iPhone 14 bản Mỹ dùng eSIM, 'người chơi hệ xách tay' Việt xôn xao

Thứ sáu - 09/09/2022 07:20:50

Apple công bố loạt iPhone 14 Series tại Mỹ loại bỏ khay SIM vật lý, chỉ sử dụng eSIM có thể ảnh hưởng tới việc kinh doanh cũng như sử dụng iPhone xách tay tại Việt Nam.
 
iPhone 14

eSIM (thẻ SIM điện tử) gắn trên iPhone lần đầu tiên từ thế hệ XR, XS, XS Max năm 2018. Tại sự kiện ra mắt iPhone 14 mới đây, Apple đã có một quyết định táo bạo khi loại bỏ hoàn toàn khay SIM vật lý trên các model phát hành ở Mỹ, chỉ sử dụng eSIM. Tại các thị trường khác vẫn phát hành máy có khay SIM bình thường.

Quyết định này chỉ áp dụng tại Mỹ nhưng sẽ có ảnh hưởng ít nhiều tới một số quốc gia khác, trong đó có Việt Nam khi người tiêu dùng đã quen thuộc với các hình thức máy xách tay. Hiện tại, tiêu chuẩn cũng như công nghệ eSIM không phải quốc gia nào trên thế giới cũng triển khai. Ở Việt Nam cũng chỉ có 3 nhà mạng lớn triển khai eSIM tới người dùng.

Đáng chú ý, Mỹ luôn là nguồn cung iPhone xách tay lớn tại Việt Nam khi đa phần thiết bị đang sử dụng ở mảng này mang mã LL/A (Mỹ). Một số thị trường khác có thể kể đến như Singapore, Hồng Kông, Nhật Bản, châu Âu nhưng không phổ biến bằng. Ngoài các phiên bản quốc tế, iPhone lock cũng chủ yếu bắt nguồn từ các nhà mạng Mỹ như T-Mobile, AT&T, Sprint, Verizon...

Đối với máy xách tay Mỹ phiên bản không khóa mạng, người dùng có thể không gặp trở ngại gì đáng kể bởi vẫn có thể đăng ký với nhà mạng Việt Nam để gắn gói cước vào eSIM có sẵn trên máy (chỉ áp dụng với MobiFone, VinaPhone, Viettel). Tuy nhiên, eSIM tại Việt Nam vẫn chưa thực sự thịnh hành, có những bất tiện nhất định trong quá trình sử dụng như chất lượng kết nối sóng viễn thông, số điện thoại "gắn chết" theo máy nên việc thay thế phức tạp hơn...

Anh Quốc Huy, chuyên viên kỹ thuật iPhone (TP.HCM) cho biết khi dùng eSIM, trường hợp máy hư hỏng thì người dùng buộc phải tới đại lý của nhà mạng để đăng ký làm lại eSIM với giá 25.000 đồng, số tiền tuy không lớn nhưng mất thời gian, công sức bởi phải ra tận điểm dịch vụ để được hỗ trợ, trong khi trước đây chỉ cần tháo thẻ SIM ra và thay sang máy mới.

"Nếu sóng chập chờn muốn kiểm tra thì phải nạp eSIM mạng khác vào máy chứ không đơn giản tháo ra gắn vô lại như iPhone dùng SIM vật lý. Chưa kể có trường hợp lỗi eSIM, tắt mở đủ cách không giải quyết được. Nhà mạng báo SIM bình thường nhưng sóng không có, buộc hủy eSIM cũ, làm lại mới dùng được", anh Huy lấy ví dụ.

Trong khi đó, một người chuyên kinh doanh iPhone đã qua sử dụng tại TP.HCM cũng tỏ ra lo lắng về sự thay đổi này. Theo anh, nguồn cung hàng có thể dè dặt hơn trước để thăm dò thị trường cũng như đánh giá tác động của sự thay đổi trước khi quyết định đầu tư. Việc này có thể khiến số lượng máy dạng xách tay trở nên khan hiếm hơn.

"Trước đây, không ít iPhone LL/A nhập về Việt Nam thông qua giới đầu cơ gom hàng từ Trung Quốc. Hiện Trung Quốc vẫn chưa dùng eSIM nên không loại trừ khả năng dân buôn tại đây sẽ 'án binh bất động', thậm chí ngừng nhập hàng vì lo sợ về sức tiêu thụ", người này đánh giá.

Viễn cảnh kinh doanh còn xấu hơn với giới buôn iPhone lock (khóa mạng). Việc ghép một bảng mạch siêu mỏng vào khay SIM vật lý để kích hoạt máy khóa mạng đã trở thành điều bắt buộc trong nhiều năm qua nhưng Apple loại bỏ thành phần này trên máy sẽ khiến những người chuyên bẻ khóa iPhone phải tìm được biện pháp xử lý mới thông qua phần mềm. Dù máy lock tại Việt Nam vẫn có thể nạp được eSIM nhưng điều kiện bắt buộc là thiết bị đã được "unlock" bằng thủ thuật thông qua mã ICCID và SIM ghép vật lý trước đó. Thiếu đi thao tác này, iPhone lock với eSIM trở nên vô dụng tại Việt Nam.

Thị trường iPhone lock vốn đã ảm đạm từ đầu tháng 5.2022 do mã ICCID "chết" khiến giá máy giảm sâu thì nay tiếp tục nhận một tin tiêu cực khác. Nhiều người dùng cho biết họ sẽ chuyển sang bản khóa mạng của Nhật do vẫn còn SIM vật lý, tuy nhiên số lượng máy không nhiều.

Theo anh Xà Quế Nguyên, CEO hệ thống Hnam Mobile, đối với ngạch hàng xách tay, ngoài máy Mỹ thì người dùng Việt Nam còn có thêm lựa chọn phiên bản quốc tế từ Hồng Kông (2 SIM vật lý) hay Singapore (1 SIM vật lý, 1 eSIM). "Các model từ hai thị trường trên vẫn được ưa chuộng tại Việt Nam và cũng ra mắt sớm bằng Mỹ, nên người dùng vẫn có thể lựa chọn để sở hữu sớm", anh Nguyên chia sẻ.

Anh Nguyễn Lạc Huy, đại diện CellphoneS nhận định chuyện sử dụng eSIM mang lại nhiều lợi ích cho nhà sản xuất về mặt hoàn thiện sản phẩm, đồng thời hạn chế hiện tượng hàng xách tay bán chéo vùng (không đúng thị trường được phân phối).

Anh nói: "Động thái mới của Apple sẽ thúc đẩy các nhà mạng phát triển mạnh công nghệ eSIM, loại bỏ hoàn toàn công nghệ cũ cũng như tình trạng SIM rác, nhắn tin spam đồng thời kiểm soát việc các đối tác vi phạm chính sách bán hàng sai vùng miền".

Theo một chuyên gia công nghệ, bên cạnh vài bất tiện liên quan đến thay đổi thói quen sử dụng SIM vật lý đã hình thành từ khi điện thoại di động ra đời, một lợi ích quan trọng eSIM mang lại là trong trường hợp mất máy, kẻ gian không thể tháo được SIM hay hủy eSIM có trên máy nên khả năng tìm lại thiết bị dễ hơn. "Apple luôn tạo ra được một xu hướng nào đó trên thị trường mỗi khi ra mắt sản phẩm, dịch vụ và lần loại bỏ SIM vật lý này có thể không phải ngoại lệ", anh Huy nhận định.

 
Theo Anh Quân
Thanh niên
 Tags: eSIM

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây