Trưởng thành từ suất học bổng ẩn danh

Thứ tư - 08/05/2019 18:25:17

Bận rộn, Văn vẫn không quên trả ơn những suất học bổng ngày xưa với việc giúp đỡ sinh viên khó khăn, hướng dẫn cách xin học bổng du học, trao đổi kinh nghiệm làm việc với những sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường.

hocbong
 

Học kỳ II năm học 2005-2006, cậu sinh viên năm 2 Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) Trần Nguyễn Lê Văn nhận được suất học bổng 800.000 đồng/học kỳ từ những người bạn không biết là ai. Chỉ biết đó là học bổng của cựu sinh viên trao thông qua trường, và Văn là một trong những sinh viên được xét tặng. Cuộc đời cậu sinh viên thay đổi từ đó. 

"Lúc đầu, khi nhận học bổng tôi cũng tự hỏi ủa sao người ta... dư tiền đến vậy - Văn kể lại, từ tốn - Nhưng rồi tôi cũng nghiệm ra những người thật sự muốn cho đi là những người không muốn nhận lại gì cho mình, dù chỉ để người khác biết tên".

Khi ai đó giúp một người khác, cũng giống như họ đang trồng một hạt giống vậy. Hạt giống đó sẽ nảy mầm, sinh trưởng và sẽ tỏa bóng mát cho những hạt mầm khác.

Khi ấy, Văn học ngành Công nghệ thông tin. Ngoài học bổng này, Văn cũng nhận thêm một số học bổng từ những tập đoàn, doanh nghiệp, công ty khác. Văn bảo: "Nhận học bổng, vui chứ. Đầu tiên mình chỉ tập trung học mà không lo học phí nữa. Thứ hai, ngoài gia đình thì học để không phụ lòng những người đã giúp mình". 

Văn ngưng lại một chút rồi quả quyết: "Chỉ có thành công, sống tử tế, giúp ích được cho những người khác mới là cách trả ơn đúng đắn nhất với những người giúp mình".

Như được tiếp thêm động lực, ngoài duy trì thành tích học tập tốt tại trường, Văn thành lập CLB kỹ năng sống, mời những đàn anh về chia sẻ kinh nghiệm làm việc cho những bạn sinh viên đồng trang lứa. 

Ra trường, đi làm cho một công ty nhưng Văn vẫn tiếp tục những công việc của CLB. 

"Nhờ những việc này, tôi được học bổng đi học khóa lãnh đạo ở Úc một tuần. Luôn có những cơ quan, tổ chức hỗ trợ bạn khi bạn làm những công việc có ích cho cộng đồng" - Văn tự nhủ vậy.

Năm 2011, Văn xin được một suất học bổng toàn phần học thạc sĩ ở Mỹ. Trong những ngày nghỉ ở bang Arizona, bạn nằm ở ký túc xá đọc báo thấy dòng người xếp hàng vất vả mua vé xe về quê ăn tết ở Việt Nam. 

"Tại sao ở Mỹ không ai xếp hàng mua vé xe, vé máy bay khổ sở như vậy, có cách nào giải quyết không?" - chàng du học sinh đặt câu hỏi cho mình và trả lời bằng cách: xách balô về nước, bỏ ngang khóa học.

Hiện nay, công ty về phần mềm đặt vé xe của Văn có 120 nhân viên làm việc thường xuyên, và đến nay đã có cả triệu lượt người truy cập mua vé xe. 

"Thấy một vấn đề xã hội, thay vì ta thán, tôi lại thích bắt tay vào giải quyết nó. Nếu tôi chỉ làm việc cho bản thân, gia đình mình thì tôi sẽ suy nghĩ nhỏ thôi. Nhưng suy nghĩ cho cộng đồng mình sẽ nghĩ rộng ra, làm nhiều hơn và cái tôi nhỏ bé của mình sẽ thu hẹp lại" - Văn trầm ngâm.

Bận rộn với công việc, Văn vẫn không quên "trả ơn" những suất học bổng ngày xưa với việc giúp đỡ sinh viên khó khăn, hướng dẫn sinh viên cách xin học bổng du học, đi trao đổi kinh nghiệm làm việc với những bạn sinh viên đang ngồi trên ghế nhà trường. 

Với phương châm "cho đi nhiều hơn sẽ nhận được nhiều hơn", Trần Nguyễn Lê Văn chia sẻ: "Khi ai đó giúp một người cũng giống như họ đang trồng một hạt giống vậy. Hạt giống đó sẽ nảy mầm, sinh trưởng và sẽ tỏa bóng mát cho những hạt mầm khác". 
 

Theo Hà Bình 
Tuổi trẻ

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây