Sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM có quá ít thời gian rảnh rỗi?

Chủ nhật - 20/10/2024 17:25:00


Theo khảo sát từ hơn 21.000 sinh viên Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM,  đa số có thời gian rảnh rỗi từ 1-4 giờ/ngày, thậm chí ít hơn.
 

sinh viên


Tại Lễ Khai khóa của Đại học (ĐH) Quốc gia TP.HCM sáng 20-10, nhóm nghiên cứu của ĐH Quốc gia TP.HCM đã chia sẻ kết quả nghiên cứu về mối quan hệ giữa việc sử dụng thời gian rỗi với hiệu quả học tập và sự hài lòng về cuộc sống đại học của sinh viên tại Ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM.

PGS.TS Nguyễn Phương Thảo (Trường ĐH Quốc tế), đại diện nhóm nghiên cứu, cho biết khảo sát được thực hiện trên hơn 21.655 câu trả lời từ sinh viên các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia TP.HCM đang sống tại ký túc xá, phần lớn học các trường Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH KHXH&NV, Trường ĐH Khoa học tự nhiên.

Sinh viên được lấy ý kiến thông qua phần mềm của Trung tâm Quản lý ký túc xá ĐH Quốc gia TP.HCM. Trong đó, 29,2% học năm nhất; 26,74% năm thứ hai; 24,38% sinh viên năm thứ 3 và 16,01% đang học năm tư.

Nhiều sinh viên có ít hơn 1 giờ rảnh/ngày

Thống kê cho thấy một ngày của sinh viên khá bận rộn. Phần lớn có thời gian rỗi từ 2-4 giờ/ngày (chiếm 66.71%); 22.95% có thời lượng thời gian rỗi từ 1-2 giờ/ngày; 10% có ít hơn 1 giờ rỗi.

Sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí, xem phim, nghe nhạc, sử dụng mạng xã hội. Đây là các hoạt động được lựa chọn nhiều nhất.

Sinh viên cũng quan tâm đến phát triển bản thân, tuy nhiên mức độ quan tâm này khá khiêm tốn so với các hoạt động khác.

 

sinh viên1

Khảo sát cho thấy sinh viên chủ yếu dành thời gian rảnh rỗi để nghỉ ngơi, thư giãn và giải trí.


Khảo sát cho thấy sinh viên ít khi đặt mục tiêu rõ ràng, lập danh sách việc cần làm hoặc lên kế hoạch cụ thể cho thời gian rảnh rỗi của mình. Họ còn hạn chế trong quản lý thời gian, tìm hiểu sở thích và sắp xếp các hoạt động hợp lý.

Cạnh đó, sinh viên nhận thức rõ tầm quan trọng của việc chủ động sử dụng thời gian rỗi và hiểu rằng việc sử dụng nó hiệu quả có thể mang lại cảm giác hạnh phúc, vui vẻ.

Tuy nhiên, một số sinh viên vẫn còn những quan niệm chưa đúng về việc lập kế hoạch cho thời gian rỗi, cho rằng việc đó là lãng phí thời gian. Từ đây cho thấy sinh viên chưa thực sự hiểu rõ lợi ích của việc lên kế hoạch. Đa số nhận định sức khỏe và các yếu tố xã hội, gia đình ảnh hưởng lớn đến cách sử dụng thời gian rỗi của mình.

Đánh giá về sự hài lòng về cuộc sống đại học, sinh viên cảm thấy hài lòng với cuộc sống đại học hiện tại, đặc biệt là sự cân bằng giữa học tập và các hoạt động ngoại khóa.

Cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè

Về hiệu quả học tập, theo nhóm nghiên cứu thực hiện khảo sát, trong môi trường ĐH, sinh viên đối mặt với nhiều áp lực trong quá trình học tập.

Đa số cho rằng họ cảm thấy áp lực khi so sánh với bạn bè và áp lực thi cử. Đó chính là "áp lực đồng trang lứa” tại môi trường đại học.

 

sinh viên2

Chỉ số kết quả khảo sát về hiệu quả học tập của sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM.


Từ kết quả khảo sát này, theo PGS.TS Nguyễn Phương Thảo, nhóm nghiên cứu nhận định đa số sinh viên thể hiện thái độ tích cực đối với thời gian rảnh rỗi. Tuy nhiên, họ cần cải thiện kỹ năng quản lý, lên kế hoạch cho khoảng thời gian này.

Phần lớn sinh viên dành nhiều thời gian cho việc nghỉ ngơi, giải trí nhưng ít chú ý đến việc quản lý và lên kế hoạch sử dụng thời gian rỗi. Tuy nhiên, kết quả cho thấy có mối liên hệ chặt chẽ giữa cách sinh viên sử dụng thời gian rỗi và sự hài lòng của họ đối với cuộc sống đại học, cũng như ảnh hưởng đến khả năng tập trung và hiệu quả học tập.

Do đó, các bạn cần cải thiện kỹ năng quản lý, lên kế hoạch cho khoảng thời gian này.

Sinh viên cũng cần chủ động học tập, trải nghiệm, tích cực tham gia các hoạt động phong trào, rèn luyện sức khỏe, phát triển kỹ năng, từ đó khơi dậy được lý tưởng sống.

Theo Phạm Anh
Pháp luật Tp.HCM

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   
COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây