Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn LĐ liên tục tố nhau

Thứ ba - 11/06/2019 13:22:48
Hai bên liên tục có lời qua, tiếng lại tố cáo nhau khiến mâu thuẫn ngày càng thêm trầm trọng.
 
daihoctonducthang

Cuộc chiến giữa Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn lao động khởi phát từ sự kiện cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng tố cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn lao động yêu cầu trích nộp “không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế” và những vi phạm khác. Đáp lại, Tổng Liên đoàn tố trường thông tin sai sự thật, tố hiệu trưởng trường này chống lệnh, lạm quyền. 
 
2 ngày 2 cuộc họp báo
 
Ngay khi thông tin cán bộ, giảng viên Trường ĐH Tôn Đức Thắng tố cơ quan chủ quản là Tổng Liên đoàn lao động xuất hiện trên mặt báo, ngày chủ nhật 9-6, Tổng liên đoàn tổ chức họp báo thông tin về những vấn đề báo chí nêu.
 
Báo Người lao động, số ra ngày 10-6 dẫn lời của lãnh đạo Tổng liên đoàn khẳng định: Không có chuyện bắt Trường ĐH Tôn Đức Thắng nộp 30% chênh lệch thu chi. Đồng thời cũng khẳng định trường được Đảng, nhà nước và công đoàn đầu tư rất lớn…
 
Trường ĐH Tôn Đức Thắng ngay lập tức có thông tin đáp lại rằng: Đại diện Tổng liên đoàn phát biểu chưa chính xác. 
 
Ngày 10-6, Tổng liên đoàn tiếp tục có buổi họp báo thứ 2. Trong buổi gặp gỡ này, Tổng liên đoàn tố Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng chống lệnh, lạm quyền, thông tin sai sự thật, không chấp hành quy định của cấp có thẩm quyền… dù  Tổng LĐLĐ Việt Nam luôn sẵn sàng trao đổi, thảo luận một cách dân chủ với nhà trường về những vấn đề nhà trường quan tâm, đề xuất… thì đáng tiếc là lãnh đạo nhà trường đã sử dụng diễn đàn truyền thông để có những phát ngôn không đúng về Tổng LĐLĐ Việt Nam.
 
Đề cập đến vệc đòi nộp 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, Tổng liên đoàn cho biết theo quy định tại Quy định 1684 năm 2006 của Tổng LĐLĐ Việt Nam, "đơn vị tự bảo đảm kinh phí hoạt động phải trích nộp cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp tối đa không quá 30% kết quả tài chính sau khi đã nộp thuế, mức cụ thể do cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp quyết định".
 
Trong văn bản góp ý của các ban thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam đối với quy chế tổ chức, hoạt động của nhà trường tiếp tục nêu nội dung này nhưng căn cứ Quyết định 158 ngày 29-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ, Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam đã quyết định không thu của trường.
 
"Việc nêu nội dung trên chỉ là kiến nghị của đoàn kiểm tra và ý kiến của ban chuyên môn Tổng LĐLĐ Việt Nam, không phải là chỉ đạo của Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam. Hằng năm, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng không giao dự toán phải nộp nghĩa vụ cho trường và thực tế đến nay hoàn toàn không thu của trường khoản tiền nào" - thông cáo báo chí nêu rõ.
 
Đáp lại thông tin tại buổi họp báo lần 2 của Tổng liên đoàn, Trường ĐH Tôn Đức Thắng “trân trọng ghi nhận việc Tổng Liên đoàn vừa thông báo không yêu cầu trích nộp. Quả thật, quyết định này dù ban hành trễ, song phù hợp với pháp luật”;
 
Tuy nhiên, Nhà trường cũng khẳng định rằng Tổng Liên đoàn đã gửi văn bản số 1933/TLĐ ngày 29/11/2017 về việc yêu cầu trích nộp. Văn bản này không phải là văn bản của đoàn kiểm tra vì người ký văn bản thừa lệnh đoàn chủ tịch (không phải là quyền của trưởng đoàn kiểm tra) và sử dụng con dấu chính thức của TLĐ
Nóng trên mạng xã hội
 
Việc Trường ĐH Tôn Đức Thắng và Tổng Liên đoàn liên tục đấu tố nhau đã thu hút sự chú ý của dư luận. 
 
Trên trang cá nhân của mình, PGS-TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, có dùng tít: “Hãy vì sinh viên mà dẹp cái tôi của mình, lợi ích cá nhân của mình trong cuộc chiến không hồi kết ở một số trường ĐH hiện nay”. Dòng tít này nhận được nhiều ý kiến phản hồi.
Một người có nick Đàm Q. Minh, bình luận: Thực ra tranh luận là tốt, làm sáng tỏ cơ chế vận hành. TDTU xứng đáng là game changer của ĐH công lập tự chủ.
 
Tuan Nguyen, viết: Có thể hậu quả cuộc chiến này sẽ thay đổi cách quản lý giáo dục sau phổ thông
 
Hoang Ngoc Vinh, viết: Tranh đấu vì ai nếu không phải vì sinh viên?
 
Ut V. Le, viết: Nếu đồng ý trích nộp thì người đầu tiên bị ảnh hưởng chính là các sinh viên;  “Cuộc chiến” bên trong các đại học khác với cuộc chiến về cơ chế. Cuộc chiến về cơ chế dù thế nào thì sẽ có lợi cho cả hệ thống”
 
Nick khác có tên là Le Truong Tung, viết: Tranh luận về tài chính-tổ chức-nhân sự ở trường ĐH TĐT là case study rất tốt cho Luật GDĐH mới. Thanks TĐTU
GS.TS Trần Đức Viên: Chuyện "chia phần" đậm nét xôi thịt 
 
Với tình hình như hiện nay, “cuộc chiến” giữa 2 bên sẽ không dừng lại. Việc này nếu để tiếp diễn và xử lý không khéo sẽ đổ vỡ một mô hình tốt về tự chủ- ý kiến của GS.TS Trần Đức Viên, Chủ tịch Hội đồng trường Học viện Nông Nghiệp Việt Nam trên báo Dân trí.
 
GS Viên cho rằng sự việc ở trường ĐH Tôn Đức Thắng hiện nay là một trong những điển hình nhất về việc thực hiện tự chủ, cũng là một dịp tốt để Ban soạn thảo Nghị định qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật số 34 chỉnh sửa, bổ sung.
 
Theo GS Trần Đức Viên, tinh thần của Nghị quyết 19-NQ/TW và của Luật số 34, Hội đồng trường (HĐT) là cơ quan quyền lực cao nhất, đại diện cho chủ sở hữu; ở các cơ sở giáo dục (CSGD) công lập thiết chế này là chủ sở hữu cộng đồng.
 
Ở đó, có đại diện chủ sở hữu của các bên có lợi ích liên quan (đại diện của tổ chức đảng, cơ quan chủ quản, cộng đồng xã hội, địa phương, người sử dụng lao động, doanh nghiệp, sinh viên, cựu sinh viên, phụ huynh, giảng viên, viên chức, lãnh đạo Nhà trường...), họ đại diện cho nhà nước và các chủ thể khác quản trị trực tiếp trường đại học. Đây còn là thiết chế thể hiện quyền dân chủ của CSGD.
 
Như vậy, đại diện cơ quan chủ quản là một thành phần đương nhiên của HĐT theo Luật định, nhưng vai trò của họ không phải là để chỉ đạo, để truyền đạt ý chí và nguyện vọng của lãnh đạo cơ quan chủ quản và yêu cầu CSGD phải thực hiện như thời còn cơ chế chỉ huy tập quyền.
 
Tư tưởng chỉ đạo của Nghị quyết 19/NQ-TW cũng nói rõ phải tiến tới bỏ cơ chế chủ quản; với các đơn vị sự nghiệp công lập, các trường đại học đã tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên sẽ hoạt động theo mô hình như doanh nghiệp, thậm chí có quyền tổ chức thi tuyển và thuê hiệu trưởng. Chính vì vậy, cơ quan chủ quản chỉ có một vai trò hạn chế trong HĐT (không còn toàn quyền quyết định như với các CSGD chưa tự chủ).
 
Trả lời phóng viên Báo Dân trí về câu hỏi: Học viện Nông nghiệp có phải thực hiện nghĩa vụ nộp phần trăm số kết dư của trường với cơ quan chủ quản không?
 
GS Viên, đáp: Không, không bao giờ có chuyện “chia phần” đậm nét xôi thịt như vậy của cơ quan chủ quản đối với một CSGD trực thuộc. Đây là lần đầu tiên tôi nghe thấy “câu chuyện” thật như bịa lạ lùng này trong lịch sử giáo dục Việt Nam.

 
Theo Hà Anh 
saigonpress.net

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây