'Thương cho roi, cho vọt' với học trò thời nay, nên không?

Thứ năm - 16/05/2019 03:45:23

Vụ cô giáo Trường THCS Tô Hiệu, Thường Tín, Hà Nội bị kỷ luật vì bắt học sinh quỳ trước lớp đang gây ra ý kiến trái chiều trong cộng đồng mạng: người đồng tình, kẻ phản đối.

nha giap
 

Bối cảnh khác, thời thế khác, nên có những biện pháp đã rất thành công trong quá khứ lại có thể phản tác dụng trong thời hiện đại.

Chỉ có thể chịu nhục trước một người

Bảo vệ quan điểm "Thương cho roi, cho vọt" và đồng tình với hành vi bắt học sinh (HS) quỳ của cô giáo, nhiều người lấy chuyện của mình từ 40 năm trước từng bị thầy/cô phạt, nhẹ thì đánh vào tay, gõ vào đầu; nặng thì phải úp mặt vào góc lớp, nặng hơn thì phải quỳ... Và nhờ thế mới ngoan.

Hành vi phạt như vậy cách đây 40 năm, với một số người có thể là có tác dụng. Còn bao nhiêu người khác chưa lên tiếng rằng chỉ vì một lời chê bai, nhục mạ, một cái tát vào mặt của thầy/cô, một lần bị phê bình nêu tên trong giờ chào cờ đầu tuần trước toàn trường... mà đến nay vết thương vẫn còn âm ỉ, họ không dám về gặp bạn bè, thầy cô sau 40 năm?

Mỗi người, trong đó có HS, là một cá thể phức tạp. Cho nên phạt có thể có tác dụng với HS này mà lại tác hại với HS kia. Trong bối cảnh xã hội xưa, khi mà thầy/cô giáo có một vị trí thực sự cao quý (về tinh thần) trong xã hội, phụ huynh có niềm tin mạnh mẽ vào thầy/cô, vào nhà trường, "trăm sự nhờ thầy", truyền thông - báo chí còn hạn chế, đặc biệt chưa có mạng xã hội thì việc thầy/cô phạt trò chỉ trong lớp, trong trường biết.

Còn ngày nay, chưa đầy 1 phút cả thế giới đã biết. Con người ta chỉ có thể chịu nhục trước một người (mà nhiều khi phải van xin được giữ kín), còn trước cả thế giới, đó là điều không thể, là quá sức chịu đựng của họ. Vì thế, họ sẽ hoặc phản ứng lại (nếu có thế lực), còn nếu yếu thế, người đó sẽ mang thù hận trong lòng. 

Bản thân người đó sẽ không hạnh phúc và như thế khó mang hạnh phúc cho người khác, đó là chưa nói đến khả năng sẽ mang bất hạnh cho người khác, cho xã hội.

Yêu thương, tin tưởng

"Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Khi lớn, nhớ về tuổi thơ, tuổi học trò, có phải ta vẫn thường nhớ về những trò nghịch ngợm đó sao... Nói như thế không phải để bao biện cho những trò nghịch của HS, nhưng có lẽ chúng ta cũng không nên quá khắt khe, không nghiêm trọng hóa những trò nghịch ngợm của HS.

Nghịch và hư là khác nhau. Nhưng có lúc người lớn chúng ta, trong đó có giáo viên, vẫn chưa phân biệt rõ điều này. Bởi chúng ta đã đưa ra những khuôn khổ, ép HS vào những khuôn khổ đó. 

Ví như trường hợp em HS của Trường Tô Hiệu bị phạt quỳ trước lớp do nói chuyện trong lớp. Em ấy nói chuyện có thể vì bạn em ấy nói chuyện với em, có thể vì bài học với em không quan trọng, có thể vì cô giáo dạy không hấp dẫn, có thể có cả lý do em ấy chẳng thích học, mà chỉ thích vẽ, hát, chăn trâu... Muôn vàn lý do!

Khi HS chưa ngoan, HS vi phạm kỷ luật, dùng cách làm nhục trước lớp, trước trường và ngày nay nguy cơ là trước cả thế giới để HS ngoan là điều không thể. Có thể HS đó vì sợ bị làm nhục tiếp mà tạm thời khép vào khuôn khổ. Còn tổn thương tinh thần có thể lặn vào tâm lý, tính cách và có nguy cơ được "kế thừa" ở thế hệ sau.

Vậy thì khi có một hoặc một nhóm HS trong lớp hư, chưa ngoan, giáo viên cần phối hợp với gia đình, với các giáo viên khác, với nhà trường, quan trọng nhất là giáo viên cần nói chuyện với HS để hiểu HS hơn, tìm nguyên nhân và hướng giải quyết. 

Đặc biệt, giáo viên cũng cần tự xem lại mình, năng lực chuyên môn và năng lực yêu thương HS của mình đã đủ chưa, đặc biệt kỹ năng ứng xử của mình đã tốt chưa, giáo viên đã thử nói lời yêu thương và tin tưởng, khích lệ HS hay phạm lỗi ấy bao nhiêu lần? 

Tôi tin chỉ cần một lần nói lời yêu thương và tin tưởng, HS đó sẽ thay đổi theo hướng tích cực. Chiếm được lòng tin yêu của trò, việc giáo dục trở nên dễ dàng và là một trong những công việc thú vị, cao quý bậc nhất.

Xin được chia sẻ câu này: chê chỉ nói riêng với người đó, còn khen thì nên nói trước nhiều người!


 

Hiệu quả ít, hậu quả nhiều

Phạt học trò bằng bạo lực là "phép" cuối cùng của cô giáo, không nói cũng biết là cô bất lực rồi. Từ kinh nghiệm cả đời dạy học, qua nhiều cấp, tôi tin rằng dùng bạo lực là phép hiệu quả ít nhất mà hậu quả nhiều nhất. Không có gì làm con người, đặc biệt là trẻ nhỏ, cảm thấy vui, thích thú, phấn chấn khi được khen ngợi, được khích lệ, được tin tưởng, được tôn trọng, được cảm thấy "bình đẳng" với người lớn, với thầy/cô.

Về lý luận giáo dục, các chuyên gia hàng đầu của thế giới, đặc biệt là A. X. Makarenko, nhà giáo dục lỗi lạc của Xô Viết, đã suốt đời tâm huyết với quan điểm: yêu thương và tôn trọng HS. Về thực tiễn giáo dục, Phần Lan là quốc gia đứng đầu thế giới về giáo dục, mà nền tảng giáo dục của họ là niềm tin và sự tôn trọng.
 

Lê Tấn Thời (GV Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, huyện Chợ Mới, An Giang):

Kỷ luật tích cực

Khi học sinh phạm lỗi, các thầy cô giáo phải tìm được nguyên nhân và động cơ của những hành vi ấy. Khi đã hiểu rõ nhu cầu, hoàn cảnh, nguyên nhân của sai phạm, giáo viên nên giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Hay nói đúng hơn là phải có cách giải quyết hợp tình hợp lý.

Giáo dục hành vi, chứ không phê phán học sinh. Điều quan trọng nhất là giải thích để học sinh hiểu rõ và tự giác nhận ra lỗi lầm của mình, để từ đó điều chỉnh hành vi sai phạm và chấp hành quy tắc đã được thảo luận và nhất trí.

Việc áp dụng các phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực sẽ giúp học sinh có nhiều cơ hội chia sẻ, bày tỏ cảm xúc, được mọi người quan tâm, tôn trọng và lắng nghe ý kiến. Một môi trường giáo dục kỷ luật tích cực với những quy tắc ứng xử được thực hiện là thể hiện phẩm chất đạo đức người thầy.

Quan hệ thầy trò được nâng lên thành mối quan hệ chia sẻ, hợp tác, biến định hướng của giáo viên thành hành vi tự giác của học sinh và phòng ngừa những hành vi tiêu cực có thể xảy ra.

Giảng viên Trần Xuân Tiến:

Trách thầy cô nóng giận, liệu xã hội đã bình tâm?

Những ngày qua, câu chuyện cô giáo ở Hà Nội bị tạm đình chỉ đứng lớp vì phạt học sinh quỳ đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Trong số đó đã có khá nhiều bình luận có phần nóng vội và thiếu khách quan về sự việc. Nhất là những bình luận nhận xét gom đồng, cào bằng sự việc kể trên với những câu chuyện giáo viên bạo lực học đường khác từng xảy ra.

Đóng góp ý kiến chỉ thật sự có giá trị ý nghĩa và có hiệu quả khi ý kiến đó mang tính xây dựng, cho thấy trách nhiệm của người nói. Còn như chỉ để bình phẩm vô thưởng vô phạt thì thật dễ lắm thay. Liệu trong số chủ nhân của những lời phán xét bình luận kia có mấy ai chịu dừng chút suy nghĩ, thử đặt mình vào tình huống, hoàn cảnh của vấn đề để cảm nhận?

Liệu có mấy ai chịu lắng lòng để suy nghĩ trước, suy nghĩ sau cho những người nhận lời bình luận? Trách người thầy nóng giận với học trò, liệu xã hội đã bình tâm với người thầy hay chưa? Liệu phụ huynh đã thật sự đồng hành cùng thầy cô hay chưa, hay phó mặc hoàn toàn con trẻ cho thầy cô dạy dỗ? Liệu phụ huynh có chưa từng một lần trách phạt khi con trẻ chưa ngoan?

Không dưng mà các thầy cô bây giờ chỉ biết thở dài vì nghề giáo bây giờ khắc nghiệt và nguy hiểm lắm. Tai nạn nghề nghiệp xíu là mất hết sự nghiệp, danh dự. Nhưng chẳng lẽ cứ như vậy hay sao...
 

Theo Trần Thị Bích Hà 
Tuổi trẻ

 

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây