Thí sinh sẽ được chọn môn xét tuyển vào ĐH?

Thứ ba - 28/11/2023 18:31:50


Ở Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh các môn bắt buộc, học sinh bậc THPT được chọn môn học theo định hướng nghề nghiệp. Như vậy, những học sinh này có được lựa chọn môn trong tổ hợp xét tuyển vào ĐH từ năm 2025?

Thí sinh có thể lựa chọn những tổ hợp thế mạnh

Theo thạc sĩ Lê Phan Quốc, Phó trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, về bản chất việc xét tuyển theo tổ hợp môn hiện nay không bị tác động nhiều bởi Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Theo cách thức xây dựng tổ hợp xét tuyển nhiều năm nay, tùy theo đặc thù ngành đào tạo, các trường xây dựng nhiều tổ hợp xét phù hợp. Mỗi ngành học có nhiều tổ hợp xét tuyển, thí sinh (TS) có thể lựa chọn những tổ hợp thế mạnh của bản thân để đạt kết quả cao nhất khi tham gia xét tuyển.

Chẳng hạn tại Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, thạc sĩ Quốc cho biết trường có định hướng xét điểm trung bình tổ hợp 3 môn, trong đó 3 môn độc lập hoặc 2 môn gồm môn chính nhân hệ số 2. Tổ hợp này được áp dụng cho các phương thức xét từ kết quả thi tốt nghiệp THPT, thi đánh giá năng lực chuyên biệt và kết quả học tập THPT. Tuy nhiên, các môn cụ thể trong tổ hợp xét cần căn cứ trên thực tế dữ liệu các môn mà học sinh (HS) theo học trong chương trình THPT.

thí sinh sẽ được


Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM, cũng cho rằng việc xét tuyển vẫn theo tổ hợp môn để phù hợp với đặc thù từng ngành nghề đào tạo. Riêng với bài thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM, tiến sĩ Nhân cho rằng việc tăng thêm câu hỏi môn học mới của Chương trình GDPT 2018 là cần thiết để tăng cơ hội cho HS. Đồng thời với đó, TS được lựa chọn 3 trong số 6 môn của phần giải quyết vấn đề, cũng phù hợp với tinh thần chương trình mới.

"Nếu bài thi có cột điểm riêng từng phần, các trường có thể chủ động lựa chọn TS theo kết quả các bài thi phù hợp với ngành nghề. Trong đó, những ngành đòi hỏi kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên có thể xét TS theo các môn lý, hóa, sinh. Những ngành đòi hỏi kiến thức khoa học xã hội xét TS dự thi các môn lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật", tiến sĩ Nhân ý kiến.

Sẽ đưa một số môn học mới vào tổ hợp xét tuyển

Chia sẻ về những dự kiến sẽ thay đổi trong tuyển sinh của trường năm 2025, thạc sĩ Nguyễn Hứa Duy Khang, Phó phòng Đào tạo Trường ĐH Cần Thơ, cho biết trường sẽ rà soát lại các tổ hợp xét tuyển và để xây dựng các tổ hợp có những môn học mới của Chương trình GDPT 2018, theo tiêu chí phù hợp với ngành học.

Thạc sĩ Khang cho rằng nếu HS được hướng dẫn kỹ để chọn môn học đúng với năng lực, sở trường của mình ngay từ lớp 10, thì sẽ rất tốt cho việc chọn ngành học khi xét tuyển ĐH. Vấn đề là các trường ĐH sẽ rà soát lại và xây dựng các tổ hợp môn làm sao phù hợp với sự lựa chọn môn học, môn thi của các em trong Chương trình GDPT 2018.

"Có thể ở phương thức xét học bạ, trường sẽ đưa thêm một số môn học mới trong chương trình mới vào một số tổ hợp, phù hợp với ngành học xét tuyển. Chẳng hạn tổ hợp của ngành học liên quan đến kỹ thuật, công nghệ sẽ có thêm môn công nghệ, tin học. Môn giáo dục kinh tế và pháp luật có thể đưa vào tổ hợp của ngành học về kinh tế, luật… Tuy nhiên, nếu đưa thêm vào, các trường nên hạn chế tối đa các tổ hợp môn "lạ", không phù hợp với chuyên môn ngành học", thạc sĩ Khang chia sẻ.

Tương tự, thạc sĩ Trịnh Hữu Chung, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Gia Định, cho biết trường cũng sẽ có một số điều chỉnh về tổ hợp môn xét tuyển phù hợp với các môn học của Chương trình GDPT 2018.

Theo tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ, Trưởng phòng Tuyển sinh và phát triển thương hiệu Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, trường dự kiến sẽ cân nhắc điều chỉnh tổ hợp môn theo lựa chọn môn học và môn thi của TS để phù hợp với chuyên môn ngành học và để tạo nguồn tuyển. "Đồng thời, kỳ thi riêng của trường vào năm 2025 có thể cũng sẽ thay đổi để phù hợp Chương trình GDPT 2018", tiến sĩ Vũ chia sẻ.

Tiếp tục tìm giải pháp phù hợp

Tiến sĩ Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nha Trang, cho rằng cách thức xây dựng các tổ hợp xét tuyển phù hợp từ năm 2025 cần phải xem xét kỹ. Ông Phương phân tích: "TS xét tuyển vào trường theo môn học, môn thi đúng với tổ hợp xét thì không sao. Nhưng nếu xét tuyển TS chưa học các môn đó ở bậc THPT thì lên ĐH trường phải tổ chức đào tạo, dạy bổ sung kiến thức ra sao? Do đó, trường phải thành lập nhóm nghiên cứu để có những giải pháp phù hợp".

Đồng quan điểm này, thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công thương TP.HCM, cho biết trường hiện cũng đang nghiên cứu kỹ các môn thi, môn học của Chương trình GDPT 2018 rồi mới quyết định phương án xét tuyển. Trường sẽ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường về giải pháp nâng cao chất lượng tuyển sinh ĐH chính quy giai đoạn 2024 - 2030. Trường dự kiến thực hiện khảo sát trên HS lớp 10, 11, 12 và giáo viên trường THPT các tỉnh phía nam từ Quảng Ngãi trở vào mới quyết định cách thức xét tuyển cho năm 2025.

Riêng về tổ hợp xét tuyển, thạc sĩ Thái Sơn cho biết ngoài các môn bắt buộc (toán, văn và ngoại ngữ), trường có thể sẽ cho TS cơ hội lựa chọn các môn học để xét tuyển vào trường. Trong đó, HS chọn học các môn khoa học tự nhiên sẽ xét vào các ngành kỹ thuật công nghệ. HS theo học các môn khoa học xã hội xét tuyển vào nhóm ngành luật, du lịch. Trong khi đó, khối ngành kinh tế có thể xét tuyển cả hai nhóm HS trên. 

 

Theo Mỹ Quyên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây