Sẽ đi về đâu nền GDĐH xây dựng dựa trên đóng góp của người học?

Thứ sáu - 05/08/2022 07:28:03

Theo nhiều đại biểu dự hội nghị tự chủ ĐH được tổ chức ngày 4.8, việc phần lớn nguồn thu của ĐH phụ thuộc vào đóng góp của người học là một nguy cơ đe doạ sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục ĐH.
 
Sẽ đi

Chiều ngày 4.8, hội nghị tự chủ ĐH do Bộ GD-ĐT phối hợp với Uỷ ban VH - GD của Quốc hội tổ chức tiếp tục làm việc với phiên thảo luận chủ đề “Nguồn lực cho phát triển giáo dục ĐH và quản lý nhà nước”.

Trong phiên thảo luận này, các đại biểu đến từ các cơ sở đào tạo khác nhau, dù công lập hay tư thục, đều bày tỏ lo ngại trước việc ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH của ta là quá ít.

Cũng theo các đại biểu này, việc phần lớn nguồn thu của các trường ĐH phụ thuộc vào đóng góp của người học là một nguy cơ đe doạ sự phát triển bền vững của hệ thống giáo dục ĐH.

Học phí tăng gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu" nhân lực
Theo TS Nguyễn Ninh Thuỵ, Trưởng ban Kế hoạch tài chính, ĐH Quốc gia TP.HCM, hệ thống giáo dục ĐH của chúng ta đang phải đối mặt với một khó khăn cơ bản, đó là nguồn chi từ ngân sách nhà nước rất giới hạn.

Số liệu Tổng cục Thống kê 2018-2020 cho thấy, cân đối theo chỉ số GDP chi cho giáo dục và đào tạo chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong ngân sách nhà nước và giảm dần qua các năm.

Tổng chi ngân sách nhà nước cho GD-ĐT chiếm 4,63-5,12% GDP nhưng chi cho giáo dục ĐH chỉ chiếm 0,2% năm 2018, năm 2019 giảm, chỉ chiếm 0,19%, năm 2020 chỉ chiếm 0,18%. Tỷ lệ này đã sụt giảm so với năm 2015 (0,24%) (theo một báo cáo của World Bank).

Tại ĐH Quốc gia TP.HCM, ngân sách nhà nước cho chi thường xuyên cũng giảm dần từ 21% năm 2019, giảm còn 19% năm 2020, và đến năm 2021, tỷ lệ này chỉ còn 15%.

Khó khăn tiếp theo, ảnh hưởng tới hệ thống vĩ mô, chính là việc tăng học phí. Nhờ tăng học phí mà các trường có thêm nguồn thu quan trọng nhưng mặt trí là có thể làm giảm cơ hội được đến trường của các sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn, làm chậm quá trình mở rộng quy mô đào tạo nhân lực trình độ ĐH.

Bên cạnh đó, các ngành khoa học cơ bản, có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển bền vững của đất nước, cũng phần nào bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng học phí. Hiện nay, với cùng một mức chi trả học phí, người học bắt đầu giảm lựa chọn học các ngành khoa học cơ bản để theo học các ngành mang tính "hot" bởi vì c ơ hội nghề nghiệp phong phú hơn và thu nhập cao hơn.

Vì thế, có thể xem việc tăng học phí gián tiếp tạo ra "khủng hoảng thừa" với một số ngành thời điểm này là “hot”, và "khủng hoảng thiếu" về nhân lực của một số ngành khoa học cơ bản trong tương lai gần.

Muốn phát triển lành mạnh thì không thể dựa phần lớn nguồn lực vào học phí

Còn TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, cho hay ở những nền giáo dục ĐH phát triển lành mạnh, tài chính của trường ĐH phải bao gồm từ nhiều nguồn, trong đó từ người học (tự đóng hoặc vay tín dụng) thường chiếm tỉ lệ nhỏ hơn các nguồn khác cộng lại. Các nguồn này chủ yếu là từ ngân sách nhà nước.

Giáo dục ĐH là một dịch vụ vừa mang tính “công ích” (tạo nguồn nhân lực trình độ cao nâng cao vị thế cạnh tranh của quốc gia, giảm tệ nạn xã hội - việc phải chăm sóc xã hội thường tập trung vào những người văn hóa thấp), vừa mang tính “tư ích” (đáp ứng nhu cầu học tập, tạo cơ hội có thu nhập cao hơn cho từng cá nhân). Về nguyên tắc ai hưởng lợi bên đó cần tham gia chi trả.

Việc chi từ ngân sách cho giáo dục ĐH (gồm cả việc hỗ trợ trường tư qua thuế và đất giáo dục) thực tế là nghĩa vụ của nhà nước chi cho những gì mà quốc gia được thụ hưởng sau này.

Tuy nhiên, nghịch lý của chúng ta hiện nay là nhấn mạnh yếu tố tự túc như điều kiện tiên quyết của tự chủ trong bối cảnh các nguồn thu khác hạn chế. Điều này sẽ dẫn đến một nền giáo dục ĐH được xây dựng chủ yếu dựa trên học phí của người học.

“Với một nền tảng nguồn lực dựa trên sự đóng góp của người học như vậy thì nền giáo dục này sẽ như thế nào và đi về đâu?”, TS Tùng đặt câu hỏi rồi bình luận thêm: “Chưa có một nền giáo dục ĐH nào thành công theo mô hình “tự túc”!”

Theo TS Tùng, mặc dù có thể vẫn thực hiện lộ trình tự chủ gắn với lộ trình tăng học phí trường công như hiện nay, nhưng vẫn không thể tăng học phí quá nhiều. Cho nên, sẽ đến một lúc nào đó cần phải tăng tỷ trọng sinh viên trường tư song song với giảm tỷ trọng sinh viên trường công để tối ưu việc sử dụng ngân sách nhà nước chi cho giáo dục ĐH.

Nhà nước có thể giới hạn sinh viên trường công từ khoảng 85% hiện nay xuống còn khoảng 65% (chẳng hạn mỗi năm giảm 3-5% chỉ tiêu trường công), cũng để tỷ lệ sinh viên trường công trường tư tương xứng với các nước khác trong khu vực.

Tuy nhiên, TS Tùng vẫn kiên trì đề nghị: “Cần xem xét để không gắn việc tự chủ của trường công với mức độ tự chủ tài chính. Cần xem trường ĐH công lập là một dạng cơ quan sự nghiệp đặc thù”.

 
Theo Quý Hiên
Thanh niên

  Ý kiến bạn đọc

Mã bảo mật   

TIN MỚI

TIN KHÁC

COLUMBIA
-->
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây