Kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006 được đánh giá có tính đổi mới, đề thi sát với thực tế. Mặc dù cấu trúc định dạng đề không thay đổi, nhưng có nhiều nội dung gợi mở phù hợp với lứa thí sinh học cả chương trình cũ và mới. Đây cũng là tiền đề cho kỳ thi năm 2025.
Đề thi tốt nghiệp 2025 sẽ tránh được tình trạng “trúng tủ”
Đánh giá sơ bộ Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng cho biết, kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi, công tác chuẩn bị, tổ chức được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Kết thúc 2 ngày thi, cả nước có 30 thí sinh bị xử lý kỷ luật vì vi phạm quy chế thi. Trong đó, số thí sinh bị đình chỉ thi môn Ngữ văn có 12 em, Sinh học có 4 em, các môn khác đều có 1 - 2 thí sinh vi phạm quy chế đến mức bị đình chỉ. Những thí sinh này sẽ bị hủy kết quả toàn bộ bài thi, không được công nhận tốt nghiệp. Ngoài ra có 3 thí sinh bị khiển trách, đồng nghĩa bị trừ 25% số điểm bài thi; 1 thí sinh bị cảnh cáo, trừ 50% điểm. Năm ngoái, 41 thí sinh bị đình chỉ vì mang tài liệu và điện thoại vào phòng thi hoặc phòng chờ. Trong đó, 2 thí sinh ở Cao Bằng, Yên Bái dùng điện thoại chụp ảnh, gửi đề thi Văn và Toán ra ngoài, sau đó bị khởi tố. Bộ GD-ĐT đã huy động gần 8.000 cán bộ, viên chức các cơ sở giáo dục đại học để tổ chức 63 đoàn kiểm tra công tác coi thi tại 63 Sở GD-ĐT. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, các đoàn kiểm tra đã kịp thời phát hiện những bất cập, hạn chế và vi phạm, báo cáo Tổ trực thanh tra của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến Ban Chỉ đạo cấp quốc gia xử lý theo quy định.
Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi nằm trong chương trình THPT, có sự phân hóa phù hợp, bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp THPT và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Đây cũng là định hướng của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025. Đề thi của kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ càng ngày càng hướng đến mục tiêu có tính vận dụng, phân hóa cao để cho các trường đại học thuận lợi trong việc tuyển sinh.
Đối với thông tin đề Văn bị lộ và lan truyền trên mạng xã hội trước ngày thi, Bộ GD-ĐT khẳng định, việc có người đoán trúng là “ngẫu nhiên”, đề thi được bảo mật tuyệt đối. Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết, cách ra đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ thay đổi vì khi thực hiện “một chương trình nhiều sách giáo khoa” thì ngữ liệu sẽ đến từ nhiều sách giáo khoa. Ngoài ra, cũng có thể dùng ngữ liệu bên ngoài để tránh việc văn mẫu.
Lưu ý cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT
Bộ GD-ĐT cho biết, kết quả điểm thi sẽ được công bố vào 8h ngày 17-7. Thí sinh và phụ huynh lưu ý cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT. Theo quy chế, điểm xét tốt nghiệp không chỉ phụ thuộc vào kết quả thi tốt nghiệp THPT mà còn căn cứ trên kết quả học tập của lớp 12.
Cụ thể, đối với học sinh THPT, điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN) được tính theo công thức sau: ĐXTN = {(Tổng điểm 4 bài thi tốt nghiệp THPT + tổng điểm khuyến khích)/4 x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên. Trong đó, tổng điểm 4 bài thi bao gồm: Toán + Văn + Anh + điểm trung bình của bài thi tổ hợp; Điểm trung bình cả năm lớp 12: Được tính bằng công thức (ĐTB kỳ 1 + ĐTB kỳ 2x2)/3; Điểm ưu tiên gồm: Điểm ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực.
Với học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT, công thức tính ĐXTN như sau: ĐXTN = {(Tổng điểm 3 bài thi tốt nghiệp THPT/3 + tổng điểm khuyến khích/4) x 7 + điểm trung bình cả năm lớp 12 x 3}/10 + điểm ưu tiên. Trong đó, tổng điểm 3 bài thi: Toán + Văn + điểm trung bình của bài thi tổ hợp. Điểm khuyến khích là điểm thưởng dành cho các giải thưởng học sinh giỏi các môn văn hóa, các kỳ thi văn nghệ, thể dục thể thao, khoa học kỹ thuật cấp tỉnh trở lên theo quy định của Bộ GD-ĐT. Điểm khuyến khích tối thiểu là 1 và tối đa là 2.
Đối với học sinh giáo dục thường xuyên, điểm khuyến khích tối thiểu là 1 và tối đa là 4 dành cho thí sinh có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp, chứng chỉ ngoại ngữ hoặc tin học theo quy định của Bộ GD-ĐT. Điểm ưu tiên là điểm áp dụng với các đối tượng chính sách như thương bệnh binh, anh hùng lực lượng vũ trang, người dân tộc thiểu số, người ở địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, xã hải đảo, biên giới, người nhiễm chất độc hóa học. Mức điểm ưu tiên từ 0,25 - 0,5 điểm. Trong trường hợp thí sinh đủ điều kiện dự thi nhưng không có điểm trung bình cả năm lớp 12 theo quy định chỉ dùng điểm thi của các bài thi tốt nghiệp THPT để tính điểm xét công nhận tốt nghiệp.
Theo Duy Anh
Ý kiến bạn đọc
TIN MỚI
TIN KHÁC