việc là những người truyền lửa cho các thế hệ sinh viên logistics, góp phần không nhỏ trong việc đào tạo nhân lực cho sự phát triển của ngành logistics của thành phố Hải Phòng nói riêng, Việt Nam nói chung.
(*) Mời các bạn xem VTV tư vấn chọn ngành học, chọn trường phù hợp tại đây!
Theo Lã Tiến
Giáo dục Việt Nam
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC