Công nghệ 5G mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng sức ảnh hưởng của nó cũng có thể khiến cho người dùng không được an toàn.
Mạng 5G có tốc độ nhanh hơn khoảng 100 lần so với mạng 4G, với độ trễ hoặc thời gian trễ thấp hơn tới 25 lần và có thể hỗ trợ kết nối đến một triệu thiết bị trong phạm vi 1 km2. Công nghệ này còn giúp tiết kiệm năng lượng và các thiết bị ít hao tốn điện năng hơn.
Công nghệ 5G mang lại nhiều lợi ích to lớn, nhưng sức ảnh hưởng của nó cũng có thể khiến cho người dùng không được an toàn. Cũng giống như những nền tảng công nghệ mới nâng cấp khác, mạng 5G tiềm ẩn nhiều rủi ro. Theo những dự đoán về công nghệ mạng 5G năm 2020 của hãng bảo mật Kaspersky, sự gia tăng đáng kể về số lượng và tốc độ truyền phát dữ liệu của các thiết bị sẽ dẫn đến nhiều mối đe dọa.
Lỗ hổng của dịch vụ viễn thông và cơ sở hạ tầng
Khi những cải tiến 5G ngày càng phổ biến, thì những bất cập sẽ dễ xuất hiện trong các thiết bị 5G, cũng như mô hình khách hàng và cách thức quản lý của các cơ quan chức năng. Điều này có khả năng dẫn đến việc những kẻ tấn công sẽ phá hủy cơ sở hạ tầng viễn thông, theo dõi hoặc làm chuyển hướng truy cập của khách hàng.
Chính phủ cần thiết lập năng lực sử dụng các kỹ thuật xác nhận khách quan và chuyên biệt để đánh giá cả người sử dụng và nhà cung cấp 5G, nhằm phát hiện ra các lỗi và quy định các bản sửa lỗi trên toàn quốc.
Mối quan tâm về quyền riêng tư và sự an toàn của người dùng
Sự ra đời của mạng 5G với phạm vi ngắn chắc chắn sẽ đồng nghĩa với việc nhiều trạm thu phát sóng được triển khai trong các trung tâm thương mại và tòa nhà. Với bộ công cụ phù hợp, bất kỳ ai cũng có thể thu thập và theo dõi vị trí chính xác của người dùng. Một vấn đề khác là các nhà cung cấp dịch vụ 5G sẽ có quyền truy cập rộng vào lượng lớn dữ liệu được gửi bởi thiết bị của người dùng, bằng cách đó họ có thể biết được chính xác những gì đang diễn ra bên trong nhà của họ thông qua siêu dữ liệu về môi trường sống, những tham số và các thiết bị cảm biến trong nhà. Dữ liệu như vậy có thể tiết lộ thông tin riêng tư của người dùng hoặc có thể bị thao túng và sử dụng sai mục đích.
Các nhà cung cấp dịch vụ cũng có thể bán dữ liệu đó cho các công ty dịch vụ khác, chẳng hạn như các công ty quảng cáo, những dữ liệu này có thể giúp họ tìm kiếm thêm khách hàng mới. Trong một số trường hợp, các lỗ hổng bảo mật còn có thể đe dọa đến sức khỏe của người dùng, chẳng hạn như có thể khiến các tiện ích trị liệu sức khỏe của khách hàng bị ngắt kết nối và không hoạt động. Các mối đe dọa tiềm tàng sẽ còn nguy hiểm hơn khi các thành phần cơ sở hạ tầng quan trọng có nguy cơ bị đe dọa.
Cách đảm bảo an toàn cho thiết bị và dữ liệu của người dùng khi trực tuyến
Sử dụng VPN để ngăn người lạ truy cập dữ liệu của bạn khi không được phép, cũng như theo dõi hoạt động trực tuyến của bạn.
Thiết lập mật khẩu mạnh. Luôn sử dụng một mật khẩu mạnh trên tất cả thiết bị. Các chuỗi dài gồm các ký tự ngẫu nhiên, đa dạng, bao gồm chữ hoa, chữ thường, ký hiệu và số, là một trong những cách đặt mật khẩu có độ bảo mật cao nhất.
Cập nhật mật khẩu mặc định trên tất cả thiết bị IoT. Làm theo hướng dẫn trên thiết bị về cách cập nhật thông tin đăng nhập kiểu “quản trị/mật khẩu” cho các tiện ích. Để tìm hiểu thông tin này, hãy tham khảo hướng dẫn kỹ thuật từ nhà sản xuất hoặc liên hệ trực tiếp với họ.
Luôn cập nhật các bản vá bảo mật trên tất cả thiết bị IoT. Bao gồm điện thoại di động, máy tính, tất cả thiết bị nhà thông minh và thậm chí cả hệ thống thông tin giải trí trên ô tô. Hãy nhớ rằng, bất kỳ thiết bị nào kết nối với internet, bluetooth hoặc dữ liệu radio khác đều phải có bản cập nhật mới nhất (từ những ứng dụng, firmware, hệ điều hành..).
Theo Thành Luân
Thanh niên